Đó là quan điểm trong phần luận tội của đại diện VKS tại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn cùng bị truy tố tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Sáng nay 9/2, TAND TP HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TP HCM) và Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank Chi nhánh TP.HCM cùng bị truy tố tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng. Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, hành vi của Huyền Như và đồng phạm chiếm đoạt số tiền trên 1.085 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya, Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc là có cơ sở.
Tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa, Huyền Như thừa nhận hành vi chiếm đoạt tài sản của mình, Cơ quan tố tụng nhận thấy cả quá trình từ khi Huyền Như hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành, xuyên suốt vụ án Huyền Như là hành vi lừa đảo.
Đại diện VKS khẳng định: “Vì vậy Cơ quan điều tra và VKS tiếp tục truy tố Huỳnh Thị Huyền Như về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không phải tội tham ô tài sản”.
Và cũng từ nhận định Huyền Như phạm tội như trên, đại diện VKS cho rằng, Huyền Như phải có trách nhiệm đối với 1.085 tỷ đồng cho 5 Công ty trong vụ án.
Về trách nhiệm hình sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân tổng hợp hình phạt tù chung thân; bị cáo Võ Anh Tuấn từ 12-14 năm tù, tổng hợp hình phạt 30 năm tù.
Các bị cáo tại phiên xử
Ngay sau khi đại diện VKS nêu quan điểm, các luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận.
LS Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn LS TP.HCM, bào chữa cho bị cáo Huyền Như) đăng đàn tranh luận đầu tiên. Theo LS Thi, hành vi của Huyền Như như công tố viên nêu, đã được xem xét kết án tù chung thân ở giai đoạn 1 của vụ án. Một hành vi mà xét xử 2 lần là bất lợi cho bị cáo và sai tố tụng, kiến nghị trả hồ sơ để xem xét lại theo qui định pháp luật.
Cùng quan điểm, LS Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP HCM, bảo vệ cho bị cáo Võ Anh Tuấn) cho rằng, Võ Anh Tuấn đã bị xét xử về hành vi này tại Bản án hình sự sơ thẩm số 46 ngày 27/01/2014 ngày của TAND TP HCM, nhưng tại Bản án phúc thẩm số 02 ngày 7/01/2015 của Tòa phúc phẩm tại TP HCM nhận định hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như có dấu hiệu phạm vào tội “Tham ô tài sản” trong việc chiếm đoạt của tiền của 5 Công ty, nên đã hủy phần liên quan đến 5 Công ty Hưng Yên, Công ty An Lộc, Tổng Công ty Toàn Cầu, Công ty Sài Gòn – Berjaya và Công ty Phương Đông.
Tại phiên tòa này, đại diện VKS đã phát biểu kết luận quy buộc Võ Anh Tuấn phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm với Huỳnh Thị Huyền Như, với mức án từ 12-14 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án sơ thẩm số 46 ngày 27/01/2014, bị cáo Võ Anh Tuấn bị đề nghị tổng hợp mức án 30 năm tù.
“Chúng tôi có rất nhiều băn khoăn, thật sự thấy một tiến trình tố tụng lạ lùng khi Võ Anh Tuấn bị xét xử 2 lần về cùng một hành vi và cùng một tội danh” – LS Phan Trung Hoài phát biểu tại tòa.
Về số tiền 10 tỷ đồng Huỳnh Thị Huyền Như chuyển vào tài khoản Cty Hoàng Khải, công tố cho rằng thực chất đây là số tiền Như chiếm đoạt được đưa cho Võ Anh Tuấn. Luật sư cho rằng, về nhận thức chủ quan, Võ Anh Tuấn hoàn toàn không biết được nguồn gốc từ việc chiếm đoạt của Huyền Như và Huyền Như không thông tin cho Võ Anh Tuấn biết.
“Thông qua việc Huyền Như chuyển 10 tỷ đồng vào tài khoản của Cty Hoàng Khải, các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá nguồn tiền này có được do Huyền Như phạm tội mà có, từ đó sử dụng làm tình tiết để xác định có sự đồng phạm của Võ Anh Tuấn là chưa bảo đảm căn cứ” – Luật sư Hoài phản bác cáo buộc.
LS Phan Trung Hoài khẳng định truy tố và xét xử Võ Anh Tuấn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm với Huỳnh Thị Huyền Như liên quan đến hành vi chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Cty Hưng Yên là xét xử lại một hành vi đã được xét xử và tuyên án rồi, là chưa thỏa đáng và chưa phù hợp.
