Bước sang ngày làm việc thứ 11, phiên tòa xét xử phúc thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục với phần trình bày bào chữa của các Luật sư cho nhóm các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng”.
Tại phần bào chữa của mình trong buổi làm việc sáng 12/1, nhiều luật sư cho rằng việc cấp sơ thẩm quy kết một số bị cáo kháng cáo kêu oan là không có căn cứ, đề nghị Tòa tuyên không phạm tội.
Luật sư (LS) Lê Thị Nhân bào chữa cho bị cáo Doãn Quốc Long, bị cấp sơ thẩm phạt 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Long kháng cáo kêu oan. Theo LS Nhân, bản án sơ thẩm có nhiều vấn đề, cáo trạng và kết luận điều tra cho rằng bị cáo vi phạm quy chế của VNCB nhưng bản án sơ thẩm lại xác định Long vi phạm quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước. Tức là vượt quá phạm vi truy tố, gây bất lợi cho bị cáo nên kháng cáo kêu oan của Long là có cơ sở.
Án sơ thẩm xác định Doãn Quốc Long đồng phạm với Phạm Công Danh nhưng trên thực tế, Long cho vay khi Ngân hàng Đại Tín còn tồn tại, Danh chưa tham gia điều hành. Thời điểm đó, bị cáo không biết ai đứng đằng sau ngân hàng Đại Tín. Vì vậy, không có cơ sở cho rằng bị cáo thông đồng với Danh để cho vay trái quy định.
Phạm Công Danh bị áp giải ra khỏi phòng xử
Ngoài ra, theo quy định của VNCB, cán bộ tín dụng nhận hồ sơ vay, xem xét và trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt khoản cho vay. Trong hồ sơ của Long gửi lên, lúc này tổ giám sát ngân hàng cũng đồng ý cho vay. Hiện tổ giám sát cũng chưa có ý kiến nào về việc hồ sơ Long trình lên là vi phạm. Án sơ thẩm xác định bị cáo không theo dõi các khoản vay. Thực tế, bị cáo đã có tờ trình về việc công ty có vi phạm về lãi suất, sau đó bị cáo chuyển công tác nên không thể quy kết bị cáo bỏ mặc hậu quả xảy ra.
Theo LS Nhân, về trường hợp kêu oan của bị cáo Long, có dấu hiệu cho thấy cấp sơ thẩm hình sự hóa quan hệ dân sự. LS nhận định khoản tiền 2.060 tỷ đồng là chưa thu hồi được chứ không phải không thu hồi được, tài sản đang được kê biên chưa phát mãi được. Do đó, bị cáo kiến nghị cần được xử lý công nợ theo Bộ Luật Dân sự, không thu hồi được nữa thì mới đưa sang cơ quan pháp luật xử lý.
LS cho rằng bị cáo Long đã lập hồ sơ cho vay, khoản vay chuyển đúng mục đích sử dụng; khi có vi phạm, bị cáo đã làm tờ trình xử lý. Hơn nữa, bị cáo đã chuyển công tác, không còn trách nhiệm nên mong HĐXX xem xét chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Long, đề nghị tuyên bị cáo không phạm tội
LS Đào Thị Bích Liên bào chữa cho bị cáo Phan Minh Tùng, cấp sơ thẩm tuyên phạt Tùng 7 năm tù về các tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Án sơ thẩm quy kết Tùng đã nhập số tiền 27 tỷ đồng vào tài khoản của Danh theo kế hoạch nâng khống hệ thống Corebanking trong khi tại phiên tòa phúc thẩm, Danh cho rằng không chỉ đạo ai. Bị cáo Tùng kháng cáo kêu oan.
LS Liên cho rằng Tùng không tham gia họp bàn việc nâng khống hệ thống Corebanking cũng như việc mở tài khoản chung với Mai Hữu Khương. Bị cáo Tùng cho biết những việc này hoàn toàn do nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh làm và bị cáo chỉ đưa chứng minh nhân dân và ký nhận. LS Liên nhận định bản án sơ thẩm đã suy diễn buộc tội khi nhận định Tùng là đồng phạm với bị cáo Phạm Công Danh. Bởi Tùng không được bàn bạc hay biết việc làm của Danh nên không thể quy kết là đồng phạm với Danh.
Bị cáo Tùng kêu oan về tội “Vi phạm quy định cho vay trong tổ chức tín dụng” và cho rằng bản thân làm theo chỉ đạo của Danh, bị cáo chỉ làm báo cáo tài chính để cho Công ty Nhất Nhất Vinh vay tiền. Tùng cho rằng bản thân chỉ là tổ trưởng tổ kế toán, không có vai trò trong tổ tín dụng. Hơn nữa, các số liệu báo cáo tài chính của công ty Nhất Nhất Vinh đều không có chữ ký của bị cáo Tùng. Theo LS Liên, bị cáo Tùng không quyết định việc cho vay, việc tuyên bị cáo về tội danh này là oan sai, cấp sơ thẩm cũng chưa xem xét toàn diện mức thiệt hại cũng như hành vi của bị cáo.
Với các luận cứ nêu trên, LS Liên nhận định không có cơ sở cáo buộc bị cáo Tùng phạm tội vi phạm quy định cho vay, đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, tuyên bị cáo Tùng không phạm tội và thả tự do ngay tại tòa.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Tùng bày tỏ mong muốn về với gia đình, cống hiến cho xã hội, việc làm của bị cáo chưa gọi là vi phạm pháp luật.