Trong thời gian vừa qua, nhiều vụ tai nạn thảm khốc liên tục xảy ra trên địa bàn cả nước. Cụm từ “xe điên” dần trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.
Trên thực tế, những vụ tai nạn giao thông (TNGT) này ít nhiều liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo, thể hiện qua sự yếu kém của lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống.
Tai nạn liên hoàn xảy ra như... cơm bữa!
Chỉ trong tuần lễ đầu tiên của năm 2019, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn liên hoàn gây tổn thất rất lớn về người và của. Nguyên nhân phần lớn của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông không làm chủ được phương tiện của mình. Điều đó không khỏi khiến dư luận hoài nghi về chất lượng của các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe.
Vào khoảng 6h30 ngày 6/1/2019, chiếc xe tải BKS 37C- 292.98, rơ móoc 37R-0450 do tài xế Hồ Ngọc Suốt (41 tuổi, trú tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) điều khiển lưu thông trên Quốc lộ 9 hướng Đông Hà - Lao Bảo, khi đến khu vực cầu Đầu Mầu, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ đã va chạm với xe ô tô biển kiểm soát 74A-08346 do bà Đoàn Thị Thu (52 tuổi, trú tại xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) điều khiển.
Chiếc xe đầu kéo sau đó tiếp tục va chạm với xe ô tô 16 chỗ BKS 60D-005.46 do tài xế Nguyễn Thế Sơn (47 tuổi, trú tại phường 5, thành phố Đông Hà Quảng Trị) điều khiển. Ngay sau tai nạn, xe ô tô BKS T74-00015 do anh Lê Thanh Thiên (50 tuổi, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) chạy hướng Đông Hà - Lao Bảo dù giảm tốc độ khi đến địa điểm xảy ra tai nạn nhưng lại bị xe ô tô 74K-7440 của Bưu điện Đakrông tông vào đuôi xe. Vụ tai nạn liên hoàn khiến 4 xe ô tô bị hư hỏng, có 4 người bị thương nhẹ. Hiện Cảnh sát giao thông Công an huyện Cam Lộ đang xử lý vụ việc.
Cũng trong ngày 6/1, tại Hà Đông, Hà Nội xảy ra một vụ “xe điên” gây tai nạn khiến 4 người thương vong. Cụ thể, vào hồi 13h40 cùng ngày (6/1), tại khu vực vòng xuyến đường Cienco 5 - đường Phúc La, Văn Phú thuộc địa bàn quận Hà Đông đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa xe ô tô Ford mang BKS 30A-542.75 đi hướng huyện Thanh Oai đường Cienco5 quận Hà Đông với xe taxi 30A-420.47, 3 xe mô tô lần lượt mang BKS 29T1-119.70, 29H1-872.97, 33k2-1731. Sau đó, chiếc xe Ford va chạm với 3 xe máy khác.
Hậu quả vụ tai nạn khiến ông Trần Nhật T. (SN 1949) và vợ là bà Đặng Thị T. (SN 1951 cùng trú tại khu đô thị Xa La, quận Hà Đông) tử vong. Còn ông Nguyễn Hữu C. (SN 1965) và bà Nguyễn Thị H. (SN 1972, trú tại An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) bị thương nặng được đưa đi viện cấp cứu. Qua quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định được danh tính tài xế là Trần Ngọc Anh (SN 1990, trú tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc xe ô tô gây tai nạn sản xuất năm 2015 tại Việt Nam, phương tiện vẫn còn hạn đăng kiểm, được phép tham gia giao thông. Chủ xe theo giấy đăng ký là Phan Thu Hiền, địa chỉ: P4.2 CCI 10A, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Trước đó, chiều 5/1/2019, xe Kia Forte mang biển Hà Tĩnh do người đàn ông trung niên điều khiển chạy trên quốc lộ 1A hướng Bắc – Nam khi tới địa phận thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã lao lên vỉa hè. Chiếc ô tô đâm vào 2 xe máy đang dựng va chạm một xe bán tải đỗ trước cửa hàng tạp hóa. Hậu quả, 2 xe máy bị gãy vụn, một số vật dụng trước cửa nhà dập nát. Nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế mất lái.
Mới đây nhất, vào khoảng 17 giờ ngày 10/1/2019, khi đang lưu thông trên đường Trần Não đoạn ngã ba giao cắt với đường số 29 (phường Bình An, quận 2, TP HCM), xe ô tô hiệu BMW bất ngờ lao qua trái, đâm gãy hai cây xanh trên con lươn giữa đường, sau đó tiếp tục lao qua bên kia đường, đâm vào đuôi xe máy BS: 51V3 - 5181 đang lưu thông. Chiếc “xe điên” tiếp tục đâm liên hoàn vào 3 ô tô đang đậu trên vỉa hè rồi mới dừng lại.
