Xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng phân bón giả

Lan Trần| 21/10/2017 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một trong những nội dung mới của Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng xảy ra trên địa bàn.

Thông tin trên được ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến tuyến với chủ đề “Tăng cường quản lý thị trường phân bón” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức vào sáng 20/10.

Lượng phân bón dư thừa là quá lớn

Thời gian qua, tình trạng phân bón giả, nhái và kém chất lượng đã gây thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nông sản và ô nhiễm môi trường…Trong khi đó, việc quản lý thị trường phân bón trong nước còn nhiều lỏng lẻo, bất cập khiến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc... xuất hiện tràn lan trên thị trường.

Chia sẻ tại tọa đàm “Tăng cường quản lý thị trường phân bón”, ông Hoàng Trung cho biết riêng phân bón vô cơ mà Bộ NN&PTNT tiếp nhận từ Bộ Công Thương là 13.423 sản phẩm. Trong đó tính từ thời điểm 1/1/2017 đến nay là 7.840 sản phẩm, tăng gần gấp đôi chỉ trong 8 tháng.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng phân bón giả

Về cơ sở sản xuất phân bón Bộ NN&PTNT đã tiếp nhận 554 cơ sở sản xuất. Tính đến thời điểm này, số lượng sản phẩm phân bón được phép lưu hành ở Việt Nam là 14.174 sản phẩm, cả phân bón vô cơ và hữu cơ. Trong đó, phân hữu cơ chiếm 53%. Số lượng cơ sở sản xuất cả phân bón hữu cơ và vô cơ là 706. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm hợp quy vẫn đang được Bộ Công Thương tiếp tục gửi về, nên số lượng phân bón vẫn tiếp tục tăng.

Về công suất, với số lượng phân bón và nhà máy sản xuất như trên, thì lượng phân bón vô cơ là 26,5 triệu tấn và phân hữu cơ khoảng 2,5 triệu tấn và hằng năm nhập khẩu 4 triệu tấn. Như vậy, tổng sản lượng phân bón là khoảng 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với nhu cầu sản xuất nông nghiệp (hằng năm chỉ cần từ 10 đến 11 triệu tấn).

Ông Trung cho biết trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay với việc sẽ giảm dần sử dụng phân bón vô cơ cũng như chuyển đổi cây trồng không hiệu quả, thì số lượng phân bón dư thừa là quá lớn. Điều này dẫn tới một hệ lụy là phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, người dân khó nhận biết, chọn lựa.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, kẽ hở, những vấn đề chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn… dẫn đến thị trường phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng, ngày 20/9/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013.  

Phân cấp quản lý phân bón cho địa phương

Nghị định 108 được đánh giá là văn bản chặt chẽ, toàn diện quy định quản lý Nhà nước về phân bón, bao gồm: Công nhận, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam.

Ông Trung cho biết Nghị định 108 có nhiều điểm mới. Đó là về phạm vi điều chỉnh, nếu trước đây chỉ công bố hợp quy là đưa ra lưu thông thì nay được siết chặt hơn, tức là phải qua các bước từ khâu kỹ thuật đến khâu lưu hành được công nhận. Việc đặt tên nhãn, mác, quảng cáo được bổ sung.

“Nhằm khuyến khích cũng như định hướng cho ngành nông nghiệp hữu cơ, trong Nghị định 108 có một điều khoản ghi rất rõ là “Tất cả phân bón hữu cơ được sản xuất theo phương thức truyền thống không nhằm mục đích thương mại để tự phục vụ cho sản xuất thì không chịu sự điều chỉnh của Nghị định này”, điều này là để tạo điều kiện cho phân bón hữu cơ phát triển về sau”, ông Trung nhấn mạnh.

Tiếp đó là thay đổi về phương thức quản lý. Trước đây là hai bộ quản lý thì nay thống nhất chỉ do Bộ NN&PTNT quản lý để tạo chủ động và tránh chồng chéo. Phân bón là hàng hoá thuộc nhóm 2 (hàng hoá có nguy cơ gây mất an toàn) theo các luật sản phẩm và phải được đánh giá công nhận lưu hành tại Việt Nam. Đây là phương thức thay đổi hoàn toàn và vấn đề thực thi do Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm.

Liên quan đế mới công tác khảo nghiệm cũng có điểm mới. Trước đây, cho phép doanh nghiệp và cá nhân tự khảo nghiệm, dẫn đến nhiều hậu quả lớn vì không có sự can thiệp của Nhà nước, không công khai minh bạch nên nhiều loại phân bón không cần khảo nghiệm, xảy ra việc gian dối trong báo cáo khảo nghiệm, tự mang báo cáo đó đến các tổ chức công nhận hợp quy rồi đưa ra thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng sản phẩm tăng cao cho đến thời điểm này. Khảo nghiệm là công việc vô cùng quan trọng, chính vì vậy, vì vậy lần này Nghị định quy định rất chặt chẽ như: Tất cả các sản phẩm trước khi lưu hành đều phải khảo nghiệm (trừ một loại cơ bản, phân hữu cơ và các công trình khoa học từ cấp sở trở lên được công nhận tiến bộ kỹ thuật thì không phải khảo nghiệm). Tất cả các loại phân bón được khảo nghiệm phải khảo nghiệm ở những tổ chức có đủ điều kiện.

Về điều kiện sản xuất, so với Nghị định 202 thì Nghị định 108 làm rõ hơn về lĩnh vực chuyên môn được phép sản xuất phân bón. Một số trang thiết bị được quy định trong các phụ lục đều gắn kèm các điều kiện cụ thể. Thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất dược quy định chỉ 5 năm thay vì không có thời hạn như trước đây.

Đối với vấn đề buôn bán phân bón, một đại lý muốn được buôn bán phân bón thì phải có đủ các điều kiện nhưng do không có sự quản lý chặt chẽ nên dẫn đến tình trạng đại lý buôn bán phân bón giả, kém chất lượng. Theo Nghị định mới, đại lý muốn buôn bán phân bón thì phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện mới.

Khâu quản lý chất lượng phân bón, cề quy định chung, phải tuân thủ theo Luật Chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên so với trước, việc kiểm tra nhà nước đối với phân bón nhập khẩu được giao trách nhiệm cho Bộ NN&PTNT quản lý thay vì cơ quan hải quan trước đây. 100% các lô phân bón nhập khẩu phải chịu sự kiểm tra nhà nước tuy nhiên cho phép đưa về kho bảo quản của doanh nghiệp. Cơ quan hải quan sẽ hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật sau khi có kết quả kiểm tra nhà nước. Doanh nghiệp được phép sử dụng kết quả kiểm tra nhà nước để làm hợp quy.

Về nhãn mác, đặt tên sản phẩm được quy định rất rõ là ngoài quy định theo Nghị định 143 của Chính phủ về nhãn mác, phân bón là mặt hàng đặc thù nên phải thêm vài quy định chung như các nội dung trong quyết định được công bố lưu hành tại Việt Nam.

Đại diện Bộ NN&PTNT cũng lưu ý một điểm mới vô cùng quan trọng là phân cấp cho địa phương trong Nghị định này. Theo đó, có khoảng 8 nội dung về quản lý Nhà nước thì đã phân cấp 6 nhiệm vụ cho địa phương.

Cụ thể các Sở NN&PTNT và các chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tại địa phương phải thực hiện 6 nhiệm vụ, bao gồm: Một là cấp lại tất cả các giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng gói phân bón. Hai là giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón. Ba là xác nhận quảng cáo theo đúng luật quảng cáo. Bốn là thanh tra, kiểm tra trong địa bàn địa phương quản lý. Năm là chịu trách nhiệm hướng dẫn như tập huấn người nông dân sử dụng phân bón theo nguyên tắc 5 đúng. Cuối cùng, chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, nếu để xảy ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Ông Hoàng Trung: "Khi xây dựng Nghị định 108, quan điểm là không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, những sản phẩm nào đã tuân thủ theo quy định trước đây thì giữ nguyên. Do vậy 14.174 sản phẩm đang nằm trong danh mục nghiễm nhiên được cơ quan quản lý Nhà nước mà hiện nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xem xét đánh giá lại, không phải khảo nghiệm. Theo Điều 47 của Nghị định quy định sẽ tự động công nhận lại và nếu có vấn đề gì chưa bảo đảm, chưa đáp ứng được, Cục Bảo vệ thực vật sẽ trao đổi với các doanh nghiệp công nhận lại, thủ tục sẽ đơn giản".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng phân bón giả