Xe biển giả đi qua trạm thu phí ETC, xe biển thật nằm nhà phải trả tiền; xe ô tô có tài khoản thu phí tự động dù chủ xe không đăng ký; có hiện tượng chạy doanh số dán thẻ; lỗi thẻ khi đi qua trạm thu phí … là hàng loạt những tồn tại bất cập khiến nhiều người bức xúc thời gian qua. Vậy trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ và đơn vị quản lý vận hành hệ thống quản lý thế nào?
Nhà cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố
Được biết, từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc sẽ triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). Đây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông.
Việc triển khai thu phí tự động được nhiều chuyên gia đánh giá cao và người dân ủng hộ bởi rút ngắn tối đa thời gian qua trạm, giảm tình trạng kẹt xe trầm trọng trước trạm thu phí trên các cao tốc. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều chủ phương tiện bức xúc phản ánh về việc xe ô tô của mình đang đỗ ở nhà, không đi qua trạm thu phí nhưng vẫn nhận được thông báo trừ tiền trong tài khoản ETC.
Ngoài ra có một số trường hợp chủ xe chưa đăng ký nhưng vẫn có tài khoản thu phí tự động hay lỗi thẻ khi đi qua trạm thu phí không dừng khiến nhiều người bức xúc…
Liên quan đến các vấn đề trên, ngày 29/7, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các đơn vị tiến hành kiểm tra, chủ động rà soát, có giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trước ngày 5/8. Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình vận hành hệ thống.
Câu hỏi đặt ra, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ và đơn vị quản lý vận hành hệ thống quản lý thế nào?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Quốc Hòe, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trách nhiệm của Nhà cung cấp dịch vụ thu phí, đơn vị vận hành hệ thống thu, đơn vị vận hành hệ thống quản lý, giám sát thu được quy định tại Phụ lục số 01 Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ đường bộ.
Luật sư Hòe cho rằng, đối với các vấn đề chủ phương tiện phản ánh thời gian qua như xe biển giả đi qua trạm thu phí ETC, xe biển thật nằm nhà phải trả tiền; xe ô tô có tài khoản thu phí tự động dù chủ xe không đăng ký, lỗi thẻ khi đi qua trạm thu phí… đều là lỗi thuộc về đơn vị cung cấp dịch vụ và đơn vị quản lý vận hành hệ thống quản lý chứ không phải là do lỗi của khách hàng.
Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm khắc phục những sai sót bằng cách hủy thẻ và dán thẻ lại, trường hợp chủ xe thật bị thu tiền mà không di chuyển qua trạm thu phí thì phải bồi hoàn lại tiền cho chủ xe.
“Trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ đổ lỗi cho khách hàng thì khách hàng có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị can thiệp, giải quyết. Trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng thì khách hàng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại”, luật sư Hòe nhấn mạnh và cho biết thêm, trong quá trình cung cấp dịch vụ, quản lý, giám sát thu phí nhận thấy có dấu hiệu hành vi sử dụng biển giả để lưu thông thì nhà cung cấp và đơn vị vận hành phải có trách nhiệm thông báo có cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Làm giả hồ sơ đăng ký có thể bị xử lý hình sự
Theo luật sư Hòe, trường hợp cá nhân làm biển giả để bán hoặc sử dụng để qua trạm thu phí có thể bị truy cứu về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, các đối tượng làm, sử dụng biển giả có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Trường hợp người thực hiện hành vi làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả là người có chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình xâm phạm đến hoạt động đúng đắn bình thường của cơ quan nhà nước như thực hiện hành vi sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ giấy tờ (đăng ký, đăng kiểm,…) tùy vào tình chất mức độ có thể bị phạt tù từ 1 đến 20 năm, phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng theo quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 về tội giả mạo trong công tác.
Đơn vị nào cung cấp dán thẻ thu phí tự động?
Hiện nay trên thị trường có 02 nhà cung cấp dịch vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng là thẻ ePass của VDTC và thẻ e-Tag của VETC.
VETC là thương hiệu thu phí không dừng của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC. Trong đó thẻ e-Tag là thẻ định danh được dán trên kính/đèn xe giúp chủ phương tiện đi qua trạm thu phí mà không phải dừng.
Còn VDTC là thương hiệu thu phí không dừng của Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam, là Công ty thành viên của tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel. Thẻ ePass được dán trên kính lái hoặc đèn xe nhằm mục đích nhận diện phương tiện giao thông tự đồng và trừ tiền vé vào tài khoản đã đăng ký giúp phương tiện di chuyển qua các trạm thu phí một các dễ dàng.