Nhiều năm theo mảng pháp đình, nhưng lần nào cũng vậy, mỗi lần rời chốn “công đường” tâm trạng của tôi lại thấy nặng trĩu. Án đã tuyên, kẻ có tội phải đền tội nhưng vết thương họ để lại cho người thân và gia đình nạn nhân không biết bao giờ mới liền.
Nước mắt người thân
Gần 10 năm đã trôi qua nhưng chắc rằng người dân Hà Nội và cả nước vẫn chưa thể quên vụ án chồng giết vợ, chặt làm 3 khúc vứt ra hồ Rẻ Quạt. Chỉ vì sợ chồng mang xe máy đi cầm đồ lấy tiền đánh bạc nên chị Lê Thị Huệ (ở xóm Chùa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) dứt khoát không chịu đưa chìa khóa xe cho chồng là Nguyễn Văn Tuyên. Trong cơn cuồng loạn, Tuyên đã giết chết vợ rồi chặt làm 3 khúc ném xuống hồ Rẻ Quạt để phi tang. Không lâu sau đó, Tuyên bị bắt và bị tuyên án tử hình.
Mẹ chết, cha cũng phải trả giá bằng mạng sống, hai đứa con của Tuyên được bà ngoại đón về nuôi. Thế nhưng do bản thân đã già yếu, gia cảnh cũng không khá giả gì nên cụ Nguyễn Thị Vinh đành gạt nước mắt đưa con trai Tuyên vào trại trẻ mồ côi gửi gắm. Khi đó, dù còn bé nhưng con gái Tuyên cũng hiểu hết hoàn cảnh ngang trái của gia đình mình, cô bé lúc nào cũng lặng lẽ như chiếc bóng.
Mỗi khi nhớ mẹ, nhớ em, cháu chỉ biết ôm bà khóc. “Thương chị em nó lắm nhưng tôi không có khả năng nuôi cả hai đứa nên đành phải nhờ Nhà nước nuôi hộ. Con bé thương em hôm nào cũng khóc, tôi cũng đứt từng khúc ruột nhưng chẳng biết phải làm thế nào”, cụ Vinh nghẹn ngào tâm sự.
Giờ phút này, Tuyên đã phải “trả án”, hai đứa con của Tuyên đã dần trưởng thành nhưng chắc chắn trong tâm hồn các cháu sẽ không bao giờ xóa được nỗi đau, bi kịch mà cha chúng đã gây ra.
Bị cáo Ngô Thị Thúy
Mưa cũng như nắng, ngày ngày chị Nguyễn Thị Chín (trú tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lầm lũi trên chiếc xe đạp cà tàng đi khắp nơi để bán chăn, chiếu lấy tiền thăm nuôi con trai là Lê Ngọc Chung - kẻ giết người máu lạnh, dùng kiếm sát hại 5 người trong gia đình chủ nơi mình làm việc.
Sinh ra trong gia đình khá đặc biệt, lấy chồng sinh được một người con gái rồi chia tay chồng. Một thời gian sau, chị Chín qua lại với một người đàn ông đã có gia đình và sinh ra Chung. Khi Chung nhận thức được thì chị Chín bắt đầu tái hợp với chồng cũ.
Mặc cảm về hoàn cảnh, Chung chán nản bỏ học rồi trốn nhà ra Hà Nội xin vào cửa hàng rửa xe của gia đình anh Đỗ Quốc Hùng (trú tại số 888 phố Minh Khai, Hà Nội). Trong quá trình làm thuê, phát hiện ra Chung có hành vi trộm cắp xe máy của người đi đường nên anh Hùng dọa đuổi việc Chung.
Lợi dụng lúc cả nhà anh Hùng đang ngủ say, khoảng 1h30' ngày 2/5/2007, Chung đã dùng kiếm sắt dài 50cm đâm chết cháu Đỗ Trung Nghĩa (con cả anh Hùng), đâm chết bà Đặng Thị Lữ (mẹ anh Hùng), đâm chém, gây trọng thương cho 3 người là chị Trần Thị Nguyệt Nga (vợ anh Hùng), cháu Đỗ Trung Anh (con út anh Hùng) và anh Hùng.
Do được cấp cứu kịp thời nên chị Nga và cháu Anh thoát chết, do vết thương quá nặng anh Hùng cũng qua đời ngay sau đó.
Chỉ trong một đêm, chị Nga mất cả chồng lẫn con, gia đình tan nát khiến chị như hóa điên. Vì con trai út, chị gắng gượng sống nhưng nỗi ám ảnh về đêm kinh hoàng đó khiến chị không đêm nào ngon giấc. Sau đêm thảm sát đó, chị buộc phải đóng cửa quán rửa xe. Ôm con trai trong căn nhà vắng lặng, u ám, chị cố gắng gượng vượt qua để làm chỗ dựa cho con.
