Ngày 21/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Vương Đình Huệ đã chủ trì hội thảo “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel”.
Hội thảo do UBND thành phố Hà Nội phối hợp cùng Đại sứ quán Isarel và Tập đoàn FPT tổ chức. Đây là hội thảo về khởi nghiệp lớn nhất của Hà Nội nhằm tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các hiệp hội doanh nghiệp, Quỹ đầu tư và các nhóm startup như Dragon Capital, FPT Venture, IDG, Cyber Agent, Unitus Impact…
Chủ trương của Chính phủ đã rõ ràng
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chủ trương coi trọng doanh nghiệp, doanh nhân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp là chủ trương thường xuyên, nhất quán của Đảng”; vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đã được hiến định tại Khoản 3, Điều 51, Hiến pháp 2013: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - bài học thực tiễn từ Israel”. Ảnh VGP
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó gần đây là Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, đặt mục tiêu tới năm 2020 cả nước ta có 1 triệu doanh nghiệp (hiện nay mới có trên 500.000 doanh nghiệp). Trong kỳ họp Quốc hội tới, Chính phủ cũng trình Quốc hội dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều nội dung quan trọng.
“Như vậy chủ trương của Đảng là rõ ràng, Chính phủ, các bộ, ngành cũng thể hiện quyết tâm vì doanh nghiệp rồi và điều còn lại là Việt Nam phải xây dựng thể chế, chính sách như thế nào, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội phải làm gì để chủ trương và chính sách đó đi vào cuộc sống?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề với các đại biểu tham dự hội thảo.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, vì vậy phải nghiên cứu, học tập, vận dụng kinh nghiệm của các nước đi trước. Trong lĩnh vực khởi nghiệp-sáng tạo, Israel được coi là một quốc gia khởi nghiệp thành công trên thế giới và Việt Nam cần học tập cả về lý luận, thực tiễn của quốc gia này. Do vậy, hội thảo là cơ hội tốt cho các cơ quan của Chính phủ, TP. Hà Nội nghiên cứu các thể chế và chính sách, cả về cấp vĩ mô và vi mô hỗ trợ kinh tế nói chung và khởi nghiệp-sáng tạo nói riêng; góp phần trả lời câu hỏi Chính phủ, Trung ương cần làm gì, Hà Nội phải làm gì để đẩy mạnh hơn phong trào khởi nghiệp, để thành lập nhiều DN hơn, số lượng DN phải giải thể ít đi và số lượng DN hoạt động có hiệu quả ngày càng tăng lên.
Thủ đô khởi nghiệp cần có một chiến lược
Nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả tăng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã và đang tích cực xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô, với định hướng xây dựng thành phố trở thành Thủ đô khởi nghiệp.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội triển khai nhất quán, sâu rộng tới toàn bộ hệ thống chính quyền, mặt trận, đoàn thể và người dân.
Tính đến hết tháng 8/2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn Hà Nội là 15.012 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 130.612 tỷ đồng (bình quân vốn điều lệ là 8,7 tỷ đồng/doanh nghiệp ). Tính lũy kế hết tháng 8/2016, Hà Nội hiện có 200.550 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97%). Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn TP. Hà Nội có thể trở thành nơi thí điểm các thể chế chính sách để trở thành trung tâm khởi nghiệp của đất nước.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng: Phần đông tại Việt Nam hiểu đơn giản start up là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Nhưng để tạo nên một quốc gia khởi nghiệp, thành phố khởi nghiệp cần những chiến lược dài hạn, hỗ trợ cơ chế chính sách và tài chính... Cụ thể, ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, chính quyền và các quỹ tài chính nên hỗ trợ hơn nữa nhóm kinh tế tư nhân để tiến đến phát triển kinh tế quốc gia, trong đó khởi nghiệp là một chương trình được lên kế hoạch thực hiện trong chuỗi giá trị giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Tùy vào thế mạnh riêng, mỗi quốc gia và địa phương chọn cho mình những lĩnh vực ưu tiên phù hợp, sau đó Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động hiệu quả và theo sát toàn bộ 5 giai đoạn phát triển của doanh nghiệp (tiền khởi nghiệp, khởi nghiệp, phát triển, trưởng thành, phục hồi).
Ông Adrian Tan, Giám đốc Chương trình Huấn luyện của Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) cho biết: Việt Nam là thị trường khởi nghiệp năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi tin rằng, các startup tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ sớm tăng tốc độ khởi nghiệp, nhanh chóng trưởng thành từ ý tưởng đến hoạt động kinh doanh trên thực tiễn. Điều này cũng sẽ thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng với sự phát triển của phong trào khởi nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị từ công nghệ và cải thiện cuộc sống cho người dân trong khu vực và trên thế giới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên bức tranh tổng quan về khởi nghiệp tại Việt Nam và hệ thống hành lang pháp lý để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, kinh nghiệm của quốc tế trong xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thu hút và tổ chức các Quỹ đầu tư tài chính mạo hiểm hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp.