Xét xử Hứa Thị Phấn: Nhóm Phương Trang đề nghị giải tỏa một phần tài sản bị kê biên

Văn Vũ| 26/05/2018 19:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (26/5), TAND TP HCM tiếp tục xét xử vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm gây thất thoát cho NH Đại Tín (TrustBank) hàng ngàn tỷ đồng với phần tranh tụng.

Tranh tụng tại phiên toà hôm nay, Luật sư bảo vệ cho Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (CB) tiền thân là TrustBank cũng như đại diện CB vẫn giữ quan điểm cho rằng, việc vay mượn giữa từng tổ chức, cá nhân tại ngân hàng thì cá nhân và các tổ chức phải chịu trách nhiệm độc lập. Bởi vậy với dư nợ gốc 9.400 tỷ đồng là thiệt hại của CB cần phải được thu hồi. Bên cạnh đó, đại diện CB cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho nhân viên TrustBank do các bị cáo có nhân thân tốt và chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.

Trong khi đó, đại diện Công ty Phương Trang, doanh nghiệp đem tài sản thế chấp khoảng 15.000 tỷ đồng từ 2010 đến nay cũng cho rằng, chỉ thực nhận 3.936 tỷ đồng như cáo trạng và kết luận điều tra đã làm rõ. Bởi vậy Phương Trang sẽ chịu trách nhiệm về khoản vay này. Tuy nhiên, Phương Trang đề nghị xem xét các thiệt hại rất to lớn mà Nhóm Phương Trang đã phải gánh chịu trong 6 năm qua.

Xét xử Hứa Thị Phấn: Nhóm Phương Trang đề nghị giải tỏa một phần tài sản bị kê biên

Các bị cáo tại phiên tòa

“Như kết luận điều tra và cáo trạng đã thể hiện, chính những hành vi phạm tội của bị cáo Hứa Thị Phấn và các đồng phạm không chỉ gây thiệt hại cho TrustBank mà còn trực tiếp gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhóm Phương Trang. Nay Nhóm Phương Trang đề nghị HĐXX, xem xét các khoản thiệt hại chỉ tính riêng do bị cầm giữ tài sản thế chấp vượt số tiền đảm bảo cần thiết. Theo tính toán việc bị cầm giữ giá trị tài sản thế chấp trong 6 năm qua, Nhóm Phương Trang chịu thiệt hại gần 4.500 tỷ đồng. Chưa kể về việc này mà chúng tôi mất đi nhiều cơ hội kinh doanh khác”, đại diện Phương Trang nói.

Phía Công ty Phương Trang cũng đề nghị HĐXX xem xét, giải tỏa các tài sản thế chấp đang bị Cơ quan CSĐT kê biên trong vụ án này trên 2 nguyên tắc tất cả các khoản nào hội đồng tín dụng đã xác định thực nợ bằng 0 thì phải giải toả kê biên cho Nhóm Phương Trang. Còn tài sản đảm bảo cho các khoản vay sẽ để lại tương ứng khoản nợ phải trả.

Tranh tụng tại phiên tòa, các Luật sư bảo vệ cho Nhóm Phương Trang hoàn toàn thống nhất rất cao với Bản luận tội của đại diện VKS TP HCM, đặc biệt là phần kết luận đối với bản chất, phương thức, hành vi phạm tội của các bị cáo đã được các vị đại diện VKS trình bày tại phiên tòa.

Theo đó, hành vi của Hứa Thị Phấn và những người liên quan không chỉ gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với TrustBank (nay là CB), dẫn đến sự đổ vỡ, mất thanh khoản của Ngân hàng Xây dựng sau này, là một trong những nguyên nhân gây ra hành vi sai phạm của ông Phạm Công Danh sau này, buộc NHNN phải mua lại với giá 0 đồng để khắc phục hậu quả và ổn định thị trường tiền tệ, mà còn gây thiệt hại trực tiếp đến hoạt động của Nhóm Phương Trang.

Xét xử Hứa Thị Phấn: Nhóm Phương Trang đề nghị giải tỏa một phần tài sản bị kê biên

Các Luật sư tranh tụng tại phiên tòa

Bảo vệ cho Nhóm Phương Trang, Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, phương pháp tiếp cận sự thật vụ án này chỉ có thể là truy ngược dòng tiền, tìm ra bản chất sự thật giữa dòng tiền thực nhận và bề mặt chứng từ thể hiện trong các hồ sơ vay, hồ sơ giải ngân và kiểm tra sử dụng vốn vay. Đó chính là cách thức mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an cùng VKSNDTC đã thực hiện để làm sáng tỏ bản chất sự thật khách quan của vụ án này và sẽ lý giải được việc đối chiếu và thừa nhận của bị cáo Hứa Thị Phấn và các đồng phạm, cũng như làm rõ yêu cầu của CB có căn cứ hay không.

Sau khi viện dẫn và phân tích hàng loạt các chứng tại hồ sơ vụ án, Luật sư Hoài dẫn chứng, sau khi đối chiếu công nợ, Tổng Giám đốc VNCB Đàm Minh Đức có văn bản số 3704 ngày 23/12/2014 gửi Thống đốc NHNN, Cơ quan Thanh tra giám sát (TTGS) NHNN và Ban kiểm soát đặc biệt VNCB báo cáo kết quả rà soát theo dòng tiền VNCB và các kết quả làm việc ngày 5/12 và 18-19/12/2014 với sự chứng kiến của Cơ quan TTGS NHNN và Ban kiểm soát đặc biệt, cho thấy tổng số tiền nợ vay của Nhóm Phương Trang là 3.436 tỷ đồng (là nợ gốc chưa tính lãi) trên tổng số 9.437 tỷ đồng của 47 khoản vay và 01 khoản mua bán trái phiếu DN, đồng thời nhóm khách hàng Phương Trang cam kết nhận nợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với số nợ đã nhận.

Và tại Biên bản làm việc ngày 16/62015 của CQĐT với bà Hứa Thị Phấn với sự có mặt của Luật sư Phạm Ngọc Trung và Bùi Thị Kim Loan, bà Hứa Thị Phấn thừa nhận đã sử dụng số tiền hơn 5.112 tỷ đồng từ nguồn tiền giải ngân từ các khoản vay và khoản phát hành trái phiếu (nhưng trừ đi 167 tỷ đồng không thừa nhận), thừa nhận đã sử dụng hơn 4.944 tỷ đồng, nhưng trình bày lý do Công ty Phương Trang trả nợ cho bà Phấn.

Trong phần tranh luận của mình, các Luật sư bảo vệ cho Nhóm Phương Trang đề nghị HĐXX xem xét, quyết định Nhóm Phương Trang chỉ chịu trách nhiệm về mặt dân sự trên số dư nợ gốc 3.936,996 tỷ đồng của các hợp đồng tín dụng theo số thực nhận đã được nêu trong Kết luận điều tra và Cáo trạng, cũng như được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Bên cạnh đó, xem xét các thiệt hại mà Nhóm Phương Trang đã phải gánh chịu trong hơn 6 năm qua và giải tỏa một phần tài sản thế chấp hiện đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kê biên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử Hứa Thị Phấn: Nhóm Phương Trang đề nghị giải tỏa một phần tài sản bị kê biên