Sáng nay 18/8, UBTVQH đã biểu quyết thông qua dự thảo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng với 100% đại biểu tán thành.
Đồng thuận tuyệt đối
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết: Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Thường trực UBTP đã chủ trì, phối hợp với TANDTC, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và VKSNDTC khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận tại phiên họp; đồng thời, gửi dự thảo Pháp lệnh xin ý kiến các cơ quan có liên quan ; bảo đảm hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật của dự thảo Pháp lệnh trước khi trình UBTVQH thông qua.
Thường trực UBTP đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng về đối tượng điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh. Đối với quy định về thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển đã thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Đối với trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Toà án nhân dân đều là những hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và thực tiễn đang xảy ra nhiều hành vi cản trở, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Tòa án, cần được điều chỉnh trong Pháp lệnh này để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm. Trên cơ sở đó, để quy định đầy đủ về đối tượng điều chỉnh, đồng thời thể hiện chính xác về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính, khoản 1 Điều 2 của dự thảo Pháp lệnh.
Về các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đã được tiếp thu chỉnh lý. Việc quy định hình thức xử phạt đối với hành vi trong dự thảo Pháp lệnh còn phải bảo đảm các yêu cầu như: Thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) về thẩm quyền xử phạt và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn;
Tuân thủ nguyên tắc tại điểm c khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC: “Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng”. Dự thảo Pháp lệnh đã rà soát để bảo đảm thống nhất tương đối với một số Nghị định của Chính phủ có liên quan.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận xét, UBTP, UBPL và Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất tích cực tiếp thu, chỉnh lý. Ngay sau phiên họp diễn ra ngày 15/8, các cơ quan này đã làm việc liên tục không kể ngày đêm để hoàn thiện dự thảo pháp lệnh với tinh thần trách nhiệm rất cao. Dự thảo này so với trước có bổ sung 3 điều mới và chỉnh lý 15 điều khác sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng nhận xét, đến thời điểm hiện nay các cơ quan đã thống nhất gần như tuyệt đối với nội dung dự thảo. Các ý kiến của Bộ Tư pháp đều đã được tiếp thu. Duy chỉ có quy định về hình phạt bổ sung đối với Luật sư vi phạm bị xử phạt hành chính là còn chút băn khoăn.
Theo đó, Nghị định 84 quy định về xử phạt hành chính đối với Luật sư có hình thức thu thẻ, giấy phép hành nghề luật sư, nhưng trong dự thảo pháp lệnh không quy định. Mức phạt trong pháp lệnh đối với hình thức xử phạt này nhẹ hơn so với nghị định 84. Do vậy Bộ Tư pháp đề xuất hai phương án để lựa chọn đó là: Trong pháp lệnh dẫn chiếu quy định này xử lý theo Nghị định 84; Phương án 2 là có thể quy định bổ sung là tước quyền xử dụng giấy phép hành nghề nhưng giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh xử lý.
Bộ Tư pháp thì nghiêng về phương án 1 còn cơ quan thẩm tra và cơ quan tư pháp cho rằng nếu theo phương án 1 không phù hợp vì bỏ sót nhiều hành vi.
Cấm Livestream phiên tòa mục đích bảo vệ quyền con người
Phát biểu làm rõ thêm một số nội dung, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao nội dung tiếp thu của UBTP. Các cơ quan đã làm việc không kể ngày đêm, trong 2,5 ngày để kịp hoàn thành dự thảo trình UBTVQH thông qua hôm nay.
Lý giải về việc hành vi vi phạm của Luật sư, dự thảo Pháp lệnh không quy định hình phạt bổ sung là “tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn” như các Nghị định của Chính phủ, Chánh án cho biết, hầu hết các chủ thể có thẩm quyền xử phạt trong Pháp lệnh này lại không được Luật XLVPHC giao thẩm quyền áp dụng biện pháp này.
Vì vậy, nếu quy định biện pháp nêu trên sẽ dẫn tới vô hiệu hóa nhiều quy định về thẩm quyền xử phạt và không đáp ứng yêu cầu xử phạt kịp thời các hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Hơn nữa việc tước giấy phép thông thường phải thông qua quy trình chặt chẽ, chứ không thể xử lý ngay tại tòa hay chuyển hồ sơ Chủ tịch UBND có thể thực hiện ngay được. Nên dự thảo Pháp lệnh này đã loại trừ quy định thẩm quyền tước giấy phép hành nghề của cơ quan tố tụng theo Nghị định 82.
Liên quan đến nội dung xử phạt ghi âm, ghi hình, livestream tại phiên tòa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, tất cả các quy định của Pháp lệnh, trong quá trình soạn thảo không phải Tòa án tự nghĩ ra mà được quy định rải rác ở các luật khác nhau (Luật tố tụng hành chính, dân sự, hình sự,…).
Lý do quy định như vậy xuất phát từ việc bảo vệ quyền con người trong tố tụng.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngay sau lần họp trước vừa kết thúc, ông đã nhận được nhiều ý kiến từ các nhà báo thắc mắc về vấn đề này.
Nhấn mạnh ý nghĩa “Nhà báo có quyền như vậy, nhưng người khác họ cũng có quyền rất thiêng liêng", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu ví dụ: Phiên tòa xét xử ly hôn, trong phiên tòa đương sự phải trình bày lý do, tài sản có gì, phân chia ra sao,… có nhiều nội dung mà cá nhân đương sự cũng không muốn người ngoài được biết…
Một nguyên tắc lớn cần được bảo đảm ở đây là quyền con người, nếu live treem sẽ vi phạm quyền con người của đương sự. Kể cả trong vụ án hình sự cũng vậy, họ cũng có quyền được bí mật tài sản, sự ảnh hưởng đối với thân nhân, con cái của họ… Vậy nên sẽ vi phạm quyền con người nếu cho phép các hoạt động nêu trên. Đó là lý do tại sao pháp lệnh quy định như vậy- tất cả đều xuất phát từ bảo vệ quyền con người, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Thứ 2 là việc livetreem, ghi âm, ghi hình không được phép thực hiện tại tòa bởi việc tổ chức phiên tòa, điều tối thượng là đế hướng đến 1 bản án đúng pháp luật, công tâm, chứ không phải là dịp để truyền thông. Người tiến hành tố tụng phải toàn tâm, toàn ý với công việc, để đảm bảo đưa ra phán quyết công tâm, đúng pháp luật.
Nếu HĐXX ngồi trước hàng trăm máy đang livetreem trực tiếp thì không thể toàn tâm, toàn ý cho nhiệm vụ chính của phiên tòa. Nếu làm việc mà phải đứng trước ống kính sẽ không thể tập trung, xao nhãng công việc, không thể đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử, Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải thích.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánhh giá, 2 ngày cơ quan tư pháp, cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu rất tích cực. So với bản cũ đã bổ sung thêm 3 điều và chỉnh lý 15 điều. Việc tiếp thu giải trình rất nghiêm túc, chất lượng. Về cơ bản đến thời điểm này cơ dự thảo cơ bản đạt mục tiêu đề ra và có thể thông qua.
Với tinh thần đó, UBTVQH có thể hoàn thiện trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Sau đó, UBTVQH đã biểu quyết thông qua dự thảo pháp lệnh với sự tán thành 100%.