Sức Khỏe

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại ở động vật nuôi

Trang Trần 01/11/2023 - 16:20

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 2373/QĐ-UBND về Phê duyệt Kế hoạch “Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại ở động vật nuôi trên địa bàn huyện Hòa Vang, giai đoạn 2024-2030”.

Cụ thể, về mục tiêu phòng chống bệnh Dại ở động vật, giai đoạn 2024-2025 phấn đấu quản lý được 75% số hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn các xã và lập danh sách hộ nuôi chó, mèo hoặc sổ theo dõi chó, mèo nuôi theo quy định; 75% số xã trên địa bàn huyện Hòa Vang tổ chức thành lập đội bắt chó thả rông; 75% tổng đàn chó, mèo nuôi được tiêm vắc xin Dại.

Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu đạt mục tiêu quản lý được trên 90% số hộ nuôi chó, mèo và lập sổ theo dõi chó, mèo nuôi theo quy định; 100% số xã trên địa bàn huyện thành lập đội bắt chó thả rông; Trên 85% tổng đàn chó, mèo nuôi được tiêm vắc xin Dại. Từ đó, tiến đến mục tiêu năm 2030, xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại ở động vật nuôi trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Đối với phòng, chống bệnh Dại ở người, phấn đấu giai đoạn 2024-2030 có 100% số xã thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh Dại ở cộng đồng, thường học.

Giai đoạn 2026-2030 có 100% số xã trên địa bàn huyện không có ca bệnh Dại trên người. Phấn đấu đến năm 2030 có 100% số người tiêm vắc xin phòng bệnh Dại do chó, mèo cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia; 90% số người bị phơi nhiễm với bệnh Dại được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.

Để đạt được mục tiêu nói trên, thành phố Đà Nẵng triển khai các hoạt động: Quản lý đàn chó, mèo; Công tác phòng, chống bệnh Dại; Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh Dại; Giám sát bệnh Dại trên động vật; Giám sát bệnh Dại trên người; Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người; Rà soát, hoàn thiện các quy định, chính sách về phòng, chống bệnh Dại; Điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại; Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại trên địa bàn huyện Hòa Vang; Quản lý hoạt động thú y có liên quan đến chó, mèo.

dai.jpg

UBND thành phố Đà Nẵng giao UBND huyện Hòa Vang xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện các nội dung của Kế hoạch và chủ động bố trí kinh phí thực hiện. Đồng thời, quản lý hồ sơ thông tin, dữ liệu liên quan đến công tác quản lý đàn chó mèo nuôi, công tác phòng, chống bệnh Dại, giám sát dịch bệnh Dại, tình hình dịch bệnh Dại (nếu có), công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn,...

Chỉ đạo các xã, các đơn vị trực thuộc tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện các nội dung của Kế hoạch; tổ chức thành lập tổ/đội bắt chó thả rông, chó không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh Dại, cưỡng chế tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo trên địa bàn.

Phối hợp với Chi cục Nông nghiệp để triển khai tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo theo đúng kế hoạch và đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng. Thực hiện chế tài, xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính đối với hoạt động nuôi chó, mèo; công tác phòng, chống bệnh Dại. Lập hồ sơ thông tin, dữ liệu và quản lý đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn xã theo quy định.

Lập và hoàn thiện hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại ở động vật nuôi trên địa bàn huyện, trình Cục Thú y thẩm định và công nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện việc giám sát, thẩm định, đánh giá, kiểm tra, thanh tra tại cơ sở, vùng đăng ký an toàn dịch bệnh.

Các chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; cam kết nuôi nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường; chó khi đưa ra khỏi nhà phải đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó và có người dắt, đề phòng cắn người; nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; tiêm vắc xin phòng Dại cho chó, mèo theo quy định. Thường xuyên theo dõi chó, mèo nuôi, khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, phải nhốt con vật để theo dõi và báo cáo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất. Không được vận chuyển hoặc bán dộng vật mắc bệnh/nghi mắc bệnh Dại.

Chủ nuôi chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi Dại cắn, cào người khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển chó, mèo phải trả kinh phí lấy mẫu, xét nghiệm mẫu bệnh Dại theo quy định.

Các tổ chức, cá nhân hành nghề khám, chữa bệnh chó, mèo thực hiện việc khám, chữa bệnh và điều trị liên quan đến chó, mèo theo các quy định của pháp luật về thú y. Trong trường hợp khám và điều trị nếu phát hiện chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh Dại phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại ở động vật nuôi