Liên tục những ngày gần đây, trên nhiều tuyến phố tại TP.HCM bỗng xuất hiện nhiều nhóm người tự xưng là “thần y” có thể chữa “bách bệnh” bằng những phương thuốc gia truyền.
Bên cạnh đó, những người này còn quảng cáo bán những gói thuốc Nam được quảng cáo là “hiệu quả tức thì” trong việc điều trị bệnh. Để tìm hiểu chân tướng sự thật về các nhóm “thần y” chữa “bách bệnh” này, nhóm PV báo Công lý & Xã hội vào cuộc điều tra và bóc mẽ được bộ mặt lừa đảo tinh vi của nhóm các nhóm người này.
Nhóm phụ nữ tự xưng là người thuộc dòng họ có truyền thống làm nghề bốc thuốc lâu đời ở Phan Rang
Thang thuốc của nhóm phụ nữ “thần y” Phan Rang chữa “bách bệnh”
“Thần y” chữa “bách bệnh” xuất hiện ở khắp nơi
Sáng 1/6, nhóm PV báo Công lý & Xã hội đang đi tác nghiệp trên đường Quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) thì phát hiện một nhóm bốn người đi mời một số nhà dân mua các gói thuốc Nam được gói trong giấy báo, có bọc ni lông ở bên ngoài. Ngay lập tức, nhóm PV liền tiếp cận một người dân tên Thủy vừa được nhóm người này mời mua thuốc.
Chị Thủy cho biết: “Nhóm người này tự xưng là những “thần y” ở Bạc Liêu lên đây bán thuốc. Những gói thuốc Nam họ quảng cáo được xem là “thần dược” trị “bách bệnh”. Nói chung người dân mắc bất cứ bệnh gì uống thuốc loại thuốc trên cũng sẽ hoàn toàn khỏe mạnh ngay. Họ quảng cáo, chuyến bán thuốc lần này chỉ có bán trong thời gian 10 ngày. Tính đến sáng 1/6, họ đã bán được 9 ngày, chỉ còn 1 ngày nữa là họ sẽ quay về Bạc Liêu. Giá tiền cho mỗi gói thuốc Nam là 50 ngàn đồng. Do không tin vào việc chữa bệnh lề đường nên tôi đã từ chối mua thuốc”.
Theo quan sát của nhóm PV, trong vòng 40 phút, nhóm “thần y” mời được gần 15 nhà, trong đó đã có một vài người mua thuốc. Sau khi thấy không còn nhà nào để mời nữa, nhóm “thần y” liền sang tuyến đường khác. Ông Lê Bá Thành (ngụ phường Hiệp Bình Phước) chia sẻ: “Nhóm người này tự xưng là hậu duệ của các “thần y” nổi tiếng xứ Bạc Liêu, do sở hữu bài thuốc Nam vô cùng quý giá nên đi nhiều nơi để phổ biến. Nghe giới thiệu gói thuốc Nam này chữa được bệnh đau bao tử nên tôi mua hai gói để điều trị thử. Họ có cho tôi số điện thoại, nếu khỏi bệnh thì tôi sẽ điện thoại mua thêm thuốc”.
Trước đó, lần theo thông tin bạn đọc cung cấp, nhóm PV tiếp cận một nhóm phụ nữ tự xưng là “thần y” chuyên bán thuốc Nam dạo. Số phụ nữ này chia thành từng tốp khoảng chục người, vừa đi vừa tìm người rao bán thuốc. Trên đường “hành nghề”, gặp bất cứ ai, nhóm này cũng đều giới thiệu là thuốc gia truyền, trị bá bệnh. Qua tìm hiểu, PV phát hiện nhóm người trên đến từ Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận.
Một bà tên Dung tự xưng là người thuộc dòng họ có truyền thống làm nghề bốc thuốc lâu đời ở Phan Rang cho biết: “Tụi cô ở Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận lên đây bán thuốc làm phước. Đây toàn là những phương thuốc gia truyền của dòng họ. Vì không có tiền để mở cửa hàng, cuộc sống khó khăn nên mới cố gắng đem thuốc đi bán khắp nơi như vậy. Đây là thuốc tốt nhưng giá rẻ lắm chỉ có 20.000 đồng/thang thôi. Con có phúc tướng, cứ mua về uống hoặc giới thiệu cho bạn bè, nếu thấy tốt thì cứ gọi điện cho cô theo số này, cô sẽ gửi lên”.
Ngoài hai nhóm “thần y” trên, nhóm PV còn tiếp cận với một số nhóm “thần y” khác. Tại khu vực công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP.HCM), nhóm PV được một nhóm ba người giới thiệu là “thần y” xứ Bình Phước tiến đến mới mua các gói thuốc bọc trong giấy báo có công dụng chữa “bách bệnh”. Giá mỗi gói thuốc vô cùng rẻ, chỉ 10 ngàn đồng/gói. Mua 10 gói thì tặng thêm 2 gói. Tại khu vực cầu vượt Quang Trung (quận 12, TP.HCM), nhóm PV tiếp cận được một nhóm người xưng là “thầy thuốc” gốc gác tỉnh Ninh Thuận chuyên bán thuốc trị bệnh cho trẻ em. Gặp nhóm PV, nhóm “thầy thuốc” này ra sức quảng bá các loại thuốc chữa bệnh của mình.
