Xử lý nợ xấu, nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng trong năm 2017

ND| 11/01/2017 17:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nợ xấu Ngân hàng có tác động lớn tới hoạt động của hệ thống Ngân hàng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thu Ngân sách Nhà nước. Công tác xử lý nợ xấu trong năm 2017 được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng.

Nợ xấu vẫn là vấn đề nhức nhối

Được thành lập từ năm 2013 theo nghị định số 53/2013/NĐ-CP, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bắt đầu thực hiện mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam từ ngày 01/10/2013. Qua hơn 3 năm hoạt động, tính đến thời điểm cuối năm 2016,  công ty VAMC đã mua được 24.556 khoản nợ, tổng dư nợ gốc là 244.082 tỷ đồng và giá mua là 208.636 tỷ đồng.

VAMC là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý nền kinh tế. Hoạt động của VAMC đã góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu của các Ngân hàng thương mại xuống dưới 3% tổng dư nợ.

Xử lý nợ xấu, nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng trong năm 2017

Xử lý nợ xấu Ngân hàng, nhiệm vụ quan trọng trong năm 2017

Thời gian qua, nợ xấu ngân hàng là vấn đề nhức nhối đối với nền kinh tế nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng, tỷ lệ nợ xấu cao không cho phép các ngân hàng tăng trưởng dư nợ tín dụng, điều này gián tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã được chính phủ đặt ra. Nhiệm vụ xử lý nợ xấu là yêu cầu quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng, tạo tiền đề cho sự lớn mạnh của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, từ đó mà nền kinh tế mới tham gia hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.

Vấn đề được đặt ra là, nợ xấu của các Ngân hàng thương mại đã được VAMC mua lại, nhưng đây chưa phải bước đi cuối cùng của quá trình xử lý nợ xấu. Vậy VAMC sẽ xử lý ra sao với số nợ xấu đã mua lại?

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng

Xử lý nợ xấu được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá là nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng trong năm 2017. Mặc dù, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã xuống mức dưới 3% nhưng nợ xấu được các tổ chức tín dụng bán cho  VAMC xử lý vẫn còn chậm do vướng mắc về cơ chế.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc Hội: Nếu 2017 và 2018 không xử lý cơ bản nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu nằm trong VAMC thì chúng ta sẽ gặp khó khăn.

Xử lý nợ xấu ảnh hưởng đến việc thu Ngân sách, trong bối cảnh nợ công đang tăng cao thì việc giải bài toán tăng thu Ngân sách rất quan trọng. Trong hoạt động của Ngân hàng thương mại, khi phát sinh nợ xấu thì các Ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, hành động này ảnh hưởng đến lợi nhuận của các Ngân hàng đồng thời gián tiếp ảnh hưởng đến việc nộp Ngân sách. Hơn nữa, các Ngân hàng phải duy trì mức lãi suất cao hơn vì việc trích lập dự phòng  rủi ro, kéo theo chi phí vốn của doanh nghiệp vay vốn tăng lên theo làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm đi, và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cũng thấp hơn.

Thông tin tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 29/12/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2016 thu ngân sách từ khối Ngân hàng giảm 20%, do các Ngân hàng trích lập dự phòng cho xử lý nợ xấu.

Để tháo gỡ khó khăn cho việc xử lý nợ xấu, thời gian qua nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm... đã được tổ chức. Có những ý kiến đề xuất Quốc hội, Chính phủ ra quyết sách, có thể là một văn bản pháp lý liên bộ để tháo gỡ về trình tự pháp lý trong vấn đề xử lý  nợ xấu của VAMC hiện nay. Cũng có ý kiến đề nghị phải có một Luật riêng để điều chỉnh hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu; trong đó quy định rõ ràng trách nhiệm của người đi vay, người cho vay và người xử lý nợ xấu, không hồi tố những khoản nợ, tài sản bảo đảm đã được xử lý.

Kết quả xử lý nợ xấu của VAMC trong thời gian qua chưa được như kỳ vọng, mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, NHNN… và nỗ lực tự thân. Việc xử lý nợ xấu là công việc không hề đơn giản mất nhiều thời gian và tiền bạc. Nhiệm vụ xử lý các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua lại trong năm 2017 rất quan trọng, nhằm xử lý triệt để mục tiêu lành mạnh tình hình tài chính của các Ngân hàng thương mại trong quá trình tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng, đồng thời giải bài toán tăng thu Ngân sách, giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế.

Qua những phân tích nêu trên, chúng ta đã nhận diện được vai trò cũng như những khó khăn đối với vấn đề xử lý nợ xấu của hệ thống Ngân hàng, đã biết được nợ xấu tác động thế nào tới “sức khỏe” nền kinh tế, tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vì vậy, nhiệm vụ xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng trong năm 2017 cần phải được đặt lên hàng đầu, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng, giúp cho việc xử lý nợ xấu đi vào thực chất.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nợ xấu, nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng trong năm 2017