Trong khi thị trường xăng dầu trên thế giới vẫn ổn định, thì giá xăng trong nước bất ngờ tăng. Có một thực tế tồn tại từ nhiều năm nay đó là, dù người tiêu dùng đi từ ngỡ ngàng đến bức xúc, song cũng vẫn phải “chịu trận”, không biết kêu ai.
Từ 20 giờ ngày 20/5, giá xăng được điều chỉnh tăng thêm 1.200 đồng/lít và như vậy chỉ trong vòng hai tuần lễ gần đây, giá xăng dầu trong nước liên tiếp tăng hơn 3.100 đồng. Việc xăng dầu trong nước tăng giá trong khi thị trường xăng dầu trên thế giới ổn định đã khiến không ít người ngỡ ngàng và thắc mắc và coi đây là một “nghịch lí”.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: “Cách đây hơn một tuần, phóng viên của một tờ báo nọ cũng có hỏi tôi sau khi xăng tăng giá lần 1, liệu giá xăng sắp tới có tăng nữa không? Tôi đã trả lời rằng, với thị trường xăng dầu Việt Nam, và nhất là với cách quản lý thị trường xăng dầu như ở ta hiện nay thì không nói trước được điều gì cả.
Từ trước đến nay, như đã thành lệ, mỗi khi giá xăng dầu thế giới khẽ nhích lên lập tức doanh nghiệp kinh doanh trong nước lại kêu thua lỗ và đòi tăng giá bán, rồi lại xuất hiện tình trạng găm hàng, đầu cơ xăng dầu. Và cũng mỗi lần doanh nghiệp ‘làm mình làm mẩy’ như vậy thì các cơ quan quản lý của Nhà nước lại xem xét, điều chỉnh, và lại đồng ý cho tăng giá bán.
Nhưng lần này, ngay cả khi thị trường xăng dầu trên thế giới không hề biến động, nếu không muốn nói là ổn định thì giá xăng trong nước vẫn tăng”.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan: Nghịch lí xăng dầu ở ta là do quản lý mà ra. Ảnh: TL.
Về nguyên nhân tăng giá xăng lần này, bà Phạm Chi Lan phân tích: “Tôi được biết, ngày 20/5, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 78/2015/TT-BTC, sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu, theo đó đã quyết định giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu thuộc nhóm 27.10, tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Cũng trong ngày 20/5/2015, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có công văn gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc điều hành kinh doanh xăng dầu. Theo đó, ngoài việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và sử dụng Quỹ bình ổn, Liên Bộ Tài chính – Công thương cho phép các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng giá bán đối với một số mặt hàng xăng dầu.
Và như vậy, việc tăng giá xăng dầu vừa qua là điều dễ hiểu. Công văn của Liên Bộ Tài chính – Công thương đã cho phép thì các doanh nghiệp họ cứ việc tăng giá bán lẻ xăng dầu. Họ cũng chẳng quan tâm đến thị trường thế giới như thế nào. Theo tôi đây là nghịch lí. Nhưng nghịch lí này do chính quản lý mà ra”.
Phản ứng trước việc giá xăng tăng một cách “vô lý” trong hai tuần qua, nhiều người tiêu dùng đã rất bức xúc. Có người đã gọi động thái tăng giá xăng là “đánh úp” vào hầu bao người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Hải (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: “Chúng tôi rất lo lắng với việc tăng giá xăng. Tăng lần này rồi thì sau có tăng nữa không? Kinh nghiệm thực tế cho thấy là có những lần giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian rất ngắn. Bức xúc nhưng mà người tiêu dùng vẫn phải chịu, biết kêu ai...”.
Dư luận đặt câu hỏi, ai bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng mỗi khi xăng tăng giá "vô lý" như hiện nay? Ảnh: P.H.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vương Ngọc Tuấn – Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng, xăng tăng giá thì dĩ nhiên người tiêu dùng là đối tượng chịu tác động ảnh hưởng đầu tiên. Ông Tuấn cũng thừa nhận việc tăng giá xăng đã gây bức xúc cho người tiêu dùng bởi theo ông là “có nhiều bất cập” và “nghịch lý”.
Khi được hỏi về vai trò của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng trong việc tăng giá xăng vừa qua, Hội có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng để phản ánh tâm tư, nguyện vọng cũng như quyền lợi của người tiêu dùng hay không thì ông Tuấn lại cho rằng Hội “không đủ chức năng và quyền hạn”.
Theo ông Tuấn: “Việc tăng giá xăng hay điều chỉnh giá cả thị trường là quyền của Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Hội không có chức năng giám sát, tham vấn hay tư vấn nên không thể có ý kiến được”.