Bóc mẽ thủ đoạn bán thuốc dỏm của các “thần y” tự phong
Liên quan đến nhóm “thần y” xứ Bạc Liêu hoạt động tại đường Quốc lộ 13, sau khi nhóm người này bỏ sang tuyến đường khác, một PV báo Công lý & Xã hội liền bám theo để tiếp cận. Phải mất nhiều thời gian, PV mới tiếp cận được nhóm “thần y” này. Muốn biết thành phần của gói thuốc Nam mà nhóm “thần y” này quảng cáo là có thể chữa “bách bệnh”, PV liền mua hai gói. Khi thấy có khách mua thuốc, một người phụ nữ ngoài 40 quảng cáo: “Thuốc này tốt lắm, là thuốc gia truyền mấy đời nhà cô có thể chữa vô sinh, viêm gan B, tiểu đường, huyết trắng... và hàng loạt căn bệnh khác. Uống không hết, gặp cô sẽ trả lại tiền liền”.
Do mục đích của việc tiếp cận mua thuốc là muốn tìm hiểu thành phần bên trong gói thuốc, PV liền dùng mọi cách để hỏi về thành phần, chức năng, công dụng của loại thuốc được quảng bá là có thể chữa “bách bệnh”. Nghe PV hỏi, người phụ nữ trên không đưa ra được câu trả lời nào cụ thể. Người phụ nữ này chỉ nói là “thuốc tốt lắm”. Đến khi bị hỏi dồn, người phụ nữ này liền kêu những người còn lại bỏ đi thẳng một mạch.
Thông qua bà Dung, một trong những “thần y” có truyền thống làm nghề bốc thuốc lâu đời ở Phan Rang, nhóm PV cũng mua được một thang thuốc Nam gia truyền quảng cáo là chữa “bách bệnh”. Qua quan sát, PV thấy các thang thuốc được chia thành những gói nhỏ, mỏng gói bằng giấy báo. Trên mỗi thang thuốc đều không ghi bất cứ một thông tin gì. Khi PV liên tục thắc mắc, tò mò về thành phần, chức năng, nguồn gốc của thuốc, những người này mới lấy từ trong giỏ ra một mẩu giấy nhỏ ghi vắn tắt: “Hội Đông y Việt Nam, Hội Đông y tỉnh Bình Thuận, lương y: Cô P. tổ Đông y dân tộc Chăm”. Dưới những hàng thông tin đơn sơ trên là công dụng của thang thuốc, liệt kê những chứng nan y như vô sinh, tiểu đường...
Các thang thuốc đều được nhóm này bảo quản trong giỏ xách, không nhãn mác, không có hướng dẫn sử dụng, không ghi thành phần thuốc. Nguồn gốc, địa chỉ của thuốc cũng chỉ được ghi một cách chung chung là Phan Rang, Tháp Chàm, Ninh Thuận kèm theo một số điện thoại di động. Ghi nhận thực tế, mỗi người trong nhóm này khi bán thuốc nếu được yêu cầu cung cấp địa chỉ, họ chỉ đưa ra một mảnh giấy như trên với tên và số điện thoại riêng của mình. Khi được PV gặng hỏi thành phần thuốc thì đều tìm cách lảng tránh không nói gì thêm.
Qua trò chuyện, họ tự khẳng định mình đã cứu chữa cho nhiều bệnh nhân mắc các chứng nan y trên nhiều địa phương. Người tên Dung cho biết: “Tụi cô đi như vậy lâu lắm rồi và chữa cho nhiều người khỏi bệnh nan y ở Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương... Tụi cô không nói bậy đâu, con cứ mua về uống, một thang như vậy cứ cho ba bát nước sắc lấy một bát uống là được. Cần thuốc thì cứ gọi điện cho cô, cô gửi cho”.
Riêng nhóm “thần y” hoạt động tại công viên Hoàng Văn Thụ, khi nhóm PV chất vấn về công dụng của từng vị thuốc trong gói thuốc lớn, thì người này chỉ ậm ờ trả lời cho có, cho qua chuyện. Thậm chí, một người trong nhóm này còn tuyên bố: “Tôi bán gói thuốc này cho hàng chục ngàn người dân khắp cả nước. Ai uống vào cũng đều khỏi bệnh cả. Bài thuốc có cả trăm vị, tôi làm sao mà nhớ công dụng của từng vị được”. Cũng với cách trả lời chống chế như vậy, nhóm “thần y” hoạt động tại cầu vượt Quang Trung khi bị chất vấn liền giải thích vòng vo, lảng tránh. Khi bị nhóm PV bóc mẽ bán thuốc Nam “dỏm”, nhóm “thần y” liền tìm cớ bỏ đi nơi khác.
