Bảo hiểm xã hội (BHXH) là lĩnh vực quan trọng, trụ cột cho đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, nếu tình trạng nợ đọng BHXH chưa được khắc phục, quản lý quỹ BHXH không chặt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội hiện nay.
Thực tế này cho thấy đã đến lúc cần mạnh dạn áp dụng chế tài hình sự để xử lý.
Nan giải nợ đọng BHXH
Theo Báo cáo BHXH Việt Nam, tính đến 31/12/2015, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 70,2 triệu người, tăng 6,8% so với năm 2014; tổng số thu là 216.576,9 tỷ đồng, đạt 106,2% so với kế hoạch, tăng 9,5% so với năm 2014. Số nợ BHXH, BHYT, BHTN được kiểm soát ở mức 7.651,6 tỷ đồng, bằng 3,68% so với tổng số phải thu, giảm 1.021,2 tỷ đồng so với năm 2014.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho biết, công tác này hiện nay đang có nhiều hạn chế cần khắc phục như: Tình trạng lạm dụng quỹ BHYT chưa được khắc phục triệt để; công cụ để giám định, đánh giá việc chỉ định điều trị còn thiếu; việc tham gia đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế vẫn còn hạn chế; việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ còn gặp khó khăn; một số địa phương chưa chủ động, còn chậm và trì trệ trong thực hiện các chỉ đạo của BHXH Việt Nam, đặc biệt là trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT,... gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành của Ngành, tạo ra phản ứng không tốt của các cơ quan, đơn vị và người tham gia BHXH, BHYT…
Hội nghị triển khai công tác năm 2016 của BHXH Việt Nam
Năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu có trên 12,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, gần 10,5 triệu người tham gia BHTN, 72 triệu người tham gia BHYT và trên 300 nghìn người tham gia bảo hiểm tự nguyện. Tổng thu BHXH, BHYT và BHTN đạt 235 nghìn tỷ đồng, tổng chi BHXH, BHYT, BHTN gần 237 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, BHXH Việt Nam cũng đã công bố tình trạng nợ đọng BHXH cho thấy, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT tiếp tục tăng theo các năm. Theo thống kê, năm 2007, nợ BHXH, BHYT là 1.734 tỷ đồng; năm 2014, nợ đã lên tới 7.200 tỷ đồng (gấp 04 lần). Tính đến 31/10/2015, khoản nợ này lên đến 12.278,5 tỷ đồng, tăng 1.505,7 tỷ đồng, tương đương 13,9%, so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do việc tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, do vậy, tình trạng này có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, làm phương hại đến quyền và lợi ích của người lao động.
Lý giải con số nợ đọng BHXH tổng kết cuối năm 2015 thấp hơn con số công bố trước đó vào tháng 10/2015, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho biết, ba tháng cuối năm 2015, ngành BHXH đã ráo riết thu hồi nợ và và kiểm soát chặt chẽ tình hình nợ đọng HBXH tại các đơn vị nên tình hình đã cải thiện
Nên kiện đòi BHXH hay xử lý hình sự?
Tại hội nghị triển khai công tác BHXH năm 2016 diễn ra ngày 18/1, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã đề cập đến vấn đề cần phải hạ tỷ lệ nợ đọng BHXH xuống và tiến tới không còn nợ đọng nữa. Phải có biện pháp xử lý nợ đọng một cách nghiêm túc và công khai, nếu không sẽ tạo sự không công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau và ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Tuy nhiên, trên thực tế để xử lý vấn đề này không hề dễ dàng và việc kiện đòi nợ hay đề nghị xử lý hình sự đối với các đơn vị nợ đọng BHXH vẫn còn đang là vấn đề khó lựa chọn vì tính hiệu quả và khả thi.
Nhiều ý kiến nhận định, theo quy định, DN chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên sẽ phải trả lãi bằng với lãi suất đầu tư của BHXH Việt Nam, hiện là 0,628%/tháng, tương ứng khoảng 7,536%/năm. So với vay ngân hàng, thì mức lãi này vẫn khá dễ chịu trong khi thủ tục lại không khó khăn như vay ngân hàng nên nhiều DN chây ỳ. Việc chiếm dụng quỹ BHXH dễ hơn nhiều so với việc làm các thủ tục để vay ngân hàng (không cần giấy tờ, không cần thế chấp, không thẩm định...), nên DN tận dụng nguồn này để sản xuất, kinh doanh.
Còn vấn đề kiện DN trốn đóng BHXH được xem như giải pháp cứu cánh thì cũng không mấy hiệu quả. Thống kê của cơ quan BHXH cũng cho thấy, khi khởi kiện các DN nợ BHXH có khoảng 30 % doanh nghiệp đã thực hiện ngay việc đóng BHXH, khoảng 40% doanh nghiệp chấp nhận để Tòa án phải thụ lý vụ án. Nhưng có đến 30% DN gặp phải tình trạng rất khó khăn, như phá sản, giải thể hoặc chờ giải thể. Khi Tòa xử xong thì DN không có tài sản gì để trả nợ.Do vậy, biện pháp tăng lãi suất trong trường hợp nợ BHXH được xem là biện pháp mà nhiều chuyên gia khuyến nghị nên làm.
Việc gian lận, trục lợi trong lĩnh vực BHXH, BHYT không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người tham gia bảo hiểm mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định và phát triển của chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng lớn đến chính sách thu hút đầu tư. Cho nên, đòi hỏi cần phải có biện pháp xử lý hình sự bổ sung, hỗ trợ cho các biện pháp đang được thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ và nâng cao hiệu quả trong phòng chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Do vậy, BLHS 2015 quy định “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” (Điều 216). Theo đó, quy định người có nghĩa vụ phải đóng BHXH, HBYT,… mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên…thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm”.