Xuân sớm trên “cổng trời” Cha Lo

Binh Nhất| 10/02/2021 05:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày cuối năm, người người hối hả về xuôi, chuẩn bị cho ngày đoàn viên thì chúng tôi lại ngược lên biên giới để cảm nhận xuân sớm trên“cổng trời” biên giới Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình).

img_20210107_142716.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK quốc tế Cha Lo gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết

Đón chúng tôi là Thượng tá Phan Thanh Bổng, Đồn trưởng Đồn BPCK quốc tế Cha Lo. Công việc những ngày cuối năm vô cùng bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian đón tiếp để khách có điều kiện biết về đời sống của cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới.

Thượng tá Phan Thanh Bổng chia sẻ, trưa 19/10/2020, cầu thang của tòa nhà chỉ huy Đồn BPCK quốc tế Cha Lo xuất hiện vết nứt dài. Nhận định có thể do mưa lâu ngày gây ra tình trạng sạt lở đất nên lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng di chuyển tài liệu, vũ khí. Mọi thứ diễn ra khẩn trương, và khi tủ súng cuối cùng của Đội Vũ trang được chuyển đến nơi an toàn thì toàn bộ dẫy nhà cấp đội, nhà tạm giam bất ngờ đổ sập, nhà chỉ huy nứt và nghiêng 45 độ.

Vốn dĩ bộ đội ăn ở tập trung nay phải phân tán nhiều nơi, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ. Thế nhưng, với sự đoàn kết một lòng khắc phục khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK quốc tế Cha Lo vẫn thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, vừa phòng chống dịch. Điều này thể hiện ở chỗ đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đảm bảo thông suốt cho hàng hóa qua lại biên giới. Việc thực hiện “đổi tài” và đầu tư thiết bị “gắp công” cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nên dù trong thời gian dịch nhưng cửa khẩu quốc tế Cha Lo vẫn được đánh giá là một trong những nơi “thông thoáng” nhất.

img_20210107_142720.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK quốc tế Cha Lotuần tra trong một ngày mưa tháng 12/2020

Ở cổng trời biên giới Cha Lo, những người lính Biên phòng có “mùa xuân rất riêng”- đó là mùa xuân mang hương sắc của tình hữu nghị Việt Nam-Lào anh em. Trong món quà chúc mừng năm mới của những người anh em kết nghĩa là Đồn Công an cửa khẩu Nà Phàu (Ty An ninh tỉnh Khăm Muồn) và Đại đội Bảo vệ biên giới 312 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muồn, Lào), khi nào cũng có những phần gạo nếp giống bản địa, trồng trong những ruộng được dẫn nước từ dòng Mê Kong hùng vĩ. Thứ gạo nếp thơm, dẻo ấy được gói trong những chiếc lá dong mọc trên đỉnh núi Giăng Màn, thêm đậu xanh, thịt lợn, cho ra thứ bánh cổ truyền của Việt Nam nhưng lại hương vị của những người anh em bên kia biên giới. Những đoàn khách từ miền xuôi lên thăm đơn vị vô cùng thích thú với loại bánh chưng mang tình hữu nghị Việt-Lào này.

Trong chuyến thăm, tặng quà và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo năm nay có một người phụ nữ Việt Nam là chị Lê Thị Ngọc, vợ Trung tá Phăn Lạ Khon Phôm mạ kê sỏn, Đại đội trưởng Đại đội bảo vệ Biên giới 312. Nhiều năm trước, chàng trai trẻ Phăn Lạ Khon Phôm mạ kê sỏn sang Việt Nam theo học tại Đại học Văn hóa Hà Nội. Thời gian ấy, anh đem lòng yêu cô bạn cùng trường tên Lê Thị Ngọc. Cảm mến trước tâm lòng chân thành ấy, chị Ngọc đáp lại tình cảm của chàng trai đến từ đất nước Triệu Voi. Mối lương duyên này cũng nhận được từ phía gia đình chị Ngọc, bởi cha chị từng là lính tình nguyện ở tỉnh Xiêng Khoảng, còn bố của anh Phăn Lạ Khon nguyên là lính Pa Thét Lào, từng sát cánh với những người lính tình nguyện Việt Nam.

Kể từ đó, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, gia đình anh Phăn Lạ Khon Phôm mạ kê sỏn đưa nhau sang Việt nam đón xuân, còn tháng 4, gia đình chị Ngọc cũng sang Lào ăn Tết Bun Pi May. Và khi cậu con trai đầu lòng ra đời, hai vợ chồng đã đặt tên là Pi May (tiếng Việt có nghĩa là năm mới). Cứ như vậy được 4 năm thì chị Ngọc theo chồng về Bua La Pha, một huyện biên giới thuộc tỉnh Khăm Muồn, tiếp giáp với tỉnh Quảng Bình của Việt Nam. Năm nay, vì dịch Covid-19, chị không thể về Việt Nam đón Tết nên theo chồng ra tận cửa khẩu để mong gặp được đồng hương.

Do dịch Covid-19, mưa lũ triền miên rồi sự cố sập trụ sở nên suốt một năm nay, chỉ có những cán bộ, chiến sĩ có lý do thật đặc biệt mới được giải quyết đi tranh thủ và cắt phép. Đội trưởng Kiểm soát Hành chính, Thiếu tá Mai Thanh Hải đã gần 5 tháng nay chưa đi tranh thủ. Xây dựng gia đình muộn, 37 tuổi vợ chồng anh mới đón con trai đầu lòng. Có lần, anh đi tranh thủ, về tới nhà, con trai anh thấy bố thì khóc thét, chạy lại trốn sau lưng người thân. Nghe vậy, chúng tôi ai nấy đều chạnh lòng.

Một câu chuyện khác là về gia đình Trung tá Nguyễn Văn Dũng. Hơn chục năm trước, anh Dũng đưa vợ mình là chị Xoa từ đồng bằng lên Cha Lo dựng một quán nhỏ bán đồ ăn cho cánh lái xe qua lại biên giới để kiếm sống và cũng là để vợ chồng, con cái được gần nhau.

Chịu thương chịu khó, dần dà, chị Xoa mở được quán to, xây kiên cố ngay gần cổng trời Cha Lo. Từ ấy, chị gắn bó với mảnh đất biên viễn này dù có thời gian chồng chuyển công tác. Khi trụ sở của Đồn Đồn BPCK quốc tế Cha Lo bị sập và hiện đang xây dựng, cán bộ, chiến sĩ phải ở rất chật chội. Vợ chồng chị không chút đắn đo quyết định cho đơn vị mượn dãy quán bán hàng của gia đình để bố trí chỗ ở cho anh em, còn gia đình thì dọn đồ về ở lại căn nhà cũ cách đó không xa.

Buổi sớm hôm ấy, khi đứng ngắm nhìn những bông hoa đầu tiên của cây đào trước nhà chỉ huy bung nở trong giá rét, chúng tôi cảm nhận dường như mùa xuân đã về với đất trời biên giới Cha Lo tự bao giờ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân sớm trên “cổng trời” Cha Lo