NGƯỜI DÂN CẦN “NÓI KHÔNG” VỚI THUỐC NAM DẠO
Trước thực trạng xuất hiện nhiều “thần y” tự phong bán dạo các loại thuốc Nam “dỏm” trên đường phố, PV đã có cuộc trao đổi với lương y Phạm Thanh Tuấn, Hội Đông y TP.HCM xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, nguyên nhân vì sao xuất hiện các “thần y” tự phong bán thuốc trị “bách bệnh” trên đường phố?
Qua theo dõi các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi phát hiện, thời gian qua, các “thần y” tự phong đã xuất hiện tại tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Hà Nội... và một số tỉnh, thành khác. Đến hôm nay, tình trạng này mới xuất hiện tại TP.HCM. Theo đánh giá của tôi, nguyên nhân khiến tình trạng trên xuất hiện là do nhiều đối tượng thấy việc bán thuốc “dỏm” có thể kiếm được nhiều tiền. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng này thấy có quá nhiều người “mê tín”, tin vào những lời quảng cáo nên tổ chức hoạt động công khai.
Đây là một thang thuốc Nam được PV mua của một nhóm “thần y” đến từ Phan Rang. Ông có thể đánh giá gì về thang thuốc này?
Qua quan sát, tôi thấy các loại thảo dược này đều rất dễ kiếm và không có tác dụng gì đặc biệt. Các loại thảo mộc bao gồm: mộc thông, đỗ trọng, huỳnh kỳ, kỷ tử, lạc tiên, cát căn và huyền sâm. Trong số các loại đã nêu, có 3 loại thuộc nhóm thuốc Bắc, còn lại là thuốc Nam.
Các nhóm “thần y” bán thuốc trên đường phố TP.HCM quảng cáo thuốc Nam của họ chữa được “bách bệnh”. Ông đánh giá như thế nào về thông tin này?
Việc này rất khó tin. Tôi làm nghề thuốc đã bao nhiêu năm nay cũng chưa hề thấy có loại thuốc có thể chữa “bách bệnh”. Hơn nữa việc buôn bán thuốc theo kiểu hàng rong không rõ xuất xứ, thành phần là không đáng tin.
Để tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, người dân cần phải làm gì?
Thực tế cho thấy, chưa người dân nào mua thuốc của các “thần y” bán thuốc dạo trên có thể chữa được bệnh. Thậm chí, có trường hợp uống thuốc vào thấy bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Đừng vì mê tín mà để tiền mất tật mang. Nếu có bệnh mọi người nên tới các trung tâm, bệnh viện, các phòng Đông y để khám chữa bệnh. Tại đây, các bác sĩ, lương y có trình độ, chuyên môn điều trị. Người dân đừng nghe theo người ngoài kẻo bị lợi dụng rồi đến lúc có chuyện gì không biết tìm ai, lại thêm tiền mất tật mang.
Thưa ông, làm sao để ngăn chặn thực trạng các “thần y” tự phong bán thuốc dỏm?
Theo cá nhân tôi, cách ngăn chặn tốt nhất là người dân phải biết “nói không” với các loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc. Khi không có người tiêu thụ thì chắc chắn những “thần y” này sẽ tự biến mất. Bên cạnh đó, người dân khi phát hiện các “thần y” dạng này cần nhanh chóng báo tin cho cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Lâm cảnh “tiền mất tật mang” Để chứng minh công dụng của các gói thuốc Nam do các nhóm “thần y” này bán cho người dân, nhóm PV đã tiếp cận những người trong cuộc để ghi nhận. Bà Lê Thị Bích (ngụ quận Thủ Đức) bức xúc nói: “Toàn bộ là thuốc “dỏm” hết, bọn họ cũng chẳng phải là “thần y” gì cả, chỉ đi bán thuốc để lừa đảo thôi. Cách đây 10 ngày, tôi gặp một nhóm người xưng là “thần y” ở Phan Rang. Nghe họ quảng cáo các gói thuốc Nam chữa được bệnh “mất ngủ kinh niên” hay quá, tôi liền mua 5 gói để uống thử, nếu hiệu quả thì tôi sẽ liên hệ mua thêm. Tuy nhiên, sau nhiều ngày uống thuốc, tôi không đỡ bệnh mà ngày càng nặng thêm. Xém chút nữa tôi phải đi bệnh viện cấp cứu. Những chiêu lừa đảo của họ chủ yếu nhắm vào những người dân nhẹ dạ cả tin để trục lợi”. Ngoài trường hợp của bà Bích, nhóm PV còn ghi nhận hàng chục người dân khác cũng lâm vào hoàn cảnh “tiền mất tật mang”. |
Người già và phụ nữ trở thành nạn nhân Theo tìm hiểu của PV, hầu hết những người đến mua thuốc của các “ thần y” này là người già và phụ nữ. Đa phần là mắc bệnh đau nhức chân tay, gan, đau đầu... Thậm chí có người còn đến mua tới hàng chục thang trong khi không biết thuốc chữa bệnh gì, có khỏi không. Khi bán thuốc, những người này liên tục nói: “Hãy bình tâm xem như không có gì mọi chuyện sẽ qua hết”. Những lời nói trên khiến nhiều người mua tỏ thái độ lo lắng, hoang mang. |