Ngày 22/1, tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2, đại diện VKSND Tp. Hồ Chí Minh đã công bố bản luận tội và đề nghị mức hình phạt cụ thể.
Đại diện VKSND Tp. Hồ Chí Minh nhận định thời gian gần đây, trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh xảy ra nhiều vụ án liên quan đến ngân hàng gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, ảnh hưởng an ninh tiền tệ, gây mất lòng tin của nhân dân vào hệ thống ngân hàng. Việc đưa ra xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp lòng dân, nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Quá trình xét hỏi cũng như qua các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ cho thấy bị cáo Phạm Công Danh là người trực tiếp gặp lãnh đạo các ngân hàng BIDV, Sacombank và móc nối với Nguyễn Việt Hà để dùng 20 công ty vay vốn, rút tiền của các ngân hàng. Phan Thành Mai dùng tiền huy động được từ dân để gửi vào ngân hàng để rút tiền. Các việc làm này có sự giúp sức của Mai Hữu Khương và các bị cáo khác. Những hành vi của Phạm Công Danh gây thiệt hại hơn 6,6 nghìn tỷ đồng cho VNCB. Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Danh 20 năm tù; tổng hợp hình phạt với bản án trước đó là 30 năm tù.
Các bị cáo tại phiên tòa
Đối với bị cáo Phan Thành Mai là Tổng giám đốc VNCB đã cùng Phạm Công Danh thực hiện việc gặp mặt các lãnh đạo ngân hàng, chi nhánh ngân hàng…, nhờ bị cáo Nguyễn Việt Hà móc nối để ký các lệnh điều chuyển tiền, ký bảo lãnh cho các công ty vay vốn, ký văn bản cho phép các ngân hàng dùng tiền VNCB bảo lãnh để tất toán nợ cho các doanh nghiệp. Giúp sức Phạm Công Danh gây thiệt hại hơn 6,6 nghìn tỷ đồng. Mai bị đề nghị mức án 13-14 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án trước đó là 30 năm tù.
Tương tự, Mai Hữu Khương giúp sức cho Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB 6,6 nghìn tỷ đồng, bị đề nghị 11 đến 13 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án trước đó là 30 năm tù. Một số bị cáo nổi cộm khác như Trầm Bê bị đề nghị hình phạt từ 5-6 năm tù. Theo đại diện VKS, bị cáo Trầm Bê nhận thức chưa đúng luật của các tổ chức tín dụng. Theo luật thì VNCB không được bảo đảm cho các công ty của Phạm Công Danh vay.
Bị cáo Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombak bị đề nghị mức án 4-5 năm tù. VKS nhận định đủ cơ sở để quy kết bị cáo Phan Huy Khang có hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, góp phần khiến VNCB thiệt hại 1.800 tỷ đồng dù Sacombank không bị thiệt hại. Bị cáo Khang đã chỉ đạo cho các chi nhánh để làm việc với Mai Hữu Khương để vay vốn. Chính vì thế gây ra hàng loạt sai phạm cho vay từ chi nhánh. Các bị cáo khác trong vụ án bị đề nghị từ 2 đến 6 năm tù, trong đó 12 bị cáo được đề nghị hưởng án treo; 4 bị cáo được đề nghị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ…
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị thu hồi hơn 6.126 tỉ đồng từ các ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank để trả lại cho CB Bank (VNCB cũ). Buộc Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bồi hoàn lại hơn 6.126 tỉ đồng cho 3 ngân hàng trên.
VKS cũng đề nghị HĐXX tiếp tục kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ công an, VKSND tối cao tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo của Sacombank, TPBank, BIDV.
Sau phần đề nghị của VKS, các luật sư bắt đầu phần bào chữa cho các bị cáo. Trước khi các luật sư khác lên trình bày, HĐXX cho biết việc tách vụ án làm 2 giai đoạn không làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án đồng thời lưu ý các luật sư trong quá trình bào chữa không vượt quá phạm vi 6.600 tỷ đồng lần này.
Luật sư Phan Trung Hoài đã trình bày bài bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh. Luật sư Hoài đề nghị cần xem xét bối cảnh gây ra hành vi và dòng tiền. Theo đó, nếu quy hồi dòng tiền thì mức độ thiệt hại của VNCB không nhiều như thế.
Luật sư Hoài đề nghị tòa xem xét vì việc chia vụ án làm 2 giai đoạn khiến nhiều yếu tố dẫn đến thiệt hại giai đoạn 2 chưa được xem xét. Theo đó, có nhiều khoản tiền có hồ sơ chứng từ, hợp lệ, hợp pháp có thể đưa ra để khắc phục chưa được xem xét đầy đủ.
Bị cáo Phạm Công Danh không dùng tiền cho riêng mình mà dùng để hỗ trợ thanh khoản ngân hàng, chi chăm sóc khách hàng. Luật sư Hoài yêu cầu cần nhìn vào những điểm này để quy hồi tiền. Luật sư Hoài yêu cầu cần xem xét những sức ép khiến VNCB phải tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng.