Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ: Biết là game trái phép nhưng vẫn làm?

Mạnh Hùng| 15/11/2018 18:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay (15/11), phiên tòa xét xử 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo thuộc công ty trung gian thanh toán giữa các nhà mạng và công ty phát hành game.

Biết trái phép nhưng vẫn làm

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Hoàng Linh Giám đốc điều hành CTCP Dịch vụ Home Direct (Home Direct), là một trong số những doanh nghiệp làm dịch vụ trung gian thanh toán cho CNC cho biết, ký hợp đồng dịch vụ với Công ty TNHH Kinh doanh phần mềm GPV do Hoàng Đại Dương làm đại diện.

Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ: Biết là game trái phép nhưng vẫn làm?

Bị cáo Nguyễn Hoàng Linh trở về vị trí khi trả lời xong các câu hỏi của HĐXX

Tiếp đó, Nguyễn Hoàng Linh giao cho Trương Đức Đô (Trưởng phòng Kinh doanh của Home Direct) bàn chi tiết thực hiện hợp đồng, kết nối trực tiếp vào cổng game bài Rikvip để chạy sản lượng đối với các giao dịch sử dụng thẻ cào viễn thông của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobiphone và các thẻ game: Zing, Gate, Vcoin, Gocoin, Vcard, MegaCard nạp vào game Rikvip đánh bạc trực tuyến.

Đến ngày 17/8/2015, Công ty VNG là đơn vị phát hành thẻ Zing, phát hiện thẻ Zing đang bị sử sụng trái phép vào game bài lậu nên đã yêu cầu Home Direct rà soát và đăng ký các dịch vụ sử dụng thẻ Zing; đồng thời ngày 17/9/2015, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - nhân viên Công ty VNG, đã  thông báo qua email cho phía Công ty Homedirect (trong đó có Trương Đức Đô và Nguyễn Hoàng Linh ) yêu cầu không kết nối thẻ Zing cho các sản phẩm lậu, bài. Trong mail gửi trả lời cùng ngày, Trương Đức Đô đã viết “Em đã yêu cầu bên cung cấp gạch thẻ Zing cho Rikvip dừng chạy ngay lập tức và sẽ rà soát lại các đối tác cẩn thận ạ”.

Mặc dù, biết rõ game Rikvip là game bài trái phép nhưng Trương Đức Đô vẫn soạn thảo trình Nguyễn Hoàng Linh ký Văn bản số 2209/CV - HOMRDIRECT ngày 20/9/2015 trả lời Công ty VNG là không có việc kết nối với game trái phép.

Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ: Biết là game trái phép nhưng vẫn làm?

Bị cáo Trương Đức Đô trả lời các câu hỏi của HĐXX
 

Tổng sản lượng các loại thẻ từ khi phát sinh doanh thu ngày 18/4/2015 đến hết tháng 9/2016 là 495.798.285.000 đồng. Trong đó, doanh thu Công ty Home Direct hưởng lợi là 10,849 tỷ đồng.

Cũng trong phần xét hỏi, trả lời HĐXX, bị cáo Trương Đức Đô (Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Home Direct) cho biết, bị cáo thống nhất với bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn (đại diện cho đối tác) về tỷ lệ phí dịch vụ, sau khi hai bên đồng ý thì ký hợp đồng hợp tác. Việc hợp tác bắt đầu từ giữa năm 2015 sau khi hoàn tất kết nối kỹ thuật. Tuy nhiên, tại thời điểm đó Đô không biết Tuấn là người của công ty nào.

Theo lý giải của Trương Đức Đô, Home Direct là công ty trung gian thanh toán, cơ chế chung là hệ thống của đơn vị phát hành game gửi thông tin thẻ cào, mã số nạp thẻ cho Home Direct. Sau đó Home Direct gửi thông tin cho các nhà mạng, các đơn vị phát hành thẻ, các đơn vị này kiểm tra xem có phải thẻ do đơn vị mình phát hành hay không, có hợp lệ hay không và gửi lại kết quả cho Home Direct, nhận được kết quả thì Home Direct chuyển kết quả cho đơn vị phát hành game.

Sau khi ký hợp đồng, Đô được Nguyễn Quốc Tuấn cho một khoản tiền “cảm ơn”. Tại thời điểm làm việc với cơ quan điều tra, Đô được hưởng 317 triệu đồng, bị cáo đã nộp lại số tiền này cho cơ quan điều tra.

Trương Bá Đô cho biết: “Bị cáo không biết RikVip là game đánh bạc, tại thời điểm đó nhận thức của bị cáo chỉ nghĩ là game giải trí”.

