Xuân ở hai đầu nỗi nhớ

Hoàng Hải| 28/01/2020 14:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ở hai đầu nỗi nhớ, anh chị vẫn làm nên những ngày xuân đong đầy hạnh phúc.

Hơn 10 năm trước, chị là cô gái xinh xắn, giỏi giang sống và làm việc giữa thành phố đã từ chối tất cả các “vệ tinh” để về làm vợ anh - người lính biên phòng ở miền cực Tây Tổ quốc. Khoảng cách trải dài theo những cung đường biên giới anh đi nhưng tình yêu của anh chị vẫn son sắt, thủy chung cho dù mọi thứ cứ dần thay đổi theo thời gian. Ở hai đầu nỗi nhớ, anh chị vẫn làm nên những ngày xuân đong đầy hạnh phúc.

Xuân ở hai đầu nỗi nhớ

Thiếu tá Đặng Văn Tuấn (đứng đầu, từ cột mốc sang) dẫn đầu đoàn Đồn Biên phòng A Pa Chải tuần tra  bảo vệ biên giới 

Thư tay vượt “sông bùn” nuôi tình đôi lứa

Thiếu tá Đặng Văn Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên nhìn già dặn hơn so với tuổi 37 của mình, bởi mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc. Anh là điển hình của “hai thế hệ, một con đường” bởi cha anh là liệt sĩ, Trung tá Đặng Quang Trung, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Thơm, BĐBP (Điện Biên).

Những câu chuyện của cha kể mỗi dịp nghỉ phép đã nuôi dưỡng trong anh ước mơ về biên giới. Hết lớp 12, trong khi các bạn có nhiều lựa chọn thì anh chỉ ghi nguyện vọng duy nhất vào Học viện Biên phòng. Năm năm sau, khi đặt bút ghi nguyện vọng nơi công tác, anh Tuấn có nói với người yêu: “Làm bộ đội phải chọn nơi gian khó để rèn luyện bản lĩnh. Cả cuộc đời của cha anh đã dành cho Lai Châu, Điện Biên giờ anh muốn trưởng thành ngay chính trên mảnh đất ông đã hi sinh”. Nhiều người bất ngờ với quyết định của anh, bởi chỉ cần một lá đơn trình bày “con liệt sĩ, có nguyện vọng về gần nhà để tiện chăm sóc gia đình” thì việc tổ chức phân công anh về BĐBP tỉnh Nam Định là điều không khó. Mùa Thu năm 2005, anh bộ đội biên phòng Đặng Văn Tuấn khoác ba lô lên biên giới Điện Biên mang theo lời ước hẹn với cô giáo Nguyễn Thị Yến.

Nói về chuyện tình yêu của Thiếu tá Đặng Văn Tuấn và cô giáo Nguyễn Thị Yến, ai cũng ngưỡng mộ bởi nó tựa như tiểu thuyết ngôn tình mà lại… rất thật. Hai người là bạn học cấp 3. Tuấn mến cô bạn học giỏi văn, còn Yến để ý chàng trai học giỏi toán. Tình cảm trong sáng tuổi học trò là động lực để chàng thanh niên Đặng Văn Tuấn thi đỗ vào Học viện Biên phòng và cô nữ sinh Nguyễn Thị Yến đỗ vào Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Suốt 5 năm học ở Học viện Biên phòng, những cánh thư tay đã nuôi dưỡng tình cảm đôi lứa. Mỗi tháng một lần, cô nữ sinh sư phạm lại từ Vĩnh Phúc về Sơn Tây thăm người yêu. Song, quãng thời gian anh Tuấn nhận công tác mới thực sự là thử thách với chị Yến.

Biên giới Điện Biên những ngày ấy nhiều nơi chưa có sóng điện thoại, bởi vậy mà kênh liên lạc chính vẫn là viết thư tay. Ban đầu, chị Yến giận người yêu lắm, vì thư gửi đi rất lâu mới nhận được hồi âm, thư viết nhiều khi còn có chút lấm lem như có vẻ người viết không chỉn chu với việc mình làm.

Sau này, anh kể rằng: Đường từ Tp Điện Biên Phủ vào đến huyện Mường Nhé đi ô tô đã mất cả ngày đường. Từ trung tâm huyện vào xã Leng Su Sìn, nơi anh công tác là “dòng sông bùn” mỗi khi mưa xuống. Bởi vậy, có khi thư gửi hơn tháng mới tới tay người nhận. Nghe thế, chị thấy thương anh nhiều hơn, chủ động viết thư động viên anh mà không đợi thư hồi đáp.

“Anh Thọ” nơi tiếng gà ba nước cùng nghe

Thiếu tá Đặng Văn Tuấn vừa kết thúc khóa học Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị. Anh tranh thủ về nhà để “ăn Tết” với gia đình trước khi quay trở lại biên giới. Chuyện “ăn Tết” trước cả khi ông Táo về trời đã không còn lạ gì với gia đình anh bởi khi bố anh còn công tác, nhà anh vẫn thường xuyên tổ chức ăn tết vào đầu tháng Chạp vào dịp những năm ông không về. Vậy nên, khi lấy Thiếu tá Đặng Văn Tuấn, chị Yến cũng đã quen với việc này.

