Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội kêu gọi những người dân đã đến bệnh viện Bạch Mai trong vòng 14 ngày qua tự giác cách ly y tế tại nhà.
Sau khi có kết quả bệnh nhân của Bệnh viện Bạch Mai mắc Covid-19 (bệnh nhân số 133 được công bố ngày 24/3), đã có 252 người bao gồm 162 nhân viên và học viên, 36 bệnh nhân và 54 người chăm sóc bệnh nhân phải cách ly.
Đây là nhóm thứ 2 của Bệnh viện Bạch Mai được cách ly. Trước đó đã có 150 cán bộ nhân viên của Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) được cách ly sau khi 2 điều dưỡng mắc bệnh.
Hiện bệnh viện đã phải dừng khám theo yêu cầu (thông thường tiếp nhận 1.500 bệnh nhân khám/ngày), dừng tái khám tại khoa, chỉ tiếp nhận các trường hợp cấp cứu, đóng cửa nhà tang lễ...
Trước cổng Bệnh viện Bạch Mai có nhiều nhân viên y tế và bảo vệ kiểm soát người vào.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, không để dịch bùng phát, trên cơ sở đề xuất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và Sở Y tế, UBND TP Hà Nội báo cáo và đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khử khuẩn toàn bộ bệnh viện thường xuyên, có thể đề nghị Bộ Tư lệnh Hóa học hỗ trợ.
Bệnh viện Bạch Mai có giải pháp thực hiện xét nghiệm toàn bộ nhân viên, cán bộ y tế và người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện;
Giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội thông báo ngay cho người dân đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong 14 ngày qua để tự cách ly y tế và theo dõi sức khỏe, thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế khi có biểu hiện nghi mắc bệnh (ho khan, sốt, khó thở...).
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt lớn nhất ở Việt Nam, mỗi ngày trung bình có mặt 6.000 người khám ngoại trú, 4.000 người điều trị nội trú, 4.000 người nhà đến chăm sóc bệnh nhân và hàng ngàn nhân viên y tế. Vì vậy nguy cơ lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai rất lớn, trong thời gian tới có thể phát hiện thêm ca mới lây nhiễm từ bệnh viện này và lây nhiễm sang các tỉnh, thành khác.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định những ngày tới đây, Hà Nội sẽ bước vào "trận chiến" khó khăn hơn, mà chiến trường chính là các bệnh viện. "Chiến thắng virus chính là khâu chữa trị cho những người đã mắc và phòng ngừa F1 ở bệnh viện", ông Chung nhấn mạnh.