Xét xử vụ án chìm ca nô tại Cần Giờ: Các bị cáo kêu oan

An Dương| 26/11/2018 19:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 26/11/2018, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử các bị cáo Vũ Văn Đảo, Đinh Văn Quyết bị truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Đây là vụ án gây xôn xao dư luận, kéo dài nhiều năm, các bị cáo liên tục kêu oan, hồ sơ thể hiện nhiều vi phạm tố tụng

"Không có quyền điều động tàu biên phòng"

Theo cáo trạng, tháng 3/2013, ông Vũ Văn Đảo bán cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 2 tàu (loại ca nô cao tốc bằng vật liệu Polypropylen Copolymer (PPC). Ngày 16/7/2013, Phòng Đăng kiểm Hải quân đã đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho hai tàu trên. Ông Tạ Thanh Sơn (Giám đốc Công ty Việt Séc) mượn Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu 2 tàu trên để đưa đón khách.

Khoảng hơn 19 giờ ngày 2/8/2013, khi tàu BP 12-04-02 đi ngang qua vùng biển xã Long Hòa, Cần Giờ thì bị lật sấp, hậu quả là 09 người đi trên tàu BP 12-04-02 tử vong, trong đó có tài công Phạm Duy Phúc.

Cáo trạng quy kết ông Đảo và ông Quyết đã tổ chức vận chuyển hành khách theo tuyến đường thủy từ Tiền Giang đến Vũng Tàu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép vận chuyển hành khách đường thủy nội địa, không đúng với công dụng và vùng hoạt động của phương tiện ghi trên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là vi phạm pháp luật, vì vậy phải chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra từ những vi phạm này.

Xét xử vụ án chìm ca nô tại Cần Giờ: Các bị cáo kêu oan

Ông Vũ Văn Đảo tại phiên tòa sơ thẩm

Tại phiên tòa, ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết kêu oan, cho rằng hành vi không cấu thành tội phạm theo điều luật truy tố, CQĐT có nhiều vi phạm tố tụng. Ông Đảo nêu nhiều chứng cứ về việc không thực hiện hành vi điều động tàu BP12-04-02. Theo đó, hai ông không có quyền và cũng không thể điều động được tàu của lực lượng vũ trang. Người có quyền và có thể điều động tàu lực lượng vũ trang chỉ có thể là người của Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Hồ sơ thể hiện tại thời điểm xảy ra tai nạn, tàu BP12-04-02 đang là tài sản và thuộc quyền quản lý của Biên phòng.

Ngoài ra, CQĐT và VKS khởi tố bị can tội “Đưa vào vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” nhưng hành vi quy kết lại là hành vi “điều động”. Ông Đảo cho rằng đây chính là sự nhầm lẫn, sai sót dẫn đến vụ án kéo dài hơn 5 năm qua.

Ông Đảo trình bày: Cấu thành tội phạm của Điều 214 BLHS là “phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn” là nguyên nhân dẫn đến hậu quả. Các nguyên nhân mà cáo trạng viện dẫn như sử dụng tàu sai mục đích, chở quá số người quy định…không phải là tình trạng kỹ thuật của phương tiện, không phải là yếu tố cấu thành tội phạm của Điều 214 BLHS. Tàu BP12-04-02 đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân đăng kiểm cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn kỹ thuật cho phép đưa vào sử dụng từ ngày 16/7/2013.

Quá trình giải quyết vụ án, TAND TP. HCM hai lần ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung có nêu rõ “không có nguyên nhân nào liên quan đến việc chứng minh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra là do “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn”. Điều này đồng nghĩa với việc không có hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố - ông Đảo trình bày. 

Cơ quan điều tra vi phạm tố tụng, cần rút kinh nghiệm

Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng cáo trạng truy tố có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. VKS thừa nhận có vi phạm tố tụng về thời hạn điều tra nhưng không ảnh hưởng đến nội dung bản chất vụ án, nên đề nghị xử phạt ông Vũ Văn Đảo 3-4 năm tù, ông Đinh Văn Quyết Quyết 2-3 năm tù về tội danh nêu trên.

Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) bào chữa cho các bị cáo nhận định: Hồ sơ vụ án khởi tố thể hiện thời hạn điều tra đã hết, ban hành kết luận điều tra đã quá 8 ngày. Một văn bản không hợp pháp thì không thể dùng để buộc tội một công dân. Đại diện VKS thừa nhận  CQĐT có vi phạm tố tụng về thời hạn điều tra, VKS đã “ngâm” đến 49 ngày mới phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án trong khi luật định là 3 ngày… Luật sư Đức kiến nghị Viện KSNDTC khởi tố vụ án có dấu hiệu xâm phạm về hoạt động tư pháp, làm rõ những vi phạm trong quá trình điều tra.

Trong phần tuyên án, HĐXX nhận thấy CQĐT đã có vi phạm tố tụng về việc hết thời hạn điều tra, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong hoạt động điều tra. Về việc phê chuẩn, các luật sư nêu theo quy định trong thời hạn 3 ngày phải phê chuẩn, nhưng vụ tai nạn xảy ra trên biển, nhiều nạn nhân, phải chờ các cơ quan chức năng thu thập chứng cứ, mặc dù có vi phạm về thủ tục tố tụng nhưng để đảm bảo quyền lợi các bên trong vụ án. Do có tranh chấp về thẩm quyền, Viện KSNDTC đã có văn bản giao cho các cơ quan tố tụng tại TP. HCM nên việc điều tra là đúng thẩm quyền. Tại tòa, các bị cáo không thừa nhận việc điều động tàu, kêu oan, kiến nghị đình chỉ vụ án.

Tuy nhiên qua đối chiếu lời khai các bị cáo phù hợp với các tài liệu khác, lời khai bị hại, người làm chứng…đã đủ cơ sở kết luận cáo trạng truy tố có căn cứ, đúng người, đúng tội. Xét các bị cáo đã có hành vi điều động tàu thủy nội địa, sử dụng không đúng công dụng, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên Tòa tuyên phạt ông Vũ Văn Đảo, ông Đinh Văn Quyết mỗi người 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Đảo, Đinh Văn Quyết cho biết sẽ thực hiện quyền kháng cáo để cấp phúc thẩm xem xét lại sự thật khách quan của vụ án một cách công bằng, đúng quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ án chìm ca nô tại Cần Giờ: Các bị cáo kêu oan