Xuân ở hai đầu nỗi nhớ

Cô giáo Nguyễn Thị Yến và những học trò của mình

Gần 20 năm công tác, Thiếu tá Đặng Văn Tuấn đã qua các đồn Leng Su Sìn, Nậm Kè, Nậm Nhừ. Những vùng đất từng được coi là “điểm nóng” về di cư tự do cũng như truyền đạo trái phép. Tình hình phức tạp nên khiến ngay cả việc về tranh thủ hay nghỉ phép của cán bộ, chiến sĩ cũng phải hạn chế chứ chưa nói đến chuyện nghỉ Tết. Cứ 2 - 3 năm mới đến lượt mình về. Vì đường xa, xe không thuận lợi nên Thiếu tá Đặng Văn Tuấn có về đến nhà thì cũng đã 27, 28 Tết.

Như nhiều người lính biên phòng khác, Thiếu tá Đặng Văn Tuấn luôn coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Sự gắn bó đó được thể hiện bằng những mối quan hệ đầy thân tình với nhân dân trên địa bàn, những nơi anh đã và đang công tác. Chị Yến chia sẻ: “Hè năm nào mình cũng đưa các con lên thăm bố ở biên giới. Đó cũng là thời gian gia đình được sum vầy bên nhau lâu nhất. Nhìn bố con quấn quýt với nhau, thật hạnh phúc. Nhưng, vui hơn cả là được cùng anh đi địa bàn, thăm đồng bào và qua đây biết được công việc của anh cũng như tình cảm gắn bó với người dân”.

Năm 2011, Thiếu tá Đặng Văn Tuấn là Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Nhừ kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Na Cô Sa. Khi ấy Na Cô Sa mới bình yên trở lại sau vụ việc “Huổi Khon”. Anh Sồng Bá Chia, một người Mông, chăm chỉ làm ăn và chịu thương chịu khó nhưng sự hiểu biết có hạn và bị một ràng buộc bởi “cộng đồng”, “anh em” nên dù không muốn nhưng vẫn theo “anh em” đến Huổi Khon. Sau này, anh Chia bị đưa ra kiểm điểm trước dân bản.

Điều ấy khiến gia đình anh Chia rất buồn và ngại ngần, sống khép kín với hàng xóm. Những ngày ấy, không biết vì anh Chia vắng nhà thật hay vì muốn tránh mặt mà lần nào Thiếu tá Đặng Văn Tuấn đến cũng không gặp. Những lần như thế, Thiếu tá Đặng Văn Tuấn và cán bộ, chiến sĩ không về ngay mà thường nán lại trò chuyện với vợ của anh Chia, khi thì giúp phơi ngô ngoài sân hoặc chơi với mấy cháu nhỏ. Anh cũng tự mày mò học thêm những câu giao tiếp bằng tiếng Mông để rút gần khoảng cách.

Mùa hè năm ấy, chị Yến lên thăm chồng nên được anh đưa đến thăm nhà anh Chia. Nhìn bọn trẻ tóc vàng râu ngô vì dãi nắng, chị rất thương. Những cái kẹo của chị khiến lũ trẻ vô cùng thích thú, thay vì nép sau cánh cửa khi thấy người lạ, lại kéo nhau ra đón khi chị Yến đến. Thế rồi, như một sự vô tình, những lần sau, Sồng Bá Chia đều có mặt ở nhà. Sau đó anh Chia nói với anh Tuấn: “Giờ thì tôi đã hiểu ai là người tốt, không bỏ rơi tôi lúc khó khăn rồi”.

Bí thư Chi bộ thôn A Pa Chải, ông Lỳ Tấn Phù luôn tự hào với mọi người vì mình có “con nuôi” là Đồn trưởng Đồn biên phòng A Pa Chải. Ngày nghỉ rảnh rỗi, “con nuôi” lại xuống giúp ông sửa hàng rào hoặc bàn chuyện mua thêm lợn giống về thả hay chuyện làm thế nào để phát triển đội ngũ đảng viên trẻ. Ông Lý Tấn Phù bảo ở A Pa Chải này, người ta vẫn kể cho nhau câu chuyện về người lính Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Thọ, người đã mang cây lúa nước để thay thế cây thuốc phiện, mang cái chữ để xây dựng niềm tin, xua tan đói nghèo cho đồng bào Hà Nhì nơi đây vào hơn nửa thế kỷ trước.

Đã hơn nửa thế kỷ nhưng câu chuyện về “anh Thọ” nay vẫn mới nguyên bởi những người lính biên phòng hôm nay vẫn tiếp tục là “anh Thọ”, lúc nào cũng sẵn sàng "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn đồng bào trồng giống ngô lai cho năng suất cao, chuyển đổi nuôi cá truyền thống sang nuôi các loại cá trê, phi, chim trắng; trồng giống cỏ voi để làm thức ăn chăn nuôi cho trâu bò; trồng khoai tây vụ đông trên diện tích cây lúa một vụ; trồng chuối tiêu hồng, trồng cây keo và sa mu...

Đã mấy lần, Thiếu tá Đặng Văn Tuấn nói với vợ, Bí thư Chi bộ Lý Tấn Phù rất muốn đón gia đình lên A Pa Chải ăn Tết một lần để cảm nhận được không gian văn hóa đặc biệt của vùng đất ngã ba biên giới. Tất nhiên, với tâm hồn của một cô giáo dạy văn, chị Yến rất muốn được một lần cùng chồng mình, người lính trấn ải biên thùy chạm vào mùa xuân biên giới, chạm vào cột mốc biên cương của vùng đất một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe. Chị bảo, nhất định, ước muốn ấy chị sẽ biến thành hiện thực vào một ngày xuân gần nhất.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân ở hai đầu nỗi nhớ