Có lẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ duy nhất trên thế giới có thơ chúc Tết đồng bào cả nước mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Đã gần nửa thế kỷ Bác đi xa, cùng với Di chúc, những bài thơ chúc Tết của Bác để lại là tài sản vô giá đối với dân tộc ta, và đây chắc chắn sẽ mãi là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, vượt qua thử thách, tiếp tục giành những thắng lợi vẻ vang trong giai đoạn mới…
Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn người nào hết. Ngót ba mươi năm bôn ba bốn phương trời, Người vẫn giữ thuần túy phong độ, ngôn ngữ, tính tình của một người Việt Nam. Ngay sau khi về nước, trong không khí đón mừng năm mới, Người không quên mừng tuổi đồng bào hàng xóm và quà bánh cho trẻ em và có một món quà luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng cho toàn thể đồng bào mình vào mỗi dịp Tết cổ truyền, đó là những bài thơ chúc Tết giản dị nhưng rất đỗi thân thương của Người.
Lời thơ ngắn gọn, ngôn từ và cách diễn đạt mộc mạc dễ hiểu đối với các tầng lớp nhân dân, kể từ mùa xuân Nhâm Ngọ 1942, cứ mỗi khi xuân về Tết đến là đồng bào cả nước lại mong chờ những vần thơ chúc tết của Bác như một món quà ý nghĩa. Món quà ấy là nguồn động viên, cổ vũ toàn dân tộc cùng nhau đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trong đấu tranh cách mạng, trong lao động và sáng tạo để dựng xây quê hương, đất nước.
Dù là Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn có những vần thơ giản dị dễ hiểu, tự nhiên như hai câu kết trong thơ mừng xuân năm 1964:
Mấy lời thân ái, nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân.
Lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng giải phóng thống nhất đất nước trong bối cảnh cức kỳ gian khổ, khó khăn nhưng xuân về, Tết đến các năm 1956, 1957, 1959, Bác đều có thơ chúc tết gửi đồng bào chiến sĩ cả nước.
Ngoài nghi thức chúc tết truyền thống, thơ chúc tết của Bác bao giờ cũng chuyển tải hết sức cô đọng những nhiệm vụ cách mạng theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể và tiên cảm trước những thắng lợi, thành công của đất nước. Đó là Thơ mừng xuân Tân Sửu (1961):
“Mừng năm mới, mừng xuân mới
Mừng Việt Nam, mừng thế giới
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh
Kế hoạch năm năm thêm phấn khởi…”.
Tết Đinh Mùi (1967) với cảm hứng tươi trẻ, âm hưởng sôi động, Bác chúc:
“Xuân về xin có một bài ca.
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa…”.
Đặc biệt bài thơ chúc Tết Mậu Thân (1968) của Bác hừng hức khí thế như một hồi còi xung trận, là hiệu lệnh chỉ đạo cho cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1968, làm thay đổi tương quan lực lượng, buộc Mỹ - ngụy ngồi vào bàn đàm phán bốn bên ở Pari. Đến Xuân Kỷ Dậu 1969, mặc dù đã linh cảm “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin”, nhưng Bác vẫn làm thơ chúc Tết với âm hưởng hào hùng, vạch ra chiến lược cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và dự cảm cho một niềm tin chiến thắng:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Thực hiện lời Bác dạy, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã anh dũng tiến lên đánh bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ngồi đàm phán và ký kết Hiệp định Pari (27/01/1973) chấm dứt chiến tranh, “tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” và“rút lui hoàn toàn quân đội Mỹ và đồng minh cùng các nhân viên quân sự Mỹ ra khỏi Việt Nam”. Và đúng như tiên cảm của Bác sau bài thơ chúc Tết cuối cùng, đồng bào chiến sĩ cả nước thực hiện thành công cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Cả nước vỡ òa trong niềm vui “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, thực hiện thắng lợi “lời chúc” cuối cùng thiêng liêng của Người. Thắng lợi ấy đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là dấu ấn quan trọng đầu tiên mà toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện đúng như điều mong mỏi trong Di chúc của Bác: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Bắc Nam đã được sum họp, ngay sau ngày đất nước được hoàn toàn độc lập, Đảng ta đã từng bước thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Thực hiện Di chúc của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã phấn đấu vượt qua gian khổ và thu được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, năm 1986, Đảng khởi xướng đường lối đổi mới và quyết tâm tiến hành sự nghiệp đổi mới vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Đón Xuân mới, đọc lại những bài Thơ chúc Tết của Bác, vị Lãnh tụ kính yêu, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới cùng sự ngẫm ngợi di huấn thiêng liêng mà Người để lại, chúng ta càng thấy tự hào về một dân tộc Anh hùng. Tài sản vô giá này chắc chắn sẽ mãi là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua thử thách, tiếp tục giành những thắng lợi vẻ vang, đưa cả nước bước vào thời kỳ mới: Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.