Ngày 18/1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2, HĐXX và các luật sư xét hỏi bổ sung các bị cáo về mối quan hệ giữa Phạm Công Danh và Trầm Bê khi Chủ tịch VNCB đặt vấn đề vay tiền tại Ngân hàng Sacombank.
Vị luật sư của Sacombank tham gia xét hỏi Phạm Công Danh về việc vay vốn tại Ngân hàng do ông Trầm Bê làm Chủ tịch HĐTD kiêm Phó Chủ tịch HĐQT. Quá trình xét hỏi và tài liệu có trong hồ sơ cho thấy đường đi lắt léo của các khoản vay nghìn tỷ cũng như kiểu cách làm ăn bất chấp pháp luật của Phạm Công Danh và đồng phạm.
Theo đó, tại thời điểm Danh đi gặp Trầm Bê để vay tiền, VNCB đang nợ đầm đìa, trong đó có khoản nợ 2.600 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần và đầu tư Việt Nam (BIDV) từ năm 2012 đã đến hạn trả nợ. Tình hình nguy ngập khiến Danh phải chỉ đạo họp HĐQT VNCB rồi ban hành nghị quyết dùng tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng của VNCB làm tài sản đảm bảo để tiến hành các hoạt động vay tiền.
Phạm Công Danh đã đến gặp Trầm Bê “trình bày hoàn cảnh” để vay tiền, để có thêm “nguồn” trả nợ. Vị luật sư bảo vệ quyền lợi của Sacombank đã hỏi bị cáo Danh nhiều câu hỏi liên quan việc vay vốn ở Sacombank. Đặc biệt nhấn mạnh nội dung khi bị cáo Danh sang Sacombank gặp Trầm Bê, có nói rõ mục đích vay để trả nợ BIDV hay không? Ông Phạm Công Danh đáp: "Việc ông Bê có biết hay không là việc của ông Bê nhưng bị cáo nghĩ là ông Bê không biết". Theo Danh, bị cáo đã trả lời nhiều lần về vấn đề này nên đề nghị HĐXX xem lại.
Bị cáo Trầm Bê
Luật sư của Sacombank tiến hành xét hỏi ông Trầm Bê, ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) về hoàn cảnh tiếp xúc gặp gỡ ông Danh thế nào? Sacombank có bắt buộc phải cho vay hay không? Bị cáo Trầm Bê khai gặp Danh, sau đó đưa chủ trương xem xét cho vay theo quy định, nếu có tài sản đảm bảo đầy đủ thì cho vay. Còn bị cáo Phan Huy Khang nói việc cho vay và xử lý nợ từ 6 công ty là đúng theo quy định.
Luật sư cũng đã xét hỏi đại diện Ngân hàng Xây dựng (nay là CB) về việc ngân hàng đánh giá chính xác thiệt hại bao nhiêu tiền? Vị đại diện CB cho biết theo quan điểm của CB, số tiền rút ra, bị thu hồi từ 3 ngân hàng là hơn 6.126 tỷ đồng. Việc tính toán thiệt hại dựa trên kết quả điều tra và truy tố của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Trả lời câu hỏi của luật sư việc đòi bồi thường thiệt hại dựa vào đâu, đại diện CB cho rằng đòi thiệt hại dựa vào hành vi vi phạm pháp luật. “Chúng tôi đề nghị xác định bồi thường của các cá nhân dựa theo hành vi vi phạm của các bị cáo và HĐXX sẽ quyết định mức bồi thường cụ thể”.
Luật sư có đề cập đến bút lục có trong hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) báo cáo Tổ giám sát rằng sẽ gửi tổng cộng 2 khoản tiền hơn 1.800 tỷ vào Sacombank để bảo lãnh cho các khoản vay, lãnh đạo CB hiện nay có ý kiến gì về vấn đề này không? Đại diện CB trả lời: Đã có trong chứng cứ vụ án. Luật sư có thể xem và tham khảo thẩm vấn tại tòa, chứ không phụ thuộc chứng cứ đơn lẻ nào cả.
Sáng nay, đại diện của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank) đã phát biểu trình bày ý kiến. Theo đó, đối với tài sản, việc bị cáo Phạm Công Danh cố ý làm trái, làm mất tài sản, ông Danh phải chịu. Theo trình bày của ngân hàng cũng như HĐXX đã làm rõ những ngày qua, toàn bộ nguồn tiền vay từ TPBank đã được ông Danh sử dụng để tăng vốn, trả cho bà Hứa Thị Phấn, nhóm Trần Ngọc Bích, trả lãi ngoài và các khoản chi khác… Theo kết luận giám định, TPBank không bị thiệt hại. Thiệt hại thuộc về Ngân hàng Xây dựng, nếu HĐXX phán quyết rằng Ngân hàng Xây dựng bị thiệt hại, đề nghị HĐXX xem xét thu hồi từ các nguồn tiền được sử dụng nêu trên.