Ngày 25/6, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên toà xét xử bị cáo Đặng Thanh Bình, (nguyên Phó thống đốc NHNN) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam – VNCB.
Các bị cáo gồm: Hà Tấn Phước (nguyên Tổ trưởng tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An); Phạm Thế Tuân (nguyên Tổ phó tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc Vietcombank - chi nhánh TP HCM); Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) và Ngô Văn Thanh (nguyên thành viên tổ giám sát, nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank - chi nhánh Long An) cũng bị đưa ra xé xử cùng tội danh trên.
Để phục vụ việc xét hỏi vụ án tại phiên tòa, HĐXX đã đề nghị trích xuất 2 bị án là Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB) và Phan Thành Mai (cựu Tổng giám đốc VNCB) đến tòa với tư cách của người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên trong buổi sáng nay, bị án Phạm Công Danh xin phép vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Ngoài ra, hơn 10 người thuộc tổ giám sát của NHNN đặt tại VNCB, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN và đại diện NHNN Chi nhánh tỉnh Long An cũng có mặt tại tòa với tư cách người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo giấy triệu tập của TAND TP HCM.
Các bị cáo tại phiên toà hôm nay
Tham gia bào chữa cho bị cáo Đặng Thanh Bình, luật sư Phạm Văn Đàm đề nghị triệu tập bà Nguyễn Thị Hòa (Vụ trưởng Vụ 6 Cơ quan thanh tra NHNN). Bà Hòa là người tham gia đề án tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém, trong đó có VNCB.
Theo luật sư, bà Hòa là người đã trực tiếp thẩm định năng lực tài chính của cổ đông mới. Trong quá trình điều tra lấy lời khai, luật sư cho rằng, toàn bộ hồ sơ qua các biên bản lời khai của bà Hòa đều có mâu thuẫn nên cần triệu tập bà Hòa đến tòa để làm rõ những vấn đề này trong vụ án.
Đồng thời, luật sư Đàm cũng yêu cầu HĐXX làm rõ tư cách ông Đặng Thanh Long tham gia với tư cách đại diện NHNN và ông Phạm Văn Dũng (Kiểm sát viên VKSNDTC) tại tòa.
Bên cạnh đó, luật sư kiến nghị được quyền sử dụng tài liệu mật do có trong hồ sơ vụ án để phụ vụ cho việc xét hỏi cũng như làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ án.
Cùng quan điểm với luật sư Đàm, luật sư Trương Thị Minh Thơ đề nghị HĐXX chấp nhận cho các luật sư được sử dụng, chứng minh các tài liệu mật có trong hồ sơ vụ án và đề nghị triệu tập điều tra viên do có dấu hiệu vi phạm. Luật sư Thơ cũng đề nghị triệu tập Lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Long An đến tham dự phiên tòa.
Sau kiến nghị của các luật sư, đại diện VKS giữa quyền công tố tại phiên tòa cho biết, ông Dũng từ VKSNDTC đến nhận công tác VKSND TP HCM nên tư cách tham gia phiên tòa là phù hợp với các luật và quy định tố tụng. Đại diện VKS cũng đề nghị chủ tọa cho phép những người mà các luật sư yêu cầu triệu tập tại phiên tòa.
Sau khi hội ý, HĐXX cho biết, phạm vi vụ án là truy tố về hành vi thiếu trách nhiệm của Đặng Thanh Bình trong thời gian bị cáo làm Phó Thống đốc NHNN nên HĐXX không xem xét tái cơ cấu đối với các ngân hàng. Vì vậy, yêu cầu triệu tập bà Hòa, nếu trong quá trình xét xử nếu phát sinh thêm tình tiết sẽ triệu tập sau.
Về yêu cầu sử dụng hồ sơ mật của các luật sư, HĐXX xét thấy vấn đề này không thuộc phạm vi xem xét của HĐXX, cần giải mật theo nghị định của Chính phủ thì các luật sư xem xét sử dụng cho phù hợp.
Về Kiểm sát viên VKSNDTC thực hiện quyền công tố thì HĐXX đã nhận được quyết định của VKSNDTC phân công ông Phạm Văn Dũng về công tác nên hoàn toàn phù hợp, không vi phạm luật tố tụng.
Theo cáo trạng, từ tháng 2/2012, bị cáo Đặng Thanh Bình được phân công phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo Đề án 254 của Chính phủ, trong đó có tham gia tái cơ cấu và tham gia Ban chỉ đạo TrustBank.
Tại phiên toà hôm nay, HĐXX xét hỏi bị cáo Đặng Thanh Bình về nội dung liên quan tới bút phê vào Tờ trình 1340/TTr-TTGSNH. Theo cáo buộc, vào ngày 4/9/2012, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN có tờ trình 1340/TTr-TTGSNH gửi ông Bình, kiến nghị NHNN cho phép áp dụng điều kiện đối với cổ đông sáng lập là cá nhân, tổ chức khi thành lập ngân hàng thương mại cổ phần và cam kết không dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.
Trên thực tế, ông Phạm Công Danh (lúc này là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) đã tham gia nhóm cổ đông mới và đi vào hoạt động gây thiệt hại cho TrustBank trên 15 ngàn tỷ đồng. Ông Bình có bút phê vào Tờ trình 1340 là: Việc kiểm tra góp vốn sẽ được thực hiện sau này, cần nghiên cứu đề xuất cách làm để đảm bảo thực hiện yêu cầu của Thủ tướng.
Trả lời HĐXX về bút phê vào Tờ trình 1340, bị cáo Bình dẫn giải rằng có hai cấp chịu trách nhiệm về thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng là cơ quan giám sát NHNN và các chi nhánh NHNN các tỉnh, thành. Trong vụ TrusBank, chi nhánh NHNN Long An có trách nhiệm chính, nhưng cơ quan thanh tra giám sát NHNN vẫn có quyền thanh tra giám sát TrsustBank.
Theo Quyết định số 12 của NHNN đã trao cho chi nhánh NHNN tỉnh Long An một kênh thông tin, một “quyền lực” mạnh. Khi phát hiện sai phạm từ Tổ giám sát thì chi nhánh NHNN tỉnh Long An có quyền đình chỉ ngay lập tức tổ chức tín dụng đó. Trong trường hợp TrustBank, chi nhánh NHNN Long An được quyền này.
Trong quá trình phụ trách tái cơ cấu TrustBank, bị cáo Bình khai quan tâm nhất là nguồn vốn của cổ đông và bị cáo Bình được biết qua đề án tái cơ cấu TrustBank có sự tham gia của các cổ đông mới. “Bị cáo đã hỏi ông Hoàng Văn Toàn (lúc này Chủ tịch HĐQT TrustBank) và ông Phạm Công Danh là có sự chuyển nhượng cổ đông không, hai ông này nói dự kiến chứ chưa xảy ra”, bị cáo Bình nêu lại.
Ngoài ra, bị cáo Bình cũng nói bị cáo rất lo ngại vốn có phải cổ đông hay vay mượn hay năng lự tài chính thật sự của cổ đông, vì có quy định rằng, đối với việc tăng vốn của cổ đông, có quy định cổ đông có trách nhiệm vốn, không được sử dụng vốn vay để góp vốn. Từ đó, bị cáo Bình đã có bút phê vào Tờ trình 1340 rằng: “Áp dụng như ngân hàng thành lập mới” – ý nghĩa lời phê này, bị cáo Bình giải thích rằng, khi thành lập mới không sử dụng vốn vay – NHNN có 30 ngày xác minh tiền vay hay cổ đông.
Về bút phê tiếp theo có nội dung: “Việc kiểm tra vốn góp sẽ được kiểm tra sau này”, theo bị cáo Bình, vì chỉ có quy định cổ đông chịu trách nhiệm về vốn mà không có quy định khác, nên bị cáo phê như vậy nhằm để xem xét “hậu kiểm” sao cho làm đúng với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là các nhà đầu tư phải có năng lực tài chính.
Ngày 15/8/2012, bị cáo Bình ký Tờ trình số 597/TTr-NHNN trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương tái cơ cấu TrustBank, nội dung tái cơ cấu trên cơ sở nhóm cổ đông mới có đủ năng lực tài chính để thực hiện phương án tái cơ cấu TrustBank. Ngày 4/9/2012, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN có Tờ trình số 1340/TTr-TTGSNH gửi Đặng Thanh Bình, kiến nghị NHNN cho phép áp dụng điều kiện đối với cổ đông sáng lập là cá nhân, tổ chức khi thành lập ngân hàng thương mại cổ phần và cam kết không dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn. Tuy nhiên, bị cáo Bình có bút phê vào Tờ trình 1340 là: Việc kiểm tra góp vốn sẽ được thực hiện sau này. Ngày 6/9/2012, bị cáo Bình ký Công văn 652/NHNN-TTGSNH chấp nhận chủ trương Phương án tái cơ cấu TrustBank… Từ các bút phê của bị cáo Bình, theo Cơ quan điều tra là Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN trình Thủ tướng, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Trên thực tế, Phạm Công Danh đã thực hiện hành vi phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng. Khi nhóm Phạm Công Danh tham gia quản trị điều hành thì TrustBank ngày càng thua lỗ, thời điểm 26/7/2014, vốn chủ sở hữu VNCB âm 18.469 tỷ đồng, tổng tài sản 16.745 tỷ đồng, nợ phải trả 38.469 tỷ đồng… Các bị cáo Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh thuộc Tổ giám sát đặt tại TrustBank, được NHNN giao nhiệm vụ, quyền hạn, tiếp cận không hạn chế tài liệu, hồ sơ… của TrustBank, đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, dẫn đến Phạm Công Danh cùng đồng phạm rút tiền, gây thiệt hại cho VNCB hàng ngàn tỷ đồng. Hà Tấn Phước có trách nhiệm liên quan số tiền thiệt hại 3.450 tỷ đồng; Lê Văn Thanh liên quan đến 6.591 tỷ đồng; Phạm Thế Tuân có trách nhiệm liên quan thiệt hại 3.450 tỷ đồng và Ngô Văn Thanh là trên 10.000 tỷ đồng. |