Pháp đình

Xét xử phúc thẩm nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX: Dành phần lớn thời gian xét hỏi cho các luật sư

Bá Mạnh 12/06/2023 - 22:09

Chiều 12/6, tiếp tục phiên phúc thẩm, HĐXX đã dành phần lớn thời gian cho 6 luật sư của bị cáo Lê Thị Dung đặt câu hỏi với các bị cáo và những người liên quan.

Những vấn đề được các luật sư của bị cáo Dung quan tâm và hỏi nhiều nhất là việc ban hành quy chế chi tiêu nội bộ tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên; những nghi ngờ về số quyết định khởi tố bị can; ai là cấp trên về chuyên môn và tài chính của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên; căn cứ pháp lý của việc xây dựng, ban hành quy chế chi tiêu nội bộ và hàng loạt câu hỏi dành cho Giám định viên của Sở Tài chính, đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hưng Nguyên, Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên, đại diện VKSND huyện Hưng Nguyên và điều tra viên của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hưng Nguyên…

Tại phiên xử, về quy chế chi tiêu nội bộ, giám định viên của Sở Tài chính tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi tiếp nhận quyết định trưng cầu của Cơ quan điều tra đã tiến hành 3 lần giám định.

bi_cao_dung_nghe_an_01.jpg
Hội đồng xét xử vụ án.

Các kết quả giám định được căn cứ vào Quyết định 01/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 2/1/2007 về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên và căn cứ vào Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.

Giám định viên của Sở Tài chính tỉnh nhấn mạnh “muốn quy đổi sang tiết dạy thì phải được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho ý kiến”, tuy nhiên trong quá trình giám định thì chưa thấy văn bản nào của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.

Các luật sư phân tích, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư 28/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các luật sư cho rằng bị cáo Dung chỉ vận dụng một phần nhỏ trong Thông tư 28 này để làm căn cứ tính tiền chế độ cho giáo viên.

bi_cao_dung_nghe_an_03.jpg
Bị cáo Lê Thị Dung (áo xanh ngồi giữa) và bị cáo Nguyễn Thị Hương tại phiên xử phúc thẩm.

Các luật sư cũng đặt câu hỏi về việc trong hồ sơ vụ án có hai quyết định số 42 và 43 về quyết định khởi tố bị can Lê Thị Dung. Luật sư yêu cầu làm rõ quyết định khởi tố bị cáo Dung là số bao nhiêu.

Tại phiên tòa, điều tra viên thừa nhận có sai sót trong quá trình soạn thảo văn bản, dẫn đến sai sót về số quyết định còn nội dung và bản chất vụ án không hề thay đổi.

Các luật sư cũng đặt câu hỏi đối với bị cáo Hương và đại diện Phòng Kế hoạch Tài chính, Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên…, trong đó, một số câu hỏi bị các bên liên quan từ chối trả lời vì đã có trong hồ sơ vụ án.

Một vấn đề khác được các luật sư quan tâm đó là vì sao cùng tội danh nhưng bị cáo Nguyễn Thị Hương (nguyên kế toán của Trung tâm GDTX) lại không bị tạm giam như bị cáo Dung.

Trả lời vấn đề này, điều tra viên vụ án cho biết vì bị cáo Hương giữ vai trò đồng phạm, không phải chủ đích chiếm đoạt tài sản, hơn nữa bị cáo Hương đầu thú, giúp sức Cơ quan điều tra.

bi_cao_dung_nghe_an_02.jpg
Các luật sự bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Lê Thị Dung.

Cũng tại phiên tranh tụng chiều nay, khi được hỏi ý kiến, ông Hoàng Nghĩa Tuấn - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (người tiền nhiệm của bị cáo Lê Thị Dung) cũng đã thông tin, vào thời điểm 2011 - 2012 quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên không có mục chi phụ cấp công tác Đảng cho Bí thư Chi bộ.

Phiên tòa tạm nghỉ sau phần đặt câu hỏi của các luật sư và sẽ được tiếp tục vào ngày mai (13/6).

Như Báo Công lý đã đưa tin, nội dung vụ án thể hiện, từ ngày 1/10/2012 đến năm 2017, bà Dung là Bí thư Chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên), đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái qui định để trục lợi.

Trong quá trình công tác, bà Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ (Quy chế này chưa được Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Nghệ An thông qua theo quy định) và áp dụng bản quy chế này dẫn đến chi sai nguyên tắc, hưởng lợi số tiền gần 45 triệu đồng.

Đồng phạm với bà Dung từ năm 2012 đến năm 2017 có kế toán của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là bà Nguyễn Thị Hương. Căn cứ trên các bảng tổng hợp của Lê Thị Dung và các cán bộ, giáo viên khác kê khai và ký xác nhận thì Nguyễn Thị Hương đã tiến hành đề nghị Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên thanh toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử phúc thẩm nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX: Dành phần lớn thời gian xét hỏi cho các luật sư