Xin chữ đầu Xuân: Nét đẹp trong văn hóa của người Việt

Chí Thành| 29/01/2017 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không biết từ bao giờ, cứ mỗi độ xuân về, bên cạnh cành đào, cành mai, bánh chưng, mứt tết…người Việt lại có thói quen đi xin chữ.

Những chữ “Tâm”, “Phúc”, “Lộc”, “Thọ” được viết nắn nót như “rồng bay phượng múa” được treo trang trọng trong nhà, thể hiện truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của người Việt Nam.

Xin chữ đầu Xuân: Nét đẹp trong văn hóa của người Việt

Xin chữ đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Ảnh Internet

Cùng với vạn vật hòa vào sắc xuân của trời đất, những dòng chữ “như phượng múa rồng bay” mà thi nhân đã gửi lời, gửi ý, gửi những hoài vọng trong câu đối, câu chúc Tết để đón chào năm mới, cũng là một trong những món quà tinh thần được “vật chất hóa” để biểu thị cho những ước vọng ngày xuân. Vì vậy, phong tục xin chữ đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua…”

(Trích thơ Ông Đồ - Nguyễn Đình Liên)

Câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Liên đã tái hiện chân thực tục xin chữ, cho chữ của người Việt xưa. Hình ảnh ông đồ già trên phố gợi cho chúng ta liên tưởng đến một hình ảnh đẹp bình dị, nho nhã. Xin chữ không chỉ là xin những may mắn, tài lộc cho người đi xin, mà còn là sự thưởng thức tài năng của người "có chữ". Xin chữ treo trong nhà đầu năm là một việc làm quan trọng với mỗi gia đình từ xa xưa, treo chữ gì trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, cũng là thể hiện những mong ước trong năm mới.

Tùy vào cá tính, nghề nghiệp, lứa tuổi mà người ta thường xin những chữ khác nhau. Người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Đăng khoa... Người buôn bán, kinh doanh xin chữ Lộc, Tín, Phát... Người cầu thành công xin chữ Thành, Đạt,...; người muốn rèn khả năng chịu đựng xin chữ Nhẫn...

Xin chữ tặng người già, người ta xin chữ Thọ; xin chữ tặng gia đình, người ta xin chữ Phúc, Tâm, An; xin chữ cho con cái, người ta xin chữ Trí; xin chữ cho cha mẹ, người ta xin chữ Hiếu.

Những lời cầu chúc như: “Chúc mừng năm mới”, “Mã đáo thành công”, “Phúc lộc song hoàn”, “An khang thịnh vượng”, “Tân niên hạnh phúc”, “Ngũ phúc lâm môn”... là sự gửi gắm mơ ước, tiêu chí, là một món ăn tinh thần với mục đích rất chính đáng trong cuộc sống con người, gia đình và xã hội.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Phan Ngọc viết rằng: “…Khi bước vào một căn nhà Việt Nam cái đập vào mắt ta là câu đối, trướng, hoành phi, nhắc chúng ta nhớ đến văn hóa tổ tiên. Tại sao cái tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam không phải là những kiến trúc nguy nga của vua chúa mà là chữ? Chữ ghi lại trong các câu đối, hoành phi, trong các gia phả, trong trí nhớ mọi người...”.

Và nhất là những ngày Tết, khắp chốn cùng quê ở Việt Nam, hầu hết mọi nhà, từ giới thượng lưu đến giới bình dân, đều dán hoặc treo câu đối Tết. Người văn hay chữ tốt “tự biên tự diễn” cho gia đình mình, kẻ ít học có thể cậy người thân phóng bút, hoặc ra phố chợ mua chữ ở các lều sạp của mấy ông đồ.

Xưa, những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân. Ngày nay, người trẻ tỏ ra là những người chuộng chữ nghĩa, đôi khi chỉ là sở thích được sở hữu một vật có ý nghĩa về treo trong nhà – nhưng dù gì, đó cũng là một sở thích đẹp, hâm nóng thêm một nét nhân văn trong văn hóa Việt đã một thời bị phai nhạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xin chữ đầu Xuân: Nét đẹp trong văn hóa của người Việt