Trình bày quan điểm bào chữa, một số luật sư cho biết thân chủ của họ đã nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, trong đó có cả bị cáo không chịu trách nhiệm về dân sự.
Ngày 27/7, TAND TP. Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo trong vụ án lừa đảo và thao túng chứng khoán… và các đơn vị liên quan bước sang ngày làm việc thứ 5, phần tranh tụng.
Đề nghị xem xét lại về vai trò giúp sức của nguyên Phó TGĐ HOSE
Trong phần bào chữa cho bị cáo Lê Hải Trà, nguyên Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, cáo trạng và phần luận tội của đại diện VKSND TP. Hà Nội đã quy buộc bị cáo Lê Hải Trà là người có chức vụ, quyền hạn, vì động cơ cá nhân và theo chỉ đạo của Trần Đắc Sinh (được xác định giữ vai trò chủ mưu), đã đồng ý chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE trái pháp luật.
Để làm rõ thêm về cơ sở bị cáo Lê Hải Trà về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Trần Đắc Sinh, luật sư xin nêu thêm 2 ý kiến.
Thứ nhất, bị cáo Lê Hải Trà đã nhìn nhận giới hạn mức độ trách nhiệm của mình, mặc dù với tư cách là thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Hose, bị cáo không phải là người phụ trách công tác thẩm định mà chỉ được mời vào thành viên độc lập Hội đồng niêm yết vào tháng 01/2016.
Thứ hai, với vai trò là thành viên Hội đồng niêm yết, bị cáo Trà có trách nhiệm khi chưa nhận thức đầy đủ và thực hiện theo các nội dung tại Công văn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cũng như cùng Ban điều hành có ý thức xin ý kiến UBCKNN về những vướng mắc và nội dung cần làm rõ.
Do bị cáo Trà là Phó Tổng Giám đốc thường trực, không phụ trách Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết nên không có trực tiếp chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ đăng ký niêm yết và sớm chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros.
Quá trình xem xét, đánh giá thẩm định hồ sơ đăng ký niêm yết của Công ty Faros, bị cáo Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Văn Dũng không trực tiếp chỉ đạo ông Trà phải đẩy nhanh tiến độ thẩm định, sớm chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros do bị cáo Trà không phụ trách Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết.
Tuy nhiên, ông Trà đã thẳng thắn nhìn nhận, HĐQT Hose đã thực hiện chưa đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc giải quyết hồ sơ niêm yết của Công ty Faros.
Luật sư cho rằng, quá trình khai báo tại giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Lê Hải Trà đã nhìn nhận trách nhiệm của mình, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với CQĐT nhằm góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Mặc dù hành vi của bị cáo không bị quy buộc trách nhiệm về mặt dân sự, nhưng với nhận thức và trách nhiệm của mình, ông Lê Hải Trà đã vận động gia đình và vợ làm đơn ngày 23/7/2024 gửi HĐXX xin tự nguyện nộp 100 triệu đồng nhằm khắc phục một phần hậu quả vụ án…
Theo đó, luật sư Hoài đề nghị HĐXX xem xét khoan hồng, giảm nhẹ đáng kể so với mức hình phạt mà đại diện VKS đề nghị đối với bị cáo Lê Hải Trà
Bị cáo chỉ là người làm công, ăn lương
Bào chữa cho bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết), luật sư Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết bản thân bị cáo Huế chỉ thực hiện theo chỉ đạo của anh trai. Nếu Huế không thực hiện thì công việc đó có thể được giao cho nhân viên khác.
Bị cáo Huế chỉ là người thực hành, thực hiện một phần trong chuỗi các hành vi tăng vốn theo chỉ đạo.
Đồng thời, bị cáo cũng không được biết, không thể biết về chủ trương niêm yết cổ phiếu ROS, bị cáo thực hiện hành vi trong điều kiện không biết về các hệ quả pháp lý, rủi ro có thể phát sinh. Huế không được hưởng lợi, không được hứa hẹn về khoản lợi ích sẽ được nhận từ việc thực hiện các hành vi theo chỉ đạo. Từ đó, luật sư Nhung đề nghị HĐXX xác định bị cáo Huế chỉ là đồng phạm thực hành, giúp sức giản đơn.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo ăn năn, hối cải và tự nguyện khắc phục hậu quả 300 triệu đồng.
Bào chữa cho bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, một người em khác của bị cáo Quyết, luật sư Trần Hồng Phúc nêu các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: bị cáo đã nộp 200 triệu đồng khắc phục hậu quả, dù bị cáo chỉ là người làm công, ăn lương, không được hưởng lợi.
Gia đình bị cáo có 3 anh em đều vướng lao lý trong vụ án. Riêng gia đình chồng bị cáo Nga, trong vụ án này có đến 4 người bị vướng lao lý.
Luật sư Phúc đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga cơ hội trở về sau phiên tòa này. Ngoài ra, hai luật sư của bị cáo Nga và bị cáo Huế đều nêu các tình tiết giảm nhẹ chung với ông Quyết, tromg đó có việc được 88 bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Phiên tòa sẽ tiếp tục phần tranh luận vào sáng mai, 28/7.