Những bất cập trong quản lý của UBND xã Sơn Đông khiến dư luận đặt câu hỏi: Có hay không việc xã “bắt tay” với nhà thầu “rút tiền” ngân sách từ những thiết bị được duyệt mua với giá “trên trời”?
Thiết bị đắt tiền “đắp chiếu”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng loạt hạng mục mua sắm trang thiết bị cho UBND xã, trạm y tế, xây dựng nhà vệ sinh cho các thôn ở xã Sơn Đông đều… “có vấn đề”. Tại biên bản nghiệm thu ngày 4/2/2013 giữa ông Nguyễn Long Giang, Chủ tịch UBND xã (đại diện chủ đầu tư) và ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Công ty cổ phần đầu Q&T (đơn vị cung cấp thiết bị) thì: Bộ bàn ghế giả cổ tiếp khách được duyệt mua với giá 32,8 triệu đồng/bộ, siêu trầm S15-china trị giá 34,5 triệu đồng/bộ, tủ ATS chuyển đổi nguồn điện tự động 50-80A trị giá 23,3 triệu đồng, điều hòa cây Media 48.000 BTU trị giá 44,2 triệu đồng/cái. Theo chúng tôi được biết, gói thầu mua sắm trang thiết bị cho UBND xã Sơn Đông trị giá gần 2 tỷ đồng.
Rất nhiều cán bộ trong Đảng ủy, HĐND xã đến cán bộ, nhân dân các thôn tại xã Sơn Đông đều không giấu nổi bức xúc trước những dấu hiệu bất thường từ lô thiết bị đắt tiền được cung cấp từ dự án xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, một số trang thiết bị được trang bị cho một số phòng có giá rất cao. Cụ thể, tại phòng họp nội bộ được trang bị 40 ghế gỗ có giá hơn 638 nghìn đồng/chiếc, tại Hội trường lớn được trang bị 100 ghế Hòa Phát giá gần 540 nghìn đồng/chiếc…
Máy sinh hóa tự động
Gói trang thiết bị cho Trạm y tế xã trị giá gần 1,4 tỷ đồng cũng có nhiều dấu hiệu khuất tất. Đáng chú ý, một số trang thiết bị đắt tiền được trang bị nhưng không sử dụng được do thiếu đồng bộ hoặc không cần thiết phải trang bị cho y tế cấp xã. Chúng tôi có mặt tại Trạm y tế xã Sơn Đông, một lúc lâu sau, các cán bộ y tế tại đây mới tìm được chìa khóa để đưa chúng tôi vào diện kiến lô thiết bị đắt đỏ được cấp phát theo gói xây dựng nông thôn mới. Đó là ghế nha khoa ST-D520 trị giá 167 triệu đồng/cái và máy xét nghiệm sinh hóa tự động hiệu AE-1000 có giá hơn 306 triệu đồng.
Đáng kinh ngạc hơn, lô thiết bị đắt giá này, kể từ khi được cấp phát từ tháng 6/2012 đến nay vẫn đắp chiếu bởi thiếu máy ly tâm (với máy xét nghiệm sinh hóa tự động) và thiếu người vận hành (với ghế nha khoa).
Một cán bộ xã Sơn Đông khẳng định, mọi khâu từ chủ trương đến lập kế hoạch và các bước thực hiện, đại biểu HĐND xã đều không hề hay biết. Khi lãnh đạo xã ban hành kế hoạch thực hiện thì người dân và cán bộ các thôn đều rất bức xúc vì cho rằng, mua sắm như vậy là quá tốn kém. Đơn cử, tại gói thầu số 1 xây dựng nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa cho các thôn có tổng mức dự toán hơn 2,7 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng xây dựng 6 nhà vệ sinh dự tính đã “ngốn” hơn 642 triệu đồng! Một người dân tại đây phải thốt lên: “Chúng tôi thực sự “sốc” với giá cả trên trời này… Nếu để cho thôn tự làm thì chỉ hết khoảng 30 triệu đồng và trong chục ngày là xong. Không hiểu sao họ có thể liệt kê giá xây dựng như vậy. Cũng chả hiểu họ thi công kiểu gì mà mấy tháng vẫn chưa xong”.
Ngoài ra, chính quyền xã chỉ đạo các thôn kêu gọi người dân đóng góp mua ghế Xuân Hòa để trong nhà văn hóa các thôn với mức giá được duyệt là 484 nghìn đồng/chiếc. Trong khi đó, thực tế các thôn sau khi thu tiền của nhân dân đi mua chỉ hết 170 nghìn đồng/chiếc. Có thôn mua với mức giá cao nhất cũng chỉ đến 215 nghìn đồng/chiếc.
Chiếc máy phát điện mang mã hiệu Hyundai DHY 15KSE được mua về với mức giá đăng ký là hơn 272 triệu đồng. Trước những băn khoăn của người dân, chúng tôi đã tìm hiểu và được biết, chiếc máy này ngoài thị trường có giá không quá 170 triệu đồng!
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Long Giang, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông cho biết: “Những thiết bị được cho là đắt tiền khi mua sắm cho UBND xã Sơn Đông theo tôi là không hề lãng phí, tôi mua sau này tôi nghỉ thì người khác cũng dùng chứ có bỏ đi đâu…”.
“Xé lẻ” gói thầu liệu có đúng quy trình?
Theo quy định hiện hành, trước ngày 1/7/2014, những gói thầu có giá trị trên 5 tỷ đồng thì phải đấu thầu công khai, dưới 3 tỷ đồng thì cấp xã phê duyệt, Nhưng do phải chạy đua với thời gian cũng như dễ quản lý nên xã đã “xé lẻ” ra 3 gói thầu. Ông Nguyễn Long Giang lý giải: Sở dĩ giá duyệt mua trang thiết bị cao hơn so với hiện nay là đơn giá được duyệt từ tháng 11/2013. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, sau 3 tháng lại phải thẩm định lại giá một lần. Có vốn từ tháng 6/2014, vậy lý do gì UBND xã Sơn Đông không thẩm định lại mà vẫn áp dụng theo đơn giá trước đó 7 tháng? Trả lời thắc mắc này, ông Giang khẳng định: “Mọi việc đều được triển khai đúng quy trình” từ khâu thiết kế, lên dự án, đăng báo tìm nhà thầu và kiểm định giá. Ông Giang cho biết, có tổng cộng 18 nhà vệ sinh, mỗi nhà vệ sinh rộng 12m2 với 2 buồng, giá trị trung bình mỗi nhà vệ sinh là 90 triệu đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhà vệ sinh tại thôn Đồi Chợ chỉ có diện tích 2,6 x 2,2m! Theo Hợp đồng thi công xây dựng số 05/2014/HĐ-XD giữa UBND xã Sơn Đông và Công ty cổ phần Sản xuất và xây dựng thương mại Quảng Đông, nhà vệ sinh như vậy được bên thi công liệt kê giá trị xây dựng lên tới 80 đầu mục(?). Nhà vệ sinh thôn này nằm kẹt giữa nhà văn hóa và tường rào song cũng được nhà thầu liệt kê đào móng băng, rộng 3m, sâu 1m.
Ông Nguyễn Long Giang thừa nhận, xã không có năng lực về việc lập đơn giá, thẩm định đơn giá mua các trang thiết bị nên phải thuê các đơn vị khác làm giúp. Cũng bởi lẽ trên, giá được đơn vị thẩm định giá đưa ra đều được phía chủ đầu tư là UBND xã Sơn Đông thông qua một cách “không phải nghĩ”.