HĐXX phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm đối với toàn bộ các kháng cáo. Theo đó, bà Hứa Thị Phấn phải hoàn trả gần 16.000 tỷ đồng.
Sáng nay (2/11), TAND cấp cao tại TP HCM tuyên án đối với vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank, VNCB nay là CB) nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ, cùng các bị cáo trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”…
Theo bản án phúc thẩm mà TAND cấp cao tại TP HCM vừa tuyên, TrustBank là tiền thân của Ngân hàng Nông thôn cổ phần Rạch Kiến huyện Cần Đước (Long An. Từ tháng 6/2010, TrustBank có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, do ông Hoàng Văn Toàn (Chủ tịch HĐQT) và ông Trần Sơn Nam (Tổng giám đốc).
Đầu năm 2007, bà Hứa Thị Phấn cùng Cty Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng (nhóm Phú Mỹ), tham gia vay giúp bà Phấn, mua hơn 254 triệu cổ phần của TrustBank, chiếm 84,92% vốn điều lệ và từ đây bà Phấn giữ chức vụ Cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank.
Các bị cáo tại phiên toà
Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo nhân viên thực hiện các hành vi trái pháp luật để rút tiền, nhằm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho TrustBank trên 12.000 tỷ đồng. 2 hành vi sai phạm của bị cáo Phấn là nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, chiếm đoạt và gây thiệt hại cho TrustBank hơn 1.100 tỷ đồng và hành vi gây thiệt hại cho TrustBank hơn 5.256 tỷ đồng liên quan tới Cty Phương Trang.
Bản án phúc thẩm nhận định, tại phiên tòa, luật sư (LS) cho rằng trong quá trình điều tra, điều tra viên đã không khách quan và vi phạm về luật tố tụng nhưng “đây là quan điểm chỉ mang tính chất suy đoán”. Sự vắng mặt của bị cáo Phấn tại phiên tòa phúc thẩm này, theo HĐXX thì bà Phấn lớn tuổi và đang phải chữa trị bệnh nên đã không áp giải đến phòng xử, việc xử vắng mặt bị cáo Phấn là phù hợp với luật tố tụng hình sự.
Đối với chiếc USB và 48 trang tài liệu mà LS nộp cho Tòa, HĐXX cho rằng, không có căn cứ chứng minh nguồn gốc của chứng cứ như này.
Về hành vi liên quan căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (phường 6, quận 3, TPHCM), bản án cho rằng bà Phấn nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Xuân Lai và bà Nguyễn Thị Ánh Hoa với giá 21.762 lượng vàng SJC, sau đó đã thực hiện 4 chuyển giao lòng vòng để nâng khống giá trị căn nhà.
Cụ thể, bà Phấn các bị cáo Lâm Kim Dũng, Bùi Thị Kim Loan, Ngô Kim Huệ, chỉ đạo Cty TrustAsset của TrustBank tiến hành thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bị cáo Phấn lên cao gấp 8 lần giá thị trường.
Sau đó TrustBank mua lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng, hạch toán thu chi khống để hợp thức việc mua bán trước đó, chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng của TrustBank để sử dụng cá nhân.
Về hành vi liên quan tới Cty Phương Trang, bản án cho rằng, thông qua Bùi Thị Kim Loan, bà Phấn chỉ đạo lãnh đạo và cán bộ, nhân viên đại tín – CN Sài Gòn và CN Lam Giang thuộc phòng kế toán và phòng ngân quỹ TrustBank, đã thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc lập và hạch toán chứng từ thu, chi khống không sử dụng tiền mặt, thực hiện giao dịch, hạch toán trên hệ thống SmartBank.
Cty Phương Trang sử dụng nhiều bất động sản dùng làm tài sản bảo đảm, vay tiền mở rộng hoạt động kinh doanh, bà Phấn đã chỉ đạo buộc Cty Phương Trang ký trước các hồ sơ, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt, phê duyệt cho vay và giải ngân không có thông báo cho Cty Phương Trang.
Quá trình giải ngân đã không giải ngân hoặc giải ngân không đủ tiền vay cho Cty Phương Trang rồi lập khống các chứng từ để cấn trừ cho phù hợp, đẩy dư nợ khống cho Phương Trang thông qua các khoản vay, với tổng số tiền 5.256 tỷ đồng.
Bản án cho rằng tính đến ngày 15/11/2017, trên sổ sách tại CB, Cty Phương Trang còn dư nợ gốc của 46 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu là 9,042 tỷ đồng. Cty Phương Trang đã thực nhận 3.936 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm thanh toán số tiền này cho CB (tiền thân TrustBank và VNCB).
Số tiền gốc còn lại là 5.465 tỷ đồng, TrustBank hạch toán là khoản dư nợ vay của Cty Phương Trang, đến nay không thu hồi được, nay là gây thiệt hại TrustBank và cũng của vụ án này.
Xét thấy lời khai của các bị cáo phù hợp với những người liên quan, tài liệu, chứng cứ trong vụ án. HĐXX xét thấy bị cáo Phấn đã lợi dụng việc sở hữu hơn 84% cổ phần TrustBank nên đã chỉ đạo các nhân viên, người thân thực hiện theo chỉ đạo của mình, đủ cơ sở buộc bà Phấn là chủ mưu, các bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm giúp sức.
Bản án phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của bà Hứa Thị Phấn, qua đó giữ nguyên 30 năm tù mà án sơ thẩm đã tuyên; Buộc bà Hứa Thị Phấn phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt gần 16,000 tỷ đồng (tính luôn tiền lãi); Cty Phương Trang hoàn trả số tiền nhận và lãi phát sinh tương ứng là hơn 6.406 tỷ đồng cho ngân hàng CB (TrustBank thời bà Hứa Thị Phấn, VNCB thời ông Phạm Công Danh)....
Bản án cũng tuyên bác tất cả kháng cáo giảm nhẹ của các bị cáo, tuyên y án sơ thẩm mức án tù mà các bị cáo bị án sơ thẩm đã tuyên.