Tai nạn liên hoàn làm ám ảnh nhiều người
Sau tai nạn, những người ngồi trên xe ô tô gây tai nạn đã rời khỏi hiện trường. Vụ việc làm hư hỏng 4 xe máy và ô tô. Người điều khiển xe máy bị thương ở tay sau va chạm, ngã xuống đường. Theo nhiều người dân chứng kiến vụ việc, thời điểm gây tai nạn, xe ô tô này chạy với tốc độ nhanh, người điều khiển không làm chủ được tốc độ.
Trên thực tế, những vụ TNGT trên đều ít nhiều liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo, thể hiện qua sự yếu kém của lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống, qua thái độ coi thường tính mạng của hành khách và người tham gia giao thông.
Cần siết chặt công tác đào tạo lái xe
Hiện nay, với điều kiện kinh tế phát triển cùng việc xuất hiện nhiều loại ô tô giá rẻ trên thị trường, cho nên việc sở hữu một chiếc xe ô tô đối với nhiều gia đình ở các đô thị lớn không phải quá khó. Chính vì vậy, nhu cầu về đào tạo, sát hạch (ĐTSH) lái xe cơ giới tăng cao. Hơn nữa, việc ĐTSH lái xe đã được Nhà nước cho phép mở rộng xã hội hóa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, chất lượng ĐTSH lái xe cơ giới đường bộ hiện chưa theo kịp với quy mô, số lượng các cơ sở, trung tâm được cấp phép đang tăng lên nhanh chóng.
Qua các đợt thanh tra công tác ĐTSH, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại các địa phương do Bộ GTVT thực hiện gần đây, thực tế cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập trong ĐTSH lái xe, việc trang bị kiến thức, trau dồi văn hóa, đạo đức, nghề nghiệp của người lái xe còn chưa được coi trọng. Quá trình đào tạo lái xe ở các cơ sở đang có hiện tượng cạnh tranh gay gắt, đua nhau giảm giá, gây “loạn” về phí đào tạo, cắt xén chương trình. Công tác tuyển sinh tại nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu chặt chẽ, thậm chí có phần tùy tiện, học viên thiếu tự giác, nghiêm túc trong việc học, nhiều hồ sơ không có giấy khám sức khỏe, hoặc nếu có thì cũng dễ dàng mua, không cần khám, nhan nhản thông tin về những “đường dây” chống trượt cho học viên, chất lượng giáo viên giảng dạy thấp, cấp bằng không nghiêm túc...
Không chỉ việc quản lý ĐTSH lái xe ô tô còn lỏng lẻo, mà đối với xe mô tô cũng có vấn đề. Số lượng xe máy lưu thông trên cả nước rất lớn. Vậy mà chỉ cần vài trăm nghìn đồng là đã có tấm bằng lái với sự hỗ trợ của các trung tâm bảo đảm đỗ 100%. Với chất lượng đào tạo như thế thì khó lường được hậu quả khi những người tham gia học tập không nghiêm túc được cấp bằng lái xe.
Nâng cao chất lượng đào tạo lái xe sẽ góp phần giảm TNGT
Trước thực trạng đó, các cơ quan quản lý cần sớm có các biện pháp chấn chỉnh quyết liệt, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe, giám sát chặt cả chương trình, thời gian và chất lượng dạy học tại các cơ sở ĐTSH. Ngoài ra, cần mạnh tay xử lý các trung tâm vi phạm quy định về ĐTSH lái xe; có thể rút giấy phép và công khai danh sách các trung tâm này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, không chỉ phạt hành chính, mà cần nghiên cứu quy định cấm hành nghề, thậm chí cấm hành nghề trọn đời những lái xe vi phạm nghiêm trọng luật giao thông.
Đây là những giải pháp căn cơ nhất để nâng cao kỹ năng lái xe, đạo đức, việc tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, từ đó góp phần kéo giảm số vụ TNGT nghiêm trọng mang tính chủ quan của người điều khiển phương tiện.
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu, nhắc nhở các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; siết chặt công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và tập huấn kỹ năng lái xe an toàn cho lái xe kinh doanh vận tải.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ nghiên cứu siết chặt đào tạo, thi cử và cấp bằng lái, từ xe con đến xe tải. Có thể tăng thời lượng, điều chỉnh giáo trình, tổ chức thi công khai minh bạch, học viên nào đảm bảo mới cấp bằng. Với các loại phương tiện nguy hiểm như xe container, xe quá khổ quá tải, lái xe càng phải đạt trình độ cao.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng TNGT gia tăng chính là do ý thức, trách nhiệm của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Thế nên để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở, trung tâm đào tạo lái xe cần xác định đội ngũ giáo viên đóng vai trò then chốt bởi ý thức, kinh nghiệm của lái xe là yếu tố quyết định việc bảo đảm an toàn giao thông. Việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn sẽ nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện tập lái. Thường xuyên bổ sung, thay thế thiết bị đã hết niên hạn sử dụng, cải tạo và làm mới sân tập cũng như trang thiết bị đồng bộ không chỉ theo tiêu chuẩn của sân tập mà còn là tiêu chuẩn của sân sát hạch. Ngoài ra, cũng cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, trường hợp “xe điên” giảm, sẽ góp phần giảm thiểu TNGT.