Hành động dã man của Chung không chỉ mang lại nỗi đau cho gia đình nạn nhân mà mẹ hắn cũng phải gánh chịu. Thảm án do con trai gây ra đã làm náo loạn vùng quê nơi chị Chín sinh sống. Đi đến đâu chị cũng bị người ta chỉ trỏ bàn tán, hàng xóm xa lánh đến chồng chị cũng vội vã bỏ đi, chị chỉ biết lấy công việc để che đi nỗi buồn.
Tiếp chúng tôi với thái độ rụt rè pha chút hoảng sợ, chị bày tỏ rất đau lòng với việc làm của con và day dứt với nỗi đau mà chị Nga và gia đình phải gánh chịu. Khoe mấy bức thư của con trai viết từ trong trại gửi về, người mẹ rưng rưng cho hay, Chung rất ân hận về việc đã gây ra cho các nạn nhân.
Do khi gây án Chung là trẻ vị thành niên nên mức án cao nhất mà “sát thủ” nhí này chịu chỉ có 12 năm tù.
Thảm án vì những mối tình oan nghiệt
Đối diện với nhau tại Tòa, thay vì những lời nói ngọt ngào, ánh mắt tình tứ, anh Đàm Quang Chính (40 tuổi, ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại ném ánh mắt căm hận về phía người tình của mình là Ngô Thị Thúy (41 tuổi, ở phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Đơn độc trước vành móng ngựa, không có bất kỳ người thân nào tới dự phiên xét xử, Thúy lặng lẽ cúi gằm mặt trước sự chửi rủa cay độc của người tình và gia đình anh ta.
Chồng đột ngột qua đời, Thúy trở thành góa phụ khi vẫn còn xuân sắc. Đúng lúc này, người bạn cùng buôn trâu với chồng Thúy là anh Chính thường xuyên qua lại giúp đỡ, động viên nên giữa hai người nhanh chóng nảy sinh tình cảm dù anh Chính đã có vợ và 3 đứa con.
Ngoài việc buôn bán trâu, anh Chính còn chăn nuôi vịt và trâu. Để thuận tiện cho công việc, người đàn ông này đã dựng lán ở giữa cánh đồng ở địa bàn xã Di Trạch, huyện Hoài Đức để trông nom, chăn dắt. Chiếc lán giữa đồng không mông quạnh đã trở thành điểm hẹn của đôi tình nhân.
Hàng ngày, Thúy thường phóng xe máy đi hơn một tiếng đồng hồ từ Sơn Tây xuống chỗ anh Chính để “hú hí” rồi lại tất tả về lo cơm nước cho hai đứa con.
Sau một đêm bỏ con để “mặn nồng” với người tình, sáng hôm sau Thúy giúp anh Chính đuổi vịt ra đồng khiến quần áo lấm lem nên chị ta mang đi giặt rồi phơi trên yên xe. Đúng lúc này vợ Chính là chị Nguyễn Thị Toàn đến, Thúy vội vã trốn vào chuồng vịt. Thấy có quần áo của phụ nữ lạ, chị Toàn gặng hỏi chồng khiến hai vợ chồng xảy ra cãi vã.
Nghi chồng có người khác, chị Toàn quyết định đêm đến sẽ ra ngủ với chồng để quản lý. Ấm ức vì không có cơ hội gần người tình và tưởng tượng ra cảnh đêm đêm hai vợ chồng người tình ôm nhau ngủ khiến Thúy càng điên đảo. Trong cơn ghen ngược mù quáng, Thúy nảy sinh ý định giết chết chị Toàn để có thể đường đường chính chính đến với người tình. Nghĩ là làm, Thúy xin anh Toàn viên thuốc độc Xyanua mà anh này đang cất trong lán với lý do về đánh bả mấy con chó hay đi bừa bãi ở ngõ nhà chị ta.
Ngày 28/5, khi biết chị Toàn ở lán trông trâu một mình, Thúy lẻn đến hòa viên thuốc cực độc vào cốc nước để trên bàn.
Sau khi lùa trâu ra đồng về, người phụ nữ bất hạnh khát nước nên đã cầm luôn cốc nước trên bàn uống một hơi. Chưa uống cạn cốc nước, chị Toàn ngã lăn ra tử vong.
Tại phiên tòa, người đàn ông này luôn miệng tố cáo sự độc ác của người tình. Trong lời khai, người đàn ông này liên tục gọi người tình là “con Thúy” “con chó” khiến HĐXX liên tục phải nhắc nhở. Anh ta còn tố rằng, Thúy nhiều lần gọi điện chửi bới, đe dọa chị Toàn nên anh ta tìm cách ngãng ra, nhưng Thúy cứ “xấn đến” khiến anh ta rất bực tức, căm ghét.
