Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm: Các bị cáo tự bào chữa

An Dương| 23/08/2016 18:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 23-8, phiên toà xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục với phần các bị cáo tự bào chữa.

Từ những giọt nước mắt của nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng (VNCB) Phạm Công Danh đến tâm sự “sốc” của Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc VNCB và nhiều bị cáo khác trước vành móng ngựa cho thấy hoàn cảnh khốn khó dẫn đến làm liều, bất chấp pháp luật của nhiều “sếp” VNCB.

Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm: Các bị cáo tự bào chữa

Các bị cáo tại phiên xét xử hôm nay

Không yêu cầu luật sư bào chữa nên bị cáo Bạch Quốc Hào (bị VKS đề nghị mức án  từ 12 đến 14 năm tù) tự trình bày quan điểm của bản thân. Theo Hào, cáo trạng cũng quy kết bị cáo vi phạm quy định 12 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là không đúng. Bị cáo xin HĐXX xem xét lại mức độ thiệt hại liên quan đến các sai phạm theo cáo buộc.

Bị cáo Hào khẳng định không nhận chỉ đạo từ ông Danh liên quan việc thẩm định giá và cho rằng bị cáo với ông Danh gần như không có mối liên hệ công việc nào ngoài việc liên quan việc mua bán nợ cho ngân hàng. Bị cáo Hào cũng xin Hội đồng xét xử xem xét luận tội bị cáo chỉ là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và xin xem xét cho 2 bị cáo là nhân viên cấp dưới là vô tội vì họ hoàn toàn làm các công việc phải làm.

Bị cáo Phan Minh Tùng (bị VKS đề nghị mức án từ  9 đến 11 năm tù) tự bào chữa bổ sung và cho rằng với công việc ở phòng kế toán, bị cáo không liên quan phòng tài chính và các sự việc liên quan đến vụ án. Về hành vi vi phạm quy định cho vay, bị cáo không phải là nhân viên ngân hàng, không phải bên đi vay tiền. Bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không tham gia họp bàn bạc liên quan đến vụ án. Bị cáo kêu oan và mong HĐXX làm rõ.

Bị cáo Hoàng Đình Quyết (bị VKS đề nghị mức án từ 20 đến 22 năm tù) bào chữa bổ sung trong nước mắt, theo đó, bị cáo rất ngỡ ngàng khi bị cáo buộc gây thất thoát tiền hơn 9 nghìn tỷ đồng. Sau đó, Quyết khẳng định: "Cho bị cáo được tố cáo bà Bích lợi dụng lòng tốt của bị cáo. Bị cáo sai khi cho nhóm bà Bích nợ chứng từ nhưng người thiệt hại là ông Danh chứ đâu phải ngân hàng. Bị cáo nhận lỗi cho bà Bích nợ chứng từ nhưng không nhận lỗi rút tiền gây thiệt hại cho ngân hàng".

Cũng như Quyết, bị cáo Doãn Quốc Long (bị VKS đề nghị từ 6 đến 7 năm tù) tỏ ra rất “sốc” khi bị cáo buộc phạm tội. Theo bị cáo Long, niềm tin của bị cáo đối với nghề tín dụng bị lung lay. Hợp đồng tín dụng bị can thiệp giữa hợp đồng dân sự và hình sự hóa. Nếu hợp đồng tín dụng có xảy ra vấn đề thì VNCB phải được quyền xử lý tài sản đảm bảo, phải được xử lý theo đúng bản chất của hợp đồng tín dụng. Vụ việc này đem ra xử lý hình sự là không hợp lý.

Trước đó, “sếp” của các bị cáo là Phạm Công Danh tự bào chữa bổ sung trong những giọt nước mắt, bị cáo nức nở gửi lời xin lỗi đến những người liên quan đã vì bị cáo mà phải đứng trước toà. Bị cáo xin HĐXX xem xét nhẹ hình phạt cho các bị cáo là nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh vướng vào vụ án. Theo Danh, bị cáo có khát khao lớn là thành lập được một ngân hàng chuyên về xây dựng. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm quản lý ngân hàng nên VNCB nhanh chóng rơi vào khủng hoảng.

Bị cáo Danh nói thêm về việc mua lại cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn (cựu chủ tịch Ngân hàng Đại Tín – Trustbank) là “đúng thật mình bị lừa”. Về quan hệ vay mượn của nhóm bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát), ông Danh nói, dù bà Bích và ông Thanh (bố bà Bích) không thừa nhận việc giao dịch nhưng ông "có rất nhiều hình ảnh cho thấy nhiều lần làm việc với họ".

Bị cáo Danh tỏ ra khẳng khái: “Tôi không xin giảm nhẹ tội cho bản thân, cho những việc tôi làm sai” và "Tôi vẫn tin rằng chúng tôi có thể khắc phục được 100% hậu quả, mong được Hội đồng xét xử tạo điều kiện trong khuôn khổ pháp luật".

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Phan Thành Mai cho biết bản thân Mai hoàn toàn bị “sốc” khi bị cáo trạng quy kết về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc nâng cấp hệ thống Corebanking. Mai cho rằng bị cáo dùng tất cả tâm huyết để viết đề án.

Những sai phạm của bản thân Mai cũng như những người khác là do giai đoạn tiếp quản VNCB gặp nhiều khó khăn. Khó đến mức tất cả các chi phí phải cắt giảm tối đa, tiết kiệm đến từng cuộn giấy vệ sinh... Lương của nhân viên cũng chỉ được hưởng 20% nhưng chỉ hưởng vào cuối mỗi quý. Khó khăn quá nên bị cáo mới có hành vi vi phạm Quy định 12 của Ngân hàng Nhà nước như vậy.

Về các phương pháp định giá tài sản khi cho vay, bị cáo Mai cho rằng VNCB mới cho vay 45% giá trị tài sản, chưa có hồ sơ nào cho vay kịch trần, nên không thể gọi là lập hồ sơ khống.

Nhiều bị cáo khác chỉ thành khẩn xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt như Bùi Thị Hà Thu, Nguyễn Văn Cường, Trần Thanh Tùng, Nguyễn An Vinh, Cao Phước Nhàn, Vưu Thị Diệu, Nguyễn Minh Quân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn Hữu Duyên, Nguyễn Chí Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm: Các bị cáo tự bào chữa