Mặt khác, cũng theo vị luật sư, việc truy tố và xét xử Võ Anh Tuấn về hành vi như công tố vừa nêu là đã vi phạm Điều 14 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm: “Không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp họ thực hiện hành vi nguy hiểm khác cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm”.
Đại diện VKS luận tội
Tiếp đến các LS bảo quyền lợi cho Công ty Hưng Yên, Công ty An Lộc, Tổng Công ty Toàn Cầu, Công ty Sài Gòn – Berjaya và Công ty Phương Đông đã có phần tranh luận.
LS Nguyễn Minh Tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya cho rằng, Bản án số 46/2014/HSST tuyên xử: Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt của Công ty Sài Gòn – Berjaya số tiền 210 tỷ đồng và buộc Huyền Như phải bồi thường cho Công ty SBBS số tiền đó. Tuy nhiên, bản án này đã bị Bản án phúc thẩm số 02/HSPT ngày 07/01/2015 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM, chấp nhận quan điểm kết luận của đại diện VKS tại phiên tòa phúc thẩm, xử hủy phần có liên quan đến 05 công ty, trong đó có Công ty Sài Gòn – Berjaya để điều tra, truy tố, xét xử lại, vì hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như có dấu hiệu cấu thành một tội danh khác. Phiên tòa này mở ra là kết quả của việc điều tra, truy tố và xét xử lại theo tinh thần của bản án phúc thẩm.
Quá trình thụ lý xét xử lại theo trình tự sơ thẩm, TAND TP HCM đã 03 lần trả hồ sơ cho VKSNDTC để điều tra bổ sung. Tại Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số 94/2017/HSST-QĐ ngày 11/4/2017, Tòa án đã nhận định: “Việc đăng ký thủ tục mở tài khoản thanh toán tiền gửi của 05 công ty (trong đó có Công ty Sài Gòn – Berjaya) là thật, hợp lệ và hợp pháp, đúng với quy định của pháp luật. Mặc dù, ban đầu bị cáo Như đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối như: Ký giả chữ ký của Giám đốc, Phó giám đốc Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè, ký giả các hợp đồng ủy thác đầu tư với 05 đơn vị, nhưng hành vi thủ đoạn gian dối của bị cáo Như ở giai đoạn này, cả 05 đơn vị đều chưa gửi tiền vào Vietinbank - Chi nhánh TP HCM và do đó hành vi dùng thủ đoạn gian dối ở giai đoạn này, bị cáo Như không chiếm đoạt được tài sản của 05 đơn vị. Chỉ sau khi tất cả 05 đơn vị đăng ký thủ tục mở tài khoản thanh toán tiền gửi tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM (với mục đích gửi tiền để nhận lãi suất cao) và đã chuyển tiền vào tài khoản, được Vietinbank theo dõi hạch toán đầy đủ trên hệ thống sổ sách kế toán. Lúc này, bị cáo Như mới lợi dụng chức vụ, quyền hạn của Kiểm soát viên, quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Vietinbank – Chi nhánh TP HCM, dùng nhiều thủ đoạn gian dối, giả chữ lý của chủ tài khoản và con dấu của 05 đơn vị, lập các phiếu chi và phê duyệt trên cương vị Kiểm soát viên, đồng thời tự hạch toán trên máy tính để chuyển toàn bộ số tiền gửi của 05 đơn vị ra khỏi hệ thống tiền gửi tại Vietinbank - Chi nhánh TP HCM và chiếm đoạt tiền của 05 đơn vị”.
Đây chính là căn cứ để Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung về một tội khác của Huyền Như.
Sau khi nêu, phân tích các chứng cứ và viện dẫn các căn cứ pháp lý, LS Nguyễn Minh Tâm cho rằng, tài khoản do Công ty Sài Gòn – Berjaya mở tại Vietinbank - Chi nhánh TP HCM là hợp lệ, hợp pháp theo quy định của pháp luật; Vietinbank đã có lỗi trong việc để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền từ tài khoản của SBBS tại Vietinbank - Chi nhánh TP HCM và Công ty Sài Gòn – Berjaya không có lỗi trong việc sử dụng tài khoản của mình tại Vietinbank - Chi nhánh TP HCM.
Do đó, LS Tâm kiến nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của Công ty Sài Gòn – Berjaya, buộc Vietinbank phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho Công ty Sài Gòn – Berjaya số tiền 209.971.126.369 đồng cùng tiền lãi là 15.271.216.361 đồng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tương tự, bảo vệ cho các công ty còn lại, các LS cũng có đồng quan điểm LS Tâm, kiến nghị HĐXX buộc Vietinbank phải có trách nhiệm hoàn trả lại tiền gốc và tiền lãi cho các công ty đã gửi tại Vietinbank.