Vấn đề quan tâm

Xây dựng Luật để thương mại điện tử phát triển có trật tự, làm động lực cho kinh tế số

Nguyễn Cúc 22/01/2025 - 11:02

Theo Bộ Công Thương, việc ban hành một Luật chuyên ngành thương mại điện tử chuyên biệt sẽ không chỉ để giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn định hình tương lai của lĩnh vực thương mại điện tử.

Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử (TMĐT) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT; tạo điều kiện cho TMĐT phát triển bền vững, có trật tự, làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế số.

Hiện nay, lĩnh vực TMĐT đang được điều chỉnh tập trung, chủ yếu tại hai văn bản: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT (Nghị định 52), Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 (Nghị định 85).

Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, do hai văn bản trên ở cấp Nghị định nên chưa đủ để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong TMĐT. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng về mặt chủ thể, phức tạp về mặt bản chất và từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, dẫn đến các chính sách, quy định về TMĐT đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế:

TMĐT liên quan đến nhiều lĩnh vực như thương mại, giao dịch điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý thuế, bảo mật dữ liệu, chống gian lận thươngmại... Vì vậy, quan hệ pháp luật trong lĩnh vực TMĐT hiện đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc các ngành luật khác nhau, như Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin mạng, và Luật An ninh mạng.

Mặc dù vậy, các quy định hiện hành trong các luật chung hiện nay không đủ chi tiết, cụ thể để xử lý các vấn đề đặc thù, phức tạp của TMĐT. Để điều chỉnh chi tiết và toàn diện các vấn đề này, cần thiết phải xây dựng văn bản ở cấp luật.

Ngoài ra, các Nghị định hiện hành chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quản lý thuế, Luật Sở hữutrí tuệ,… Một số Luật liên quan đến lĩnh vực TMĐT đều mới được ban hành trong thời gian gần đây, theo đó, mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm và quy định mới. Do vậy, việc xây dựng Luật TMĐT giúp tránh chồng chéo và mâu thuẫn pháp lý giữa các quy định.

Theo Bộ Công Thương, việc ban hành một Luật chuyên ngành TMĐT chuyên biệt sẽ không chỉ để giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn định hình tương lai của lĩnh vực TMĐT, đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa quản lý nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng, và lợi ích doanh nghiệp.

Với sự xuất hiện của các công nghệ mới, nền tảng mới như dữ liệu lớn (BigData), trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại qua mạng xã hội (Social Commerce), các mô hình TMĐT ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng, nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt.

Những vướng mắc và bất cập trong việc quản lý lĩnh vực TMĐT như trên đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật, cần được nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới và đảm bảo theo kịp sự phát triển của các nền TMĐT trên thế giới.

Mục đích xây dựng Luật TMĐT nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế về TMĐT; thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thống nhất hệ thống pháp luật về TMĐT trong mối tương quan với các luật khác, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, các bất cập, hạn chế trong thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT trong thời gian vừa qua cũng như để phù hợp với xu thế đổi mới do công nghệ số đã làm thay đổi và định hình lại tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực TMĐT.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về TMĐT theo hướng khuyến khích sáng tạo trong việc xây dựng và thực thi quy định, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; tạo động lực cho cạnh tranh và phát triển sáng tạo của doanh nghiệp; hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các tổ chức xã hội, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT; tạo điều kiện cho TMĐT phát triển bền vững, có trật tự, làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế số.

5 chính sách về thương mại điện tử

Theo Bộ Công Thương, trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành, xác định các nội dung cần thiết bổ sung hoàn thiện để hoạch định chính sách về TMĐT, Bộ Công Thương xác định 5 chính sách lớn khi xây dựng Luật TMĐT:

Chính sách 01: Bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành. Mục tiêu của chính sách nhằm quy định rõ khái niệm nền tảng số, nền tảng số trung gian và các khái niệm khác phù hợp với lĩnh vực TMĐT và đảm bảo hài hòa với các Luật khác hiện hành; bảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Chính sách 02: Quy định các hình thức hoạt động TMĐT, các chủ thể tham gia vào hoạt động TMĐT, quyền và nghĩa vụ liên quan với mục tiêu đảm bảo không bỏ sót các mô hình hoạt động TMĐT và các chủ thể tham gia; đảm bảo minh bạch về thẩm quyền, rõ ràng về giới hạn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp phân quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT.

Chính sách 03: Trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT nhằm tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật về TMĐT; tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu để các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với các nền tảng TMĐT.

Chính sách 04: Quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại với mục tiêu đối xử công bằng đối với các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy; nhanh chóng phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử.

Chính sách 05: Quy định về xây dựng, phát triển TMĐT nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy phát triển TMĐT; thúc đẩy TMĐT phát triển xanh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, tạo giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín đánh giá cao (xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022). Quy mô thị trường bán lẻ TMĐT B2C tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỷ USD năm 2014 đến 20,5 tỷ USD năm 2023, trung bình tăng trưởng 20-30% cả giai đoạn, đóng góp 8% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2023.

Thị trường TMĐT là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với cả các sản phẩm đa dạng và phong phú cả trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Luật để thương mại điện tử phát triển có trật tự, làm động lực cho kinh tế số