Xây dựng cơ chế phù hợp để truyền thông thực sự là một nguồn lực và sức mạnh

Xuân Lan| 11/05/2021 21:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Việc tốt mà không biết truyền thông thì người ta không biết, sơ hở nhỏ nhưng để thành khủng hoảng thì gây hậu quả lớn. Phải tăng cường nhận thức, phải xây dựng cơ chế, thể chế chính sách phù hợp để truyền thông thực sự là một nguồn lực, là sức mạnh”.

tt-bo-tttt.jpg
Thủ tướng: Khát vọng lớn nhưng đội ngũ cán bộ không xứng tầm thì không làm được việc

Chiều 11/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Bộ và ngành TT&TT vào thành tựu chung của đất nước qua 35 năm đổi mới, nhất là trong 5 năm qua. Bộ là một trong những cơ quan tiên phong trong đổi mới, trong đó có đổi mới kinh tế với 3 trụ cột chính: Xóa cơ chế quan liêu, bao cấp; phát triển kinh tế đa thành phần và hội nhập quốc tế.

Theo Thủ tướng, để đạt được những kết quả này, nguyên nhân chủ quan là chính, do Bộ và ngành đã triển khai nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bám sát thực tiễn để thực hiện chức năng nhiệm vụ dược giao. Cùng với đó là sự cố gắng, nỗ lực tích cực, hiệu quả của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành qua các thời kỳ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ ngành, cơ quan, các địa phương…

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, kết quả đạt được của ngành chưa như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng lớn, nhất là tiềm năng, nguồn lực con người. “Chúng ta chưa hài lòng với kết quả công việc, tổ chức bộ máy, công tác quản trị và hiệu quả cụ thể; tinh thần tiên phong, gương mẫu tuy mạnh mẽ nhưng vẫn có lúc trầm xuống, chưa đồng bộ, liên tục”, Thủ tướng nói.

“Mạnh hơn, hiệu quả hơn nữa”

Về các nhiệm vụ quan trọng thời gian tới, trước hết, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Nghị định 17/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, bám sát thực tiễn, đề xuất sửa đổi, bổ sung tổng thể, toàn diện theo tinh thần “mạnh hơn, hiệu quả hơn nữa”.

Thủ tướng lưu ý nghiên cứu, bổ sung một số nội dung mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan tới các lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số…; những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Chính phủ sẽ phân cấp tối đa, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, lãnh đạo Bộ chịu trách nhiệm là chính, không xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng nếu không cần thiết; thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát.

Về một số nhiệm vụ, công việc còn chồng chéo, phải tổng kết thực tiễn, nêu rõ những việc đã làm được, những việc chưa làm được, cơ quan nào làm tốt nhất, các bài học kinh nghiệm; tinh thần là sẽ giao việc cho cơ quan, đơn vị nào làm tốt nhất, rõ người, rõ việc, đúng thẩm quyền, có căn cứ khoa học, phù hợp thực tiễn, bảo đảm hiệu quả.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh các nguyên tắc một người có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ có một đơn vị, một cá nhân chịu trách nhiệm chính; việc nào người dân, doanh nghiệp, xã hội có thể làm tốt hơn thì xã hội hóa (trừ các nội dung liên quan tới an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị-xã hội, đối ngoại).

Rà soát chức năng, nhiệm vụ của Bộ, tổ chức bộ máy, các cơ quan thuộc Bộ đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ - cái gốc của công việc, nhất là người đứng đầu gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp, trung thực, trung thành; vận dụng sáng tạo các cơ chế đánh giá cán bộ như đánh giá cán bộ theo sản phẩm, tiến độ và chất lượng công việc, so sánh với các đơn vị tương đương, dưới đánh giá lên, trên đánh giá xuống, đánh giá liên tục, toàn diện… Xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với phòng chống tham nhũng tiêu cực trong mua sắm, quản lý tài sản công. “Khát vọng lớn nhưng đội ngũ cán bộ không xứng tầm thì không làm được việc”, Thủ tướng phát biểu.

Trong công tác quản lý nhà nước, Bộ cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực; đi kèm cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và nguồn lực thực hiện, “không để chiến lược trên giấy”. Thiết kế công cụ quản lý hệ thống, tránh tình trạng từng đơn vị làm tốt nhưng tổng thể lại có vấn đề. Bộ cũng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực quản lý.

Xây dựng cộng đồng mạng lành mạnh, tích cực

Một nhiệm vụ khác là coi trọng hơn nữa công tác xây dựng thương hiệu và bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, đặc biệt với các doanh nghiệp trong ngành.

Thủ tướng đề nghị Bộ xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, đặc biệt là cho phát triển hạ tầng chiến lược và các ngành mũi nhọn. Không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, phát huy tinh thần tự lực tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, xây dựng và dẫn dắt thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia tổng thể, toàn diện, xây dựng Việt Nam số là nhiệm vụ chuyên môn lớn của Bộ. Báo cáo của Bộ đã cho thấy khát vọng lớn trong nhiệm vụ này, phải có cách làm phù hợp, “tất cả phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo”.

Thủ tướng lưu ý, công tác truyền thông là nhiệm vụ hết sức quan trọng. “Việc tốt mà không biết truyền thông thì người ta không biết, sơ hở nhỏ nhưng để thành khủng hoảng thì gây hậu quả lớn. Phải tăng cường nhận thức, phải xây dựng cơ chế, thể chế chính sách phù hợp để truyền thông thực sự là một nguồn lực, là sức mạnh”. Thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu để truyền thông là nguồn cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp, xã hội cùng chung tay, góp sức cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đát nước. Xây dựng cộng đồng mạng lành mạnh, tích cực, thiết thực, có trách nhiệm với cộng đồng, vì lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích mỗi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ chế phù hợp để truyền thông thực sự là một nguồn lực và sức mạnh