Sáng 13/1/2017, phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục với phần phát biểu của các luật sư bảo vệ những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo bản án sơ thẩm.
Luật sư (LS) Kiều Vũ Thụy Uyên trình bày các luận cứ bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Ngọc Bích (Công ty Tân Hiệp Phát) và 16 người liên quan. Trước đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bà Bích và kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự bà Bích về hành vi tích cực giúp sức cho Phạm Công Danh.
Theo LS Uyên, không có chứng cứ cho thấy Phạm Công Danh bỏ tiền vào VNCB. Danh cho VNCB huy động tiền với lãi suất khá cạnh tranh, Ngân hàng Nhà nước lại không cảnh cáo nên bà Bích mới gửi tiền tại VNCB. Cái Danh gọi là tiền chăm sóc khách hàng chỉ nhằm phục vụ cho bị cáo. Danh đã rút tiền bằng nhiều thủ đoạn, việc rút tiền ra khỏi tài khoản của bà Bích chỉ là một phần thủ đoạn.
LS Uyên cho rằng bà Bích không nhận bất cứ khoản tiền nào ngoài quy định dù bản án sơ thẩm không đề cập đến việc VNCB hay Danh có chi tiền chăm sóc khách hàng… LS Uyên yêu cầu ngân hàng phải trả lại 5.490 tỷ đồng và lãi phát sinh, yêu cầu trả lại 6 sổ tiết kiệm cho 3 cá nhân, gồm bà Dung, ông Phục, bà Trang…
Bị cáo Danh trao đổi với Mai trong giờ giải lao
LS Nguyễn Thành Công bảo vệ quyền lợi cho bà Quách Kim Chi, vợ bị cáo Phạm Công Danh. Bà Chi kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét tuyên trả 20% cổ phần của bà trong tập đoàn Thiên Thanh, góp vốn bằng hiện kim và một phần tài sản tương đương với 1.300 tỉ đồng… Đại diện VKS nhận định kháng cáo bà Chi không có cơ sở nên đề nghị bác kháng cáo. LS Công cho rằng đại diện VKS đã không xem xét những nội dung mà bà Chi đưa ra.
Tháng 5/2010, Công ty Thiên Thanh tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng nhưng thực tế không đủ 1.000 tỷ đồng. Bà Chi được xác định có 20% vốn điều lệ nên VKS buộc bà Chi liên đới và phải bồi thường thiệt hại của vụ án, đồng thời tiếp tục kê biên tài sản không liên quan tới vụ án. LS nhận định phán quyết này không phù hợp.
Theo LS, bà Chi góp vốn 20% chỉ là hình thức hợp thức hóa vì không có văn bản cụ thể, xác định số tiền góp vốn. Thông tin này chỉ đơn thuần dựa vào việc tập đoàn Thiên Thanh có vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng và sau 8 lần huy động, vốn điều lệ tăng lên 1.000 tỷ đồng. Đến ngày 27/6/2010, tập đoàn Thiên Thanh cấp giấy chứng nhận cho bà Chi góp vốn 200 tỷ đồng. Luật sư cho rằng, bà Chi đã góp đủ theo thực tế là 20% vốn điều lệ. Tuy nhiên, bà chỉ chịu trách nhiệm vốn gốc đóng góp tại công ty chứ không chịu trách nhiệm phát sinh. Vị trí, vai trò, giới hạn vốn góp của bà Chi trong Thiên Thanh là có giới hạn. Ngoài ra, năm 2011 chưa phát sinh quan hệ của ông Danh với VNCB, bà Chi chỉ chịu trách nhiệm tương ứng trong cổ phần gốc của mình.
LS Công đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bà Chi, không buộc bà phải bồi thường tài sản riêng; xem xét giải tỏa kê biên 3 căn nhà ở Hồ Văn Huê, nhà đất Nguyễn Trọng Tuyển, căn biệt thự khu dân cư ở huyện Bình Chánh không liên quan đến hoạt động kinh doanh của ông Danh, đồng thời xem xét giao trả lại khoản tiền riêng cho bà Chi.
LS Đình Hưng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Hứa Thị Phấn. Bà Phấn kháng cáo việc tòa sơ thẩm khởi tố về tội cố ý làm trái và vi phạm quy định cho vay. Đại diện VKS đề nghị bác kháng cáo và nhận định tòa sơ thẩm khởi tố vụ án là có căn cứ.
LS Hưng phân tích nhiều vấn đề và yêu cầu HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì bản án sơ thẩm không xác định đúng vai trò của người tố tụng, xác định sai tư cách của bà Phấn, vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Bà Phấn được xác định là người làm chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Bà Phấn là một công dân bình thường không thể đại diện cho cả nhóm Phú Mỹ.
Tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm, bà Phấn đã không được trình bày rõ vai trò của mình. Ngoài ra, khi lấy lời khai bà Phấn, điều tra viên, kiểm sát viên đã không giải thích rõ quyền lợi của đương sự. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của bà Phấn, tước bỏ đi một phần quyền lợi của người tham gia tố tụng.
LS Hưng nhận định việc áp dụng pháp luật trong bản án sơ thẩm không phù hợp với nội dung điều luật. Hai khoản tiền bị thu giữ là 851 tỉ đồng và 77 tỉ đồng được xác định là vật chứng nhưng thực tế, hai khoản tiền trên cơ quan điều tra chưa thu hồi được. Do vậy, việc áp dụng khái niệm vật chứng là không đúng pháp luật.
Sau khi đưa ra các luận cứ bảo vệ, LS Hưng đề nghị HĐXX xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, tuyên hủy tất cả các quyết định của tòa sơ thẩm liên quan tới bà Phấn.