Xét xử trực tuyến: Mới và khó, nhưng lợi cho dân

Thu Vân| 30/08/2021 21:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ, sự đe dọa sống còn của dịch COVID-19, cũng như chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những cam kết quốc tế Việt Nam tham gia, thì xét xử trực tuyến tại Tòa án đã trở thành xu hướng tất yếu.

xet-xu-truc-truyen-moi-va-kho-nhung-loi-cho-dan.jpg
Phiên tòa xét xử trực tuyến ngày 19/3 tại tòa án hình sự quận Brexar, bang Texas, Mỹ – Ảnh: VnEpress

Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, ngày càng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Đợt dịch thứ 4 đã khiến 23 tỉnh, thành phố đã và đang phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và làm tất cả những gì có thể để bảo vệ tính mạng người dân.

Thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tích cực vào việc phòng, chống dịch bệnh; đồng thời duy trì các hoạt động bình thường của Tòa án các cấp. Nhằm tránh tập trung đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh trong phòng xét xử, hệ thống Tòa án đã phải hạn chế/tạm dừng mở phiên tòa-phiên họp, tiếp công dân và một số hoạt động khác. Đây cũng là việc làm cấp bách, cần thiết mà toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành Tòa đã và đang nghiêm túc thực hiện.

Tuy nhiên, với số lượng các vụ việc TAND các cấp thụ lý và giải quyết hàng năm lên đến hàng triệu. Trong đó án hình sự được điều tra, truy tố, xét xử lên tới hàng trăm nghìn vụ án, áp lực về bảo đảm thời hạn điều tra, tạm giam, xét xử, tôn trọng và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội là thực tế thấy rõ.

Trong khi cả thế giới còn chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để, tạm thời sử dụng một số biện pháp để có thể tồn tại và chung sống với dịch bệnh, thì việc tiến hành các phiên tòa xét xử trực tiếp khi các đợt dịch bùng phát tạm thời bị đẩy lùi sẽ vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lây lan dịch bệnh, không bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người tiến hành và tham gia tố tụng, gây ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan tư pháp, người dân và cộng đồng xã hội.

Nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước và đáp ứng nhu cầu thực tế, mới đây, Ban Cán sự đảng TANDTC đã trình "Báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại Tòa án" lên Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.

Xét xử trực tuyến là phiên tòa xét xử được tổ chức thực hiện trên hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến và hạ tầng công nghệ thông tin cho phép quản lý và tổ chức xét xử thông qua môi trường Internet, bao gồm: phần mềm tổ chức xét xử trực tuyến; hệ thống quản lý xét xử trực tuyến; hệ thống quản lý nội dung xét xử trực tuyến.

Xét xử trực tuyến bản chất là xét xử trực tiếp, diễn ra ở phòng xét xử theo quy định hiện hành, nhưng một số chủ thể (người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) do điều kiện khách quan không đến dự được phiên tòa, có thể tham gia từ các điểm cầu phụ, đảm bảo yêu cầu quy định. Phiên tòa vẫn đảm bảo trực tiếp, công khai, minh bạch, có sự giám sát của các bên.

Tuy nhiên, để phiên xét xử trực tuyến diễn ra đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích của công dân cần đáp ứng những yêu cầu khá khắt khe. Trước tiên phải kể đến sự tương tác giữa những người tham gia phiên tòa, nhất là sự tương tác giữa những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử. Sự tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục xét xử của những người tham gia phiên tòa xét xử trực tuyến; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân... Thực hiện nhiệm vụ của pháp luật tố tụng, nhất là nhiệm vụ phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Theo dõi và hỗ trợ những người tham gia phiên tòa, giúp họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, giám sát, đánh giá được chất lượng xét xử trực tuyến.

