Đó là tâm sự của Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Tòa Hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh. Bản thân ông ngoài vai trò trực tiếp tham gia chuẩn bị, tổ chức công tác xét xử còn là chủ tọa phiên tòa xét xử các đại án được dư luận quan tâm hiện nay.
Từ Thẩm phán tiêu biểu…
Thẩm phán Nguyễn Lương Toản, sinh năm 1964 tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng. Trưởng thành từ một cán bộ được đào tạo cơ bản trong ngành Công an, năm 1990, ông chuyển ngành sang công tác tại TAND TP. Hồ Chí Minh và làm Thư ký Toà án. Ông đã phấn đấu, rèn luyện không mệt mỏi. Từ những vụ án đầu tiên được tham gia tố tụng, ông luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tích cực học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm và phấn đấu không để xảy ra các sai sót, dù là nhỏ nhất. Năm 1997, ông được bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND TP. Hồ Chí Minh.
Thẩm phán Phạm Lương Toản nhận danh hiệu Thẩm phán tiêu biểu
Cuối năm 2005, ông được điều động và bổ nhiệm làm Chánh án TAND quận 4. Trên cương vị mới, với tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, ông đã cùng tập thể cán bộ, công chức đơn vị tìm mọi biện pháp, từng bước phấn đấu khắc phục khó khăn, củng cố, xây dựng đơn vị vững mạnh.
Theo Thẩm phán Phạm Lương Toản, hàng năm, TAND quận 4 thụ lý, giải quyết số lượng án rất lớn trên 1.000 vụ việc. Trong khi đó áp lực về án quá hạn luật định luôn được đặt ra. Để giải bài toán này, ông đã phát huy vai trò là người đứng đầu đơn vị, tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước, động viên, khích lệ cán bộ, công chức, phấn đấu giải quyết đạt chất lượng cao các loại vụ án. Tỷ lệ giải quyết các loại vụ án từng năm luôn đạt từ 95% đến 99% so với số lượng thụ lý. Số vụ án bị hủy, sửa của đơn vị thấp hơn tỷ lệ quy định, không có án oan, sai, án quá hạn luật định.
Ngoài việc lãnh đạo, quản lý đơn vị, ông còn phải trực tiếp giải quyết, xét xử. Với suy nghĩ, công việc xét xử đòi hỏi phải thận trọng, khách quan và có cái tâm của người thực thi pháp luật, mỗi bản án khi tuyên phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội. Do đó, khi giải quyết án, ông luôn coi trọng việc nghiên cứu kỹ hồ sơ một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện, khoa học cả về thủ tục tố tụng lẫn về nội dung sự việc.
Ông luôn tâm niệm rằng, trước tiên phải phát huy vai trò trách nhiệm, gương mẫu của người Thẩm phán - người đứng đầu đơn vị, nêu cao tinh thần tận tâm, tận lực với công việc và không ngừng rèn luyện lối sống giản dị, gần gũi với đồng nghiệp, quan tâm, nắm vững năng lực, sở trường của từng cán bộ, Thẩm phán để phân công giải quyết các loại vụ án một cách hợp lý; tạo cho cán bộ, công chức trong đơn vị phát huy được sở trường, năng lực làm việc đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, một kinh nghiệm không thể thiếu là rèn luyện bản thân có nề nếp, làm việc khoa học, có kế hoạch cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc triển khai công việc, tiến độ giải quyết, để kịp thời tìm biện pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc nhằm mục đích đẩy nhanh tốc độ giải quyết và nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ án, khắc phục được các sai sót.
Với công sức đóng góp của ông và nỗ lực phấn đấu của tập thể, TAND quận 4 nhiều năm liền đơn vị đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, được Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. Đặc biệt, năm 2011, đơn vị được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Riêng Thẩm phán Phạm Lương Toản được TANDTC vinh danh là “Thẩm phán tiêu biểu” năm 2014.
… Đến chủ tọa phiên tòa xét xử các đại án
Gần như thông lệ, phần lớn các đại án mà TAND TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử thì đều do các Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa Hình sự đảm nhận vai trò chủ tọa phiên tòa. Thẩm phán Phạm Lương Toản cũng không ngoại lệ.