Trong suốt phiên tòa diễn ra, những người trong gia đình anh Chính luôn tỏ thái độ hằn học, chửi bới Thúy. Thế nhưng, ngồi lặng lẽ ở góc phòng, mẹ và chị gái chị Toàn chỉ im lặng khóc khi nghe chồng nạn nhân “đấu tố” người tình.
Mẹ chị Toàn chỉ xót xa nói về Thúy “nó dại, nó không nghĩ đến con của con Toàn thì nó cũng phải nghĩ tới hai đứa con, bố chết sớm, giờ mẹ lại thế, con nó sống thế nào?”.
Từ ngày bị bắt, Thúy chưa một lần được gặp các con. Hai đứa trẻ lay lắt tự nuôi nhau, con gái lớn của Thúy phải bỏ học kiếm tiền nuôi em. Theo một Cảnh sát nơi Thúy đang bị tạm giam cho biết, hơn một năm bị bắt, con gái của Thúy mới gửi quà cho hai lần bởi cháu cũng đang phải lo miếng ăn từng ngày. Chẳng biết tương lai chúng sẽ thế nào trước oan nghiệt mà chính mẹ chúng đã gây ra. Với cái án chung thân, đường trở về với các con của Thúy còn xa tít tắp.
Cố tìm một chỗ ở gần bố nhất, con gái út của Đoàn Quốc Hoàng (ở phố Trần Quý Kiên, tổ 2, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) khóc nấc trước những lời khai của bố. Quá xấu hổ trước tội lỗi của Hoàng nên ngoài cô con gái út ra, không có người thân nào của anh ta tới dự phiên tòa. Tội lỗi của Hoàng cũng chỉ vì tình yêu mù quáng, trái luân thường đạo lý. Bởi người tình của anh ta chẳng phải người xa lạ mà chính là em dâu của vợ Hoàng.
Khi đất của gia đình chồng chị Phạm Thị H ở Hoàng Hoa Thám bị giải tỏa và được đền bù tái định cư về một chung cư ở Trần Quý Kiên, mẹ chồng chị H đã chia cho vợ chồng chị một căn hộ và vợ chồng Hoàng một căn tại đây.
Những tưởng rằng, anh chị em sống gần nhau sẽ tạo được tình thân bền chặt, thế nhưng một thời gian ngắn sau, giữa người anh rể và người em dâu hơn nhau tới 16 tuổi (Hoàng 51 tuổi, chị H 35 tuổi) đã phát sinh tình cảm nam nữ.
Tại phiên tòa, Hoàng ám chỉ rằng vì vợ anh ta và chồng chị H yếu nên không thể đáp ứng được nhu cầu sinh lý cho đối phương nên “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, cả hai lao vào nhau “như cá gặp nước”.
Cuộc tình vụng trộm của Hoàng kéo dài được gần hai năm thì bị gia đình phát hiện. Không muốn tổ ấm tan vỡ, chị H quyết định chấm dứt mối tình trái ngang với anh rể, chị chủ động đổi số điện thoại, cùng chồng con đi thuê nhà chỗ khác để tránh mặt anh rể. Không chấp nhận sự thật, Hoàng điên cuồng tìm người tình xin nối lại tình cảm nhưng tiếp tục bị từ chối.
Chiều 29/8/2015, Hoàng tiếp tục tìm gặp em dâu năn nỉ nhưng bị từ chối. Cơn ghen tức xen lẫn thù hận, Hoàng chuẩn bị 2 con dao chờ thời cơ sát hại người tình.
Khoảng 22h cùng ngày, đứng trên ban công tầng 10 quan sát, Hoàng thấy gia đình người em dâu cùng mẹ vợ của gã đang dẫn nhau về nhà, Hoàng vớ 2 con dao rồi chạy lên cửa phòng nhà chị H ở tầng 11 phục sẵn. Khi thấy chị H cùng chồng con trở về căn hộ, Hoàng vội lao theo dùng hai con dao chém xối xả vào người chị H dù nạn nhân và hai con của nạn nhân van xin gã vẫn không dừng lại. Mãi đến khi thấy chị H gục chết, Hoàng mới buông dao rồi chạy trốn. Hoàng đã phải trả giá cho hành vi mất hết tính người bằng chính mạng sống của anh ta.
Chị H chết đi để lại người chồng ốm đau bệnh tật không có khả năng lao động và 2 đứa con nhỏ dại nên mọi sinh hoạt, đưa đón 2 đứa trẻ đi học đều phải trông chờ vào người thân hai bên.
Cuộc tình trái ngang của Hoàng và H đã khiến hai gia đình nhỏ tan nát và gia đình lớn nhục nhã ê chề. Vợ Hoàng và chồng chị H, hai chị em chỉ biết nuôi nỗi đau trong câm lặng mà không biết phải trách móc ai.