Một yêu cầu khác cũng rất quan trọng là phần mềm tổ chức xét xử trực tuyến phải có chức năng giúp cán bộ tư pháp thực hiện được các thủ tục tại phiên tòa đồng thời cho tất cả những người tham gia phiên tòa trong cùng một không gian xét xử thông qua các kênh: hình, tiếng, chữ, chuyển tải được tài liệu xét xử trực tuyến đến những người tham gia phiên tòa theo quy định của pháp luật. Hệ thống quản lý xét xử trực tuyến phải có chức năng giúp cán bộ tư pháp tổ chức lưu trữ, chuyển tải tài liệu xét xử trực tuyến tới những người tham gia phiên tòa; kiểm tra, đánh giá chất lượng xét xử; theo dõi và hỗ trợ những người tham gia phiên tòa thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của những người tham gia phiên tòa. Cho phép những người tham gia phiên tòa truy cập, khai thác tài liệu xét xử trực tuyến; thực hiện các thủ tục xét xử và kiểm tra, đánh giá chất lượng xét xử trong cùng không gian xét xử. Cho phép Tòa án quản lý hồ sơ, tài liệu xét xử trực tuyến theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo cho phiên xét xử trực tuyến được diễn ra thông suốt thì hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và tổ chức xét xử trực tuyến phải bảo đảm yêu cầu về đường truyền Internet và thiết bị kết nối, máy tính, thiết bị đầu cuối có cấu hình phù hợp để cài đặt hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến…

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra như vũ bão, sự đe dọa sống còn của dịch COVID-19, cũng như chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những cam kết quốc tế Việt Nam tham gia, thì xét xử trực tuyến tại Tòa án đã trở thành xu hướng tất yếu. Song với Việt Nam ta, hình thức này vẫn đang là vấn đề mới và khó. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương mới đây cũng lưu ý, đây là vấn đề mới cần những bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất.

Một điều hết sức khó khăn cho việc triển khai xét xử trực tuyến hiện nay là, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định về hình thức và cách thức tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến. Vấn đề này còn liên quan nhiều đến các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, tác động đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Làm sao để xét xử thuận lợi nhưng không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự, các chủ thể trong phiên tòa; làm sao có thể bảo đảm nguyên tắc tố tụng, an toàn, hiệu quả, bảo mật…, là những câu hỏi lớn đặt ra với cơ quan Tòa án.

Quan trọng nhất hiện nay là cần có ngay Quy chế tổ chức xét xử trực tuyến, trên tinh thần phù hợp Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Từ đó có hướng dẫn về: cách thức tổ chức, trình tự phiên tòa xét xử trực tuyến với các phạm vi về tiêu chí và sơ đồ phòng xét xử trực tuyến; cách thức tống đạt thủ tục tố tụng, trình tự, thủ tục phiên tòa, điều kiện hạ tầng và chất lượng đường truyền, kết nối phần mềm bảo đảm sự có mặt của người tiến hành tố tụng tại đầu cầu trụ sở Tòa án, bị cáo tại cơ sở giam giữ và các đầu nối của người tham gia tố tụng.

Cần có hướng dẫn cụ thể về trình tự xét hỏi, cách thức xem xét vật chứng, tài liệu, chứng cứ thông qua màn hình và âm thanh trực tuyến, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống mạng truyền dẫn, bảo mật thông tin ngành Tòa án...

Cùng với đó, cần quy định về quy tắc ứng xử của người tiến hành và tham gia tố tụng, tuyệt đối tuân theo hướng dẫn được cung cấp bởi Tòa án để chuẩn bị cho việc tham dự phiên tòa trực tuyến.

Rõ ràng, có và còn rất nhiều việc phải làm, liên quan nhiều ban, ngành chức năng. Nhưng đây là vấn đề “đã rõ, đã chín”, có lợi cho dân, cho công cuộc phát triển đất nước. Do đó, cần có sự quyết tâm, quyết liệt và chung tay của các cấp, các cơ quan hữu quan cùng với ngành Tòa án sớm đưa xét xử trực tuyến vào triển khai trên thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử trực tuyến: Mới và khó, nhưng lợi cho dân