Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch khẳng định Bộ yêu cầu các địa phương xử lý thật nghiêm những sai phạm vừa diễn ra trong các lễ hội thời gian qua.
Trong những ngày đầu năm mới, hàng loạt các lễ hội đã diễn ra đồng loạt trên cả nước với lượng du khách tham gia ngày càng đông. Đi kèm với đó là một số sai phạm trong các lễ hội đã gây nhức nhối trong xã hội. Có thể kể ra đây lễ hội chọi trâu không được phép ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.
Cảnh sư thầy ném lộc ở Chùa Hương gây ra cảnh tranh cướp lộc
Mới đây nhất là việc sư thầy “ngẫu hứng” ném lộc ở chùa Hương đã gây ra cảnh chen nhau cướp lộc khiến dư luận bức xúc. Hay như lễ hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) năm nào cũng diễn ra cảnh cướp lộc sau lễ tế, rồi hình ảnh treo cổ trâu đến chết ở đền Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái), nở rộ phát ấn, in ấn ở nhiều địa phương… Và có thể kể ra cảnh chen nhau hàng giờ ở chợ Viềng, Nam Định trong những ngày đầu năm mới khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn…
Có thể thấy, những cảnh chen nhau, tranh cướp lộc, giẫm đạp… lễ hội năm nào cũng lặp lại và có xu hướng tăng cao hơn năm trước. Điều đáng nói là việc chọi trâu và những hình thức thi đấu động vật đối kháng tương tự đã được quy định rất rõ ràng trong điều 4, thông tư 15/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; Mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; Mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; Mô tả các hành động tội ác khác.
Còn nhớ, tại hội nghị tổng kết lễ hội năm 2016, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, sở dĩ nhiều địa phương xin phép tổ chức chọi trâu, thậm chí “lách luật” để được chọi trâu dưới nhiều hình thức, là vì hoạt động này đem lại nhiều lợi nhuận cho bên tổ chức, mặc dù đây không phải là lễ hội truyền thống của địa phương đó.
Cảnh cướp hoa tre ở đền Gióng. Ảnh: Dân trí
Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ rằng, Bộ đã có văn bản chỉ đạo rõ ràng về việc không tổ chức những lễ hội mang tính kích động bạo lực, phản cảm… như vậy. Việc cấp phép tổ chức các lễ hội thuộc thẩm quyền của các địa phương, chính vì thế việc xử lý các sai phạm xảy ra cũng thuộc thẩm quyền địa phương.
Ông Vũ Xuân Thành cũng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin các báo, đài phản ánh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các địa phương phải xử lý thật nghiêm. “Ai đứng ra tổ chức thì phải xử phạt thật nghiêm đơn vị, tổ chức, cá nhân đó” – ông Thành nói.
Thanh tra Bộ cũng đã trực tiếp chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương xử lý các sai phạm này. Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm cụ thể như thế nào cũng đang là vấn đề gây lúng túng với cơ quan chức năng. Nếu chỉ phạt một vài triệu đồng thì nhiều nơi sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục thu lời.
Với những lễ hội có yếu tố hiến sinh như Lễ hội Chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), BTC lễ hội sẽ tìm ra phương pháp tổ chức phù hợp hơn nhằm bảo đảm giữ nét truyền thống, loại bỏ hình ảnh bạo lực.
Với một số lễ hội có hoạt động tranh cướp như Lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), hay có nghi thức cướp giỏ hoa tre như ở Hội Gióng (Hà Nội), Bộ đã yêu cầu BTC phải có biện pháp tổ chức hợp lý; những làng tham gia nghi thức này sẽ được may trang phục và thực hiện hành động “tranh cướp” giống như một trò chơi chứ không để xảy ra tình trạng tranh cướp tự phát, làm phát sinh hành động có tính bạo lực của những người dự hội.