Ngày 28/8, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX). Sau phần thủ tục, kiểm tra căn cước, công bố cáo trạng, HĐXX đã chuyển sang phần xét hỏi với các bị cáo.
Cách quản lý vốn của PVC
Trong phần xét hỏi chiều nay, đại diện theo ủy quyền của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí đã trả lời hàng loạt các câu hỏi của HĐXX.
Trong vụ án này, mặc dù biết rõ CTCP PVC Kinh Bắc (PVC.KBC) không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng bị cáo Trần Trung Chí Hiếu (cựu Chủ tịch HĐQT PVTex) đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn, làm các thủ tục chỉ định và ký hợp đồng giao PVC.KBC cùng nhà thầu liên danh HEERIM-PVC thực hiện gói thầu “Lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây lắp Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên” của PVTex; chỉ đạo liên danh nhà thầu thi công trái với thiết kế cơ sở được duyệt.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Quá trình thực hiện hợp đồng, Hiếu đã chỉ đạo thuộc cấp của mình là Đào Ngọ Hoàng (nguyên Trưởng phòng Thương mại Hợp đồng), Vũ Phương Nam (nguyên Kế toán trưởng PVTex) làm thủ tục tạm ứng 20 tỷ đồng cho PVC.KBC trái quy định, gây thiệt hại cho dự án hơn 19,4 tỷ đồng. Hành vi này còn để lại hệ lụy to lớn, khiến toàn bộ dự án phải dừng thi công, dở dang từ năm 2012, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trả lời HĐXX chiều 28/8, đại diện theo ủy quyền của CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cho biết, HEERIM-PVC là công ty liên kết của PVC. Trước đây, HEERIM-PVC có trụ sở tại tầng 4 tòa nhà CEO (đường Phạm Hùng, Hà Nội). Tuy nhiên, vị đại diện này cho hay: “Hiện công ty HEERIM-PVC chuyển đi đâu chúng tôi không biết”.
Trong khi đó, Giám đốc của HEERIM-PVC là người đại diện phần vốn góp của PVC tại công ty.
Khi được hỏi về tính hiệu quả của phần vốn góp của PVC tại HEERIM-PVC, vị đại diện này cho biết: “Chưa thể khẳng định phần vốn góp này là hiệu quả hay không hiệu quả. Giữa công ty này và PVC là hai pháp nhân khác nhau.”
Ngoài HEERIM-PVC, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí dưới thời Trịnh Xuân Thanh còn góp 2,5 tỷ đồng để nắm giữ 15,67% vốn cổ phần tại PVC.KBC, đồng thời cử người đại diện phần vốn tại công ty liên kết này.
Đại diện của PVC cho hay, đối với Hợp đồng gói thầu “Lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây lắp Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên” của PVTex, PVC “không có liên quan gì”.
“Chúng tôi không tìm được bất cứ văn bản nào về việc PVC cho phép thực hiện việc này. Những báo cáo trước đó chỉ là báo cáo bằng miệng”, đại diện theo ủy quyền của PVC tại tòa cho biết.
PVTex được thành lập sau thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (PVTex).
Bị cáo Đỗ Văn Hồng trong phần xét hỏi
Theo Luật sư Hoàng Văn Dũng (luật sư đại diện theo ủy quyền của PVN), PVN có ban hành Nghị quyết của HĐQT yêu cầu các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của nhau. Khi PVTex triển khai dự án, HĐQT PVN không can thiệp vào việc này. PVN chỉ đồng ý về mặt chủ trương chỉ định thầu chứ không chỉ định PVC.KBC.
Ông Dũng cho rằng những người đại diện phần vốn góp của PVN tại PVtex phải có trách nhiệm trong việc này. Nếu các cá nhân có hành vi xâm phạm đến quyền lợi của PVN, mong HĐXX xem xét xử lý trách nhiệm.
Luật sư Dũng cũng khẳng định PVC.KBC và HEERIM-PVC không phải là công ty con của PVN do PVN không trực tiếp rót vốn vào hai pháp nhân này. Tập đoàn cũng không phải là đơn vị trực tiếp đứng ra cho vay đối với các đơn vị thành viên.
Dự án này có vay một phần vốn của PVN, nhưng không vay trực tiếp mà vay ủy thác từ Tổng CTCP Tài chính Dầu khí (PVFC). PVN ủy thác và PVFC phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước PVN trong việc quản lý khoản vay này.
Theo hợp đồng số 14 ký kết giữa PVTex và PVC.KBC, giai đoạn 1 của dự án có giá trị 101 tỷ đồng, PVC.KBC được tạm ứng 1 lần và không quá 15% tổng giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, thực tế PVC.KBC đã tạm ứng 3 lần với tổng số tiền 20 tỷ đồng. Bị cáo Vũ Phương Nam, cựu Kế toán trưởng PVTex thừa nhận việc tạm ứng vượt mức quy định là sai so với quy định của hợp đồng và quy định tại Nghị định 43.
Cũng theo bị cáo Nam, sau nhiều lần góp vốn, PVTex đã chi 15,3 tỷ đồng để sở hữu 51% cổ phần tại PVC.KBC. Tính đến nay PVTex chưa nhận được một đồng cổ tức từ khoản đầu tư tài chính này.
Quen biết Trịnh Xuân Thanh qua đâu?
Trước đó, trong phần xét hỏi sáng nay, bị cáo Đỗ Văn Hồng (SN 1967, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC.KBC). Bị cáo Hồng bị truy tố tội về “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng khai, trước tháng 4/2009, bị cáo “hoàn toàn không biết gì về PVN cũng như PVC”. Cuối tháng 4, qua một số người giới thiệu, bị cáo quen biết với Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Tổng công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam- PVC) và tham gia một số dự án PVC đang thực hiện, trong đó có dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ.
Hồ sơ vụ án xác định, ngày 12/8/2009, PVC và PVC.KBC ký hợp đồng số 173 thi công một số hạng mục thuộc dự án Nhà máy polyester Đình Vũ. Quá trình thực hiện, Đỗ Văn Hồng đề xuất và được cựu Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh tạo điều kiện cho tạm ứng 25 tỷ đồng trái quy định. Đỗ Văn Hồng không sử dụng để thực hiện các công việc theo hợp đồng mà dùng 23,8 tỷ đồng để mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, đứng tên chủ sở hữu là PVC.KBC.
Sau đó, Trịnh Xuân Thanh tiếp tục chỉ đạo Hồng làm thủ tục để PVC.KBC chuyển nhượng lại mảnh đất này cho công ty Mai Phương của gia đình Thanh với giá 23,8 tỉ đồng, nhưng chỉ trả cho PVC.KBC 20,8 tỷ đồng, còn 3 tỷ đồng vẫn chưa thanh toán.
Để hợp thức việc tạm ứng sai quy định,Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo làm thủ tục chuyển 21 tỷ đồng tiền tạm ứng thành tiền PVC góp vốn vào PVC.KBC. Hành vi của Trịnh Xuân Thanh có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong đó có vai trò của Đỗ Văn Hồng.
Nhưng đến nay, do thời hạn điều tra đã hết, chưa đủ điều kiện kết luận nội dung này trong cùng vụ án nên Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra xác minh để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Phiên tòa sẽ được tiếp tục làm việc trở lại vào 8h30' sáng ngày mai (29/8).