Kết quả thẩm vấn cho thấy có sự mâu thuẫn với lời khai của bị cáo tại phiên tòa và tại cơ quan điều tra. Đô cho biết lời khai với cơ quan điều tra là lời khai cuối cùng của bị cáo vì khi đó bị cáo được cung cấp đầy đủ tài liệu để làm việc với cơ quan điều tra.

Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ: Biết là game trái phép nhưng vẫn làm?

Bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn lên bục khai báo trả lời HĐXX trước phiên tòa

Giám đốc điều hành Công ty cổ phần dịch vụ Home Direct khai gì trước tòa?

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Nguyễn Hoàng Linh (nguyên Giám đốc điều hành Home Direct) đưa ra giải thích: Dịch vụ gạch thẻ, trong ngành gọi là cổng thanh toán, nhưng theo quy định của pháp luật thì đó không phải là cổng thanh toán.

Dịch vụ gạch thẻ có nghĩa là dùng thẻ để nạp vào các trò chơi trực tuyến, bao gồm thẻ game và thẻ viễn thông: Nguyễn Hoàng Linh nói: “Dịch vụ này bắt đầu xuất hiện từ 2010, tại thời điểm đó không có quy định pháp luật cho dich vụ này. Sau này khi pháp luật có sự điều chỉnh đối với dịch vụ này thì bị cáo không cập nhật. Bị cáo có sơ suất là không cập nhật kịp thời những thông tư, hướng dẫn, nghị định nên đã làm sai. Bị cáo đã nhận ra sai và nhận lỗi”.

Nguồn cơn dẫn đến việc hợp tác giữa Home Direct với CNC, theo lời Nguyễn Hoàng Linh, là CNC là công ty có uy tín trên thị trường, lại là một công ty nghiệp vụ của ngành công an, bị cáo có đến thăm trụ sở công ty tại số 10 Hồ Giám nên hoàn toàn tin tưởng.

Linh được Nguyễn Quốc Tuấn nói rằng CNC chưa có dịch vụ gạch thẻ, bị cáo thấy phù hợp với công ty mình nên đồng ý hợp tác. Đứng giữa nhà mạng và công ty phát hành game, Home Direct giữ vai trò trung gian.

“Anh Nguyễn Quốc Tuấn là người đứng tên đầu mối liên hệ, thanh toán, đối soát và là người của công ty CNC, dùng email của công ty CNC. Đến tháng 9/2015 sau khi có email của VNG thì bị cáo biết là Hợp đồng dịch vụ đang kết nối với game bài RikVip”, bị cáo Nguyễn Hoàng Linh trả lời HĐXX.

Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ: Biết là game trái phép nhưng vẫn làm?

Toàn cảnh phiên tòa xét xử chiều nay

“Trước khi VNG có văn bản gửi Home Direct, bị cáo hiểu rằng game bài RikVip, Tip.Club là game bài đổi thưởng chưa có giấy phép. Tuy nhiên do nhận thức pháp luật hạn chế, bị cáo không nghĩ game bài đổi thưởng cũng là game bài đánh bạc. Chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra bị cáo mới biết”.

Linh cho biết, tỷ lệ ăn chia Home Direct được hưởng lợi khi gạch thẻ tư từng loại thẻ từ 14 - 15% mệnh giá thẻ. Trong quá trình hợp tác giữa hai bên, tổng số tiền giao dịch phát sinh khoảng 495 tỷ đồng.

“Trước khi ký hợp đồng, anh Nguyễn Quốc Tuấn đề xuất cho anh Tuấn được “gửi giá”, kênh giá lên để hưởng lợi, và phần chênh đó anh Tuấn xin được nhận lại. Ngoài ra công ty Home Direct có trả hoa hồng cho anh Tuấn”, Nguyễn Hoàng Linh khai.

Trước lời khai trên của Nguyễn Hoàng Linh, HĐXX đã cho bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn - Công ty CNC - lên đối chất.

Tuy nhiên, khi đứng trước HĐXX bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn đã phủ nhận lại lời khai của bị cáo Linh và tỏ ra không hài lòng. Bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn nói: “Bị cáo cảm thấy bị xúc phạm, vì danh dự của bị cáo. Việc bị cáo Linh nói bị cáo đề nghị ghi nâng giá hợp đồng là không đúng”.

Bị cáo Tuấn cho rằng, khi chuẩn bị làm việc tại CNC, bị cáo đang là cộng tác viên của Home Direct. Bị cáo thấy có nhiều đối tác ký kết dịch vụ gạch thẻ, phần trăm bị cáo được hưởng từ Home Direct là phần trăm của cộng tác viên.

Phiên tòa sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (16/11).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ: Biết là game trái phép nhưng vẫn làm?