Thẩm phán Phạm Lương Toản chủ tọa phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm
Ngày 6/4/2015, Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh án TAND quận 4 được bổ nhiệm làm Chánh tòa Tòa Hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh. Cùng lúc đó, TAND TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý và xét xử nhiều vụ án lớn, trọng điểm được dư luận cả nước hết sức quan tâm. Đặc biệt là các vụ án lớn trọng điểm về tham nhũng như: Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm; vụ án Lê Dũng và đồng phạm; vụ án Phạm Văn Cử và đồng phạm; vụ án Dương Thanh Cường và đồng phạm; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm…
Theo Thẩm phán Phạm Lương Toản, các vụ án lớn đều có tính chất là đặc biệt phức tạp do hành vi phạm tội của các bị cáo đều hết sức tinh vi, gắn kết chặt chẽ với nhau nên để xét xử, đưa ra ánh sáng các hành vi phạm tội của các bị cáo, buộc các bị cáo phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình một cách thuyết phục, được mọi người đồng tình thì số lượng hồ sơ cần nghiên cứu là đặc biệt lớn (trung bình mỗi hồ sơ là trên cả chục ngàn trang bút lục, có vụ án lên đến gần 50.000 trang bút lục), trong khi thời hạn giải quyết các vụ án này là rất ngắn nên đòi hỏi thẩm phán, cán bộ nghiên cứu giải quyết các vụ án phải làm việc hết sức khẩn trương với cường độ cao (làm việc kể cả ngày thứ 7 và Chủ nhật trong nhiều tháng liền).
Chưa kể, các vụ đại án, hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là hết sức to lớn, đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, gây thiệt hại từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng (như vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng). Trong khi hành vi phạm tội của các bị cáo thường kéo dài trong nhiều năm, với rất nhiều hành vi phạm tội khác nhau. Thông thường khi điều tra truy tố sẽ được tách thành nhiều mảng nhiều vụ án khác nhau, nhưng việc xét xử giải quyết một vụ án thì vấn đề quan trọng cần phải đặt ra là phải đảm bảo được tính toàn diện khi giải quyết vụ án. Do đó, việc nghiên cứu, tổng hợp thông tin, hồ sơ nhằm giải quyết vụ án một cách toàn diện gặp rất nhiều khó khăn trở ngại.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay, trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn trùng tu sửa chữa, gặp rất nhiều khó khăn về trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác xét xử. Đặc biệt là các vụ án lớn với số lượng người tham gia tố tụng và người tham dự lên đến hàng trăm người, do đó ngoài công tác chuyên môn nghiệp vụ là xét xử các vụ án này còn phải dự trù các kế hoạch cần thiết, chuẩn bị các công tác hỗ trợ xung quanh phiên tòa để đảm bảo cho các phiên tòa công khai được diễn ra trong trật tự và đảm bảo được sự tôn nghiêm của nhà nước, pháp luật cũng như phục vụ yêu cầu an ninh, chính trị được đề ra khi giải quyết các vụ án này nên công tác chuẩn bị phải hết sức khoa học.
Ngoài vai trò trực tiếp tham gia chuẩn bị, tổ chức công tác xét xử các đại án, ông còn là chủ tọa phiên tòa xét xử trực tiếp 2 vụ đại án kinh tế là vụ án Lê Dũng và đồng phạm, vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm. Đây là 2 vụ đại án phức tạp, nghiêm trọng, có đông bị cáo và người tham gia tố tụng, xét xử dài ngày.
Theo chia sẻ của Thẩm phán Phạm Lương Toản, để giải quyết các đại án, ông luôn tự rèn luyện bản thân phải có nề nếp làm việc khoa học, có kế hoạch cụ thể để giải quyết công việc, tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ một cách thận trọng ngay từ khi được lãnh đạo phân công giải quyết, cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ án cả về thủ tục tố tụng lẫn về nội dung sự việc, phải nghiên cứu đầy đủ các tình tiết từng sự việc trong hồ sơ vụ án theo thứ tự hợp lý. Bản thân Thẩm phán phải có bản lĩnh và nghiệp vụ vững vàng. Chính những yếu tố đó đã giúp cho các phiên tòa xét xử các vụ án lớn về tham nhũng vừa qua được đánh giá cao về công tác tổ chức phiên tòa và công tác xét xử. Các bản án sau khi tuyên được sự đồng tình cao của xã hội và gần như đều được Tòa án cấp phúc thẩm xét xử giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 8/5/2018 tới đây, ông tiếp tục ngồi chủ tọa phiên tòa vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm. Đây là vụ án xét xử 28 bị cáo. 63 công ty, ngân hàng và 115 cá nhân đến toà với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và người làm chứng. Có 25 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liền, Thẩm phán Phạm Lương Toản luôn đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và được tặng nhiều Bằng khen của Chánh án TANDTC và Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, năm 2017, ông được vinh dự tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.