Ngày 21/2, UBTP Tọa đàm về việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan tổ chức. Hội thảo nhằm đóng góp ý kiến để sửa đổi Luật Giám định tư pháp (GĐTP).
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã nghe đại diện các cơ quan như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp đóng góp ý kiến về liên quan đến giám định và trưng cầu giám định trong các lĩnh vực tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; giám định xây dựng; sự phối hợp giữa các Bộ ngành trong giám định tư pháp (GĐTP).
Giám định về xây dựng gặp nhiều khó khăn
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tá Lê Đức Trường – đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an cho biết: Kết luận giám định là nguồn chứng cứ rất quan trọng, có những trường hợp không thể thiếu để C03 làm căn cứ đánh giá, kết luận điều tra vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Trong thời gian qua, hầu hết các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đều phải sử dụng triệt để quy định về những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định theo Điều 4 Thông tư liên tịch số 1 năm 2017 của các cơ quan tư pháp Trung ương. Các nội dung cần giám định là về tiền lãi suất vay ngân hàng phát sinh khi các đối tượng vi phạm quy định trong sử dụng vốn nhà nước dẫn tới dự án bị chậm tiến độ, kéo dài, gây thiệt hại.
Toàn cảnh phiên họp
Tuy nhiên, theo ông Trường, có nhiều vụ việc nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, rất phức tạp nên giám định viên từng mảng phải có cơ chế để thường xuyên trao đổi, phối hợp với nhau thực hiện nội dung giám định mới có thể kết luận giám định được chính xác, khách quan.
Ông dẫn chứng, vụ cố ý làm trái, tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) cần sự tham gia của cả giám định viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng khi giám định thiệt hại của việc thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Từ đó, các cơ quan xác định được ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch PVN đã chỉ đạo việc ký hợp đồng trái quy định của pháp luật, tạm ứng trái quy định số tiền hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng. Giám định viên kết luận được các nhà thầu sử dụng sai mục đích số tiền hơn 1.100 tỷ đồng được tạm ứng. Giám định viên tài chính tính được số tiền gây thiệt hại do hành vi của các đối tượng là gần 120 tỷ đồng, là tiền lãi số tiền tạm ứng bị sử dụng sai mục đích.
Theo ông Trường, việc giám định công trình xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn về phương pháp, cách thức giám định, cách tính hậu quả thiệt hại. Để xác định được công trình có được xây dựng đầy đủ như phương án thiết kế được phê duyệt hay không… chỉ có thể giám định được theo xác suất chứ không thể tháo dỡ cả công trình để tiến hành giám định, trong khi quy định của BLTTHS yêu cầu phải chính xác, vì vậy rất khó để xử lý các vụ án liên quan đến chất lượng công trình xây dựng…
Bên cạnh đó, có một số trường hợp các cơ quan có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giám định khi vụ án thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của cơ quan đó.
Quy định rõ phạm vi giám định từng bộ, ngành
Ông Đào Thịnh Cường, Phó Vụ trưởng, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế VKSNDTC cho biết: Hầu hết các vụ án liên quan đến giám định về kinh tế đều không bảo đảm về mặt thời hạn nên hầu hết các tin báo tố giác trong lĩnh vực này đều xử lý chậm, nhiều vụ phải tạm đình chỉ. Có những vụ tiến hành giám định lần hai, thời gian 3, 4 tháng, cơ quan giám định cũng không trả lời nhưng cũng không có chế tài xử lý.
Theo ông Cường, từ 2013-2018, Vụ này có tổng cộng 46 vụ án trưng cầu giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, trong đó có 8 vụ thời gian giám định bị kéo dài. Trong thời gian chờ kết quả giám định, cơ quan tiến hành tố tụng không đánh giá, kết luận được trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật. Các vụ án có thời gian giám định kéo dài nên phải gia hạn điều tra hoặc tạm đình chỉ, dẫn đến việc giải quyết vụ án cũng bị kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy ban Quốc phòng An ninh phát biểu tại phiên họp.
Đại diện Bộ NN &PTNT cũng cho hay, cơ quan này thường nhận được yêu cầu giám định về lĩnh vực lâm nghiệp, gỗ. Nhưng kinhh phí cho giám định lại rất thấp nên khó khăn trong việc thu hút giám định viên làm việc.
Cùng quan điểm, đại diện Cục giám định Nhà nước về công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cũng cho biết, có nhiều khó khăn vướng mắc như, nhiều nội dung trưng cầu giám định vượt quá thẩm quyền; các chế độ, chính sách thu hút người tham gia chưa có. Giám định xây dựng đặc thù liên quan đến xây dựng, máy móc GĐV phải có trình độ chuyên môn, nhưng đơn giá trưng cầu giám định của Nhà nước thấp nên mặc dù lực lượng đông vẫn không thu hút được họ tham gia.
Góp ý vào dự thảo luật, vị đại diện đề nghị, trong trường hợp có sự tham gia của nhiều cơ quan nên cần có sự phối hợp là cần thiết. Luật nên quy định rõ ràng cơ chế rõ cũng như phạm giám định của các bộ ngành để phối hợp tránh đùn đẩy trách nhiệm và thu hút được đông đảo các giám định viên tham gia.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chỉ ra thực tiễn công tác giám định có nhiều trường hợp liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức. Điều đó càng khