Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm 2020, diễn ra ngày 1/7.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm 2020
14 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2019
Báo cáo sơ kết 6 tháng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy: Từ ngày 15/12/2019 đến 14/6/2020, toàn quốc xảy ra 6.790 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 3.242 người, bị thương 4.939 người. So với 6 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 1.595 vụ (giảm 19,02%), số người chết giảm 568 người (giảm 14,91%), số người bị thương giảm 1.419 người (giảm 22,32%).
Va chạm giao thông xảy ra 2.926 vụ, làm bị thương nhẹ 3.008 người. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 1.055 vụ (giảm 26,5%), giảm 1.028 người bị thương nhẹ (giảm 25,47%).
Từ ngày 15/12/2019 đến ngày 16/6/2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên ngành và thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện 27.603 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính 28.558 vụ với số tiền 93.252,75 triệu đồng; tạm giữ 127 ô tô; đình chỉ hoạt động 124 bến thủy nội địa, 80 phương tiện thủy nội địa; giám sát 322 kỳ sát hạch lái ô tô, 211 kỳ sát hạch lái xe mô tô.
Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo công an đơn vị, địa phương nâng cao hiệu quả công tác thanh tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, vừa thực hiện các đợt cao điểm theo chỉ đạo của Bộ vừa tiến hành mở các đợt thanh tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề. Lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý 1.835.483 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 1.617 tỷ 789 triệu đồng, tước 150.931 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 304.955 phương tiện; so với 6 tháng đầu năm 2019, xử lý giảm 151.471 trường hợp, tiền phạt tăng 342 tỷ 888 triệu đồng.
Ghi nhận tình hình TTATGT trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT đã giảm sâu cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa khắc phục được.
Đặc biệt Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhắc nhở 14 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2019, đặc biệt 08 tỉnh có số người chết tăng trên 15% là: Đắk Nông, Ninh Thuận, Hòa Bình, Bạc Liêu, Kon Tum, Bến Tre, Phú Yên, An Giang và yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh phải thật sự sâu sát trong chỉ đạo công tác này trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo.
Xem xét lại quy trình đào tạo, sát hạch lái xe
Về nguyên nhân dẫn tới các tồn tại, yếu kém, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đến một số nguyên nhân như hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật chưa cao; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông, chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng buông lỏng trong công tác quy hoạch, quản lý xây dựng dọc theo các quốc lộ còn kéo dài nhiều năm.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Nhiều hiện tượng lái xe ra đường thiếu ý thức, không nhường nhịn nhau, chèn nhau
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, cần xử lý trách nhiệm của DN vận tải, trách nhiệm của trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe khi có TNGT xảy ra. “Đào tạo, sát hạch, cấp bằng phải Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao cần tích cực triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tại một số địa phương có tình hình phức tạp, TNGT tăng cao, hoàn thiện các văn bản pháp luật về TTATGT, xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm và đấu tranh phòng chống tiêu cực, siết chặt quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện, đào tạo và sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện cơ giới.
Trong đó, tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm, xử lý nghiêm người nào chống đối.
Đồng thời, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về ATGT kết nối, chia sẻ với các đơn vị trong và ngoài ngành, phục vụ công tác bảo đảm ATGT, đẩy nhanh tiến độ lắp hệ thống giám sát, xử lý vi phạm về ATGT trên các tuyến cao tốc và quốc lộ, địa bàn trọng điểm, rà soát và giải quyết các “điểm đen” và điểm tiềm ẩn TNGT.
Xử lý “điểm đen” TNGT và điểm tiềm ẩn TNGT
Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch năm An toàn giao thông 2020.
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu, không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, làn đường, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy, tham gia giao thông an toàn trong điều kiện chống dịch bệnh COVID-19.
Tập trung tuyên truyền cho các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao như lái xe khách, xe tải, thanh thiếu niên nông thôn, phát huy hiệu quả đài truyền thanh tại xã, phường, tổ chức các sự kiện có sức lan toả và truyền cảm hứng lớn về TTATGT trong xã hội.
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Nghị định 100/NĐ-CP và Nghị định 10/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 32 về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.
Tích cực tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm về vi phạm TTATGT; chống xe dù, bến cóc, có giải pháp thanh tra, kiểm tra đối với các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, xử lý nghiêm sai phạm, nặng thì có thể đình chỉ hoạt động; bảo đảm ATGT trong kinh doanh vận tải; xử lý “điểm đen” TNGT và điểm tiềm ẩn TNGT; tổ chức và khuyến khích các lực lượng và phong trào tự quản về ATGT ở các địa phương; không lấn chiếm, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trái phép, xử lý nghiêm người chống đối.
Phó Thủ tướng Thường trực đặc biệt lưu ý hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, các đô thị trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông, lập lại trật tự kỷ cương đối với giao thông đô thị, đẩy mạnh tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm; chú ý đến liên kết vùng qua việc xây dựng các tuyến đường vành đai của Hà Nội và TPHCM để giảm áp lực giao thông cho nội đô, kéo giãn dân ra khỏi nội thành và tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố xung quanh.