Xây dựng con người Việt Nam: Cần khắc phục bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm

Ngọc Mai| 06/01/2019 09:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cần chấn chỉnh đạo đức xã hội, củng cố niềm tin vào chế độ. Cụ thể, khắc phục bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm, là một trong những giải pháp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Xây dựng con người Việt Nam: Cần khắc phục bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Giải pháp đột phá xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) về giải pháp đột phá để xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định vấn đề phát triển con người toàn diện là một trong những nhiệm vụ tổng quát của giai đoạn 2016-2020. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, triệt để.

Trong đó, cần chấn chỉnh đạo đức xã hội, củng cố niềm tin vào chế độ. Cụ thể, khắc phục bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm. Từ các cấp lãnh đạo, quan chức phải làm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất đến các tầng lớp xã hội phải khắc phục bệnh thành tích, giả dối, sống hai mặt, củng cố niềm tin vào những mặt tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; mọi người đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục, trường học trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa. Ngành giáo dục cần đổi mới phương pháp, nội dung hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.”

Nâng cao trách nhiệm của báo chí, thông tin truyền thông trong đấu tranh phòng và chống suy thoái đạo đức, lối sống, báo chí cần định hướng, tạo làn sóng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông về việc chống suy thoái đạo đức, lối sống; đi đầu trong biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; phát hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội; kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đạo đức trong lĩnh vực văn hóa, nhất là các sai phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa; siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại.

Chống thất thu và chống thất thoát ngân sách nhà nước

Liên quan đến trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống thất thu và chống thất thoát ngân sách nhà nước.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Năm 2018, nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước khá tích cực. Chính phủ đã trình Quốc hội đánh giá tổng thu ngân sách năm 2018 vượt dự toán 3%; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 24,5% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đánh giá đạt trên 6,7% (mục tiêu là 6,7%), tiếp tục cắt giảm sâu thuế quan theo các cam kết hội nhập… Tuy nhiên, xét ở các góc độ khác nhau, vẫn có những thách thức nhất định đối với thu NSNN: Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp, thời điểm ngày 31/12/2017 là 73,1 nghìn tỷ đồng và đến ngày 30/9/2018 xấp xỉ 83 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2017).

Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ trọng số nợ thuế trên tổng thu nội địa thì xu hướng là giảm (thời điểm ngày 31/12/2016 ở mức 8,7%; ngày 31/12/2017 là 7,6% và ngày 30/9/2018 là 7,5%). Nếu loại trừ số nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự,… (bao gồm cả số nợ gốc và nợ tiền chậm nộp), hiện chiếm khoảng 35% tổng số tiền nợ thuế, thì tỷ lệ nợ thuế khoảng 4,4% tổng thu nội địa, là ngưỡng chấp nhận được theo thông lệ quốc tế (thấp hơn 5%).

Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã trình Quốc hội yêu cầu các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa số địa phương hụt thu; trường hợp địa phương dự kiến hụt thu thì phải chủ động sắp xếp, giảm, giãn các nhiệm vụ chi, sử dụng các nguồn lực của địa phương để đảm bảo các nhiệm vụ chi, không điều chỉnh giảm dự toán. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm thu, các hoạt động kinh doanh qua mạng, nhà hàng, khách sạn, khu vực kinh tế phi chính thức, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI),… thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền việc sửa đổi Luật quản lý thuế, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, song song với việc bao quát các nguồn thu mới, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý thu và đánh giá thực chất số nợ thuế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, về công tác xây dựng thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các Luật về: NSNN, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra, Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,.. trong đó đặt ra các quy định tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và các đơn vị trong quản lý, sử dụng NSNN chặt chẽ, tiết kiệm. Đặc biệt, Luật NSNN năm 2015 đã có quy định mới về phạm vi thu, chi, bội chi; quy định cụ thể các điều kiện chi, các hành vi bị cấm; vấn đề công khai, minh bạch từ khâu phân bổ đến triển khai thực hiện; việc thanh tra, kiểm toán,… để vừa tạo thuận lợi trong thực hiện vừa tăng cường trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách.

Về tổ chức thực hiện: Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thu ngân sách, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; chi NSNN chặt chẽ theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách, tài sản công được giao.

Về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán: Quyết liệt và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính, tài sản công. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã được đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi về NSNN tiền, tài sản bị tham nhũng, thất thoát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng con người Việt Nam: Cần khắc phục bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm