Pháp đình

Xử sơ thẩm vụ án tại FLC: Chối bỏ trách nhiệm, kiểm toán viên được cho đối chất với Giám đốc

Mạnh Hùng 23/07/2024 - 20:07

Cuối buổi xét xử chiều 23/7, HĐXX đã cho Tổng giám đốc Công ty kiểm toán đối chất với nhân viên vì bị cáo này đã chối bỏ trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm toán và ký báo cáo tài chính cho Công ty Faros năm 2014-2015...

151717a5-e094-4daf-a752-6e1725e9fd71(1).jpeg
Toàn cảnh phiên tòa

Nhân viên "tố" Sếp "hướng dẫn khai báo"

Tại phần xét hỏi trong phiên xử sơ thẩm vụ án tại Tập đoàn FLC chiều 23/7, HĐXX đã cho bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh- cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA) đối chất với bị cáo Lê Văn Tuấn- kiểm toán viên của Công ty CPA (cả hai đều bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ở vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Trịnh Văn Quyết).

Theo cáo buộc, hai bị cáo đã ký 3 báo cáo tài chính kiểm toán trái pháp luật giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu ROS của Công ty Faros và bán cổ phiếu chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Trả lời tại phiên tòa, bị báo Lê Văn Tuấn cho biết mình được cấp phép hành nghề kiểm toán viên vào năm 2017 và là cộng tác viên của CPA Hà Nội. Bị cáo Tỉnh có thoả thuận để Tuấn khai thác và mang lại khách hàng cho công ty thì được hưởng 20% doanh thu trên số tiền thực thu.

Tại Tòa, bị cáo Tuấn cho biết không tham gia vào hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính của Công ty Faros giai đoạn 2014 - 2015. Không biết các diễn biến hoạt động hồ sơ kiểm toán của Công ty Faros.

Chủ tọa phiên tòa hỏi, vì sao trong quá trình điều tra, bị cáo có nhiều lời khai có tham gia vào hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính 2014-2015 của Công ty Faros? Bị cáo Tuấn cho biết, "đấy là lỗi của bản thân khi khai báo không trung thực do sức ép của ông Tỉnh. Bị cáo chịu áp lực rất lớn dưới sự chỉ đạo của ông Tỉnh. Bị cáo nhận thức nếu không đồng ý ông Tỉnh sẽ cho dừng hành nghề sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh".

04232c5e-9bd0-45bf-a764-9bc2e529a3dc.jpeg
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Chủ tọa hỏi lại, bị cáo là kiểm toán viên đã hành nghề nhiều năm. Nếu bị cáo không thực hiện việc kiểm toán, liệu bị cáo có tự nhận kết quả kiểm toán mà mình không thực hiện không?

Bị cáo Tuấn "sai lầm của bị cáo là không làm mà cứ nhận. Lời khai của bị cáo trước đây là do ông Tỉnh cung cấp. Bị cáo được ông Tỉnh đưa cho một bản giải trình các câu hỏi của CQĐT dài khoảng 8-10 trang để nghiên cứu, khi nào lên làm việc với CQĐT thì dựa vào đây để trả lời.

Bị cáo Tuấn khẳng định "toàn bộ lời khai trên tôi cam kết đúng sự thật".

Phủ nhận lời khai này, bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh cho rằng “Những điều mà bị cáo Tuấn vừa khai là không đúng. Bị cáo không hề gây sức ép cho bị cáo Tuấn trong trong chuyện có kiểm toán hay không, không gây sức ép cho ông Tuấn phải ký vào các biên bản kiểm toán hay tham gia vào công việc gì".

19da129e-c683-4937-a1c4-e5a1758d8be3.jpeg
Bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh tại phiên tòa

Bị cáo Tỉnh cho biết, báo cáo kiểm toán của CPA Hà Nội đối với các báo cáo tài chính năm 2014-2015 của Công ty Faros là theo sự phân công của ông Lê Văn Dò, Phó giám đốc Công ty. Ông Dò phân công cho nhóm kiểm toán gồm 5-6 người. Sau khi làm việc với Ủy ban Chứng khoán, thì bị cáo có triệu tập cuộc họp của nhóm kiểm toán với sự tham gia của ông Lê Văn Dò. Bị cáo đề nghị nhóm kiểm toán sang thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán và đề nghị bổ sung ông Lê Văn Tuấn vào nhóm kiểm toán.

66bc4066-2511-4ce1-a3dd-72194c8b2374(1).jpeg
Đại diện VKS tại phiên tòa

Được hỏi về diễn biến sự việc trên, bà Trần Thị Ninh (nhân chứng- từng làm việc ở Công ty CPA Hà Nội và tham gia kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty Faros giai đoạn đầu) khai "không biết có những ai tham gia kiểm toán và chỉ nghe nói không chính thức là Lê Văn Tuấn tiếp quản công việc. Trong thời gian này, anh Tuấn gọi điện và tôi có nói một số nội dung lưu ý về báo cáo tài chính của Faros”.

Vợ Trịnh Văn Quyết đồng ý dùng tài sản chung khắc phục hậu quả cho chồng

Gần cuối phiên xử chiều 23/7, HĐXX đã hỏi bà Lê.Thị.N.D, vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết về việc có hay không việc nhận tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội mà có. Bà D. cho biết "tôn trọng các nội dung cáo trạng đã nêu. Nếu tôi có nhận khoản tiền nào thì đó là để trả các khoản nợ mà tôi vay hộ Huế (em gái ông Quyết-PV)”.

Về khối tài sản chung đang bị kê biên, bà Diệp đồng ý dùng các tài sản này để khắc phục hậu quả vụ án cho chồng. Về một số tài sản đang thế chấp ở ngân hàng, bà Diệp cho biết không biết vì "các hồ sơ ngân hàng gửi đến cơ quan điều tra, viện kiểm sát"

Theo cáo trạng, Cơ quan điều tra đã kê biên tài sản diện tích 799,6 m2 nhà đất tại Khu đô thị Mỹ Đình 2, TP Hà Nội; 199,9 m2 nhà đất tại Khu đô thị Mỹ Đình 2; 199,9 m2 nhà đất ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội của bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Đồng thời, Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước rà soát ngăn chặn giao dịch (khóa chiều ghi nợ) đối với tài khoản đứng tên các cá nhân gồm Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế, Hương Trần Kiều Dung...

Cơ quan điều tra còn có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho tặng, cầm cố, thế chấp…) với tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu…) đứng tên Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Lê Thị Ngọc Diệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử sơ thẩm vụ án tại FLC: Chối bỏ trách nhiệm, kiểm toán viên được cho đối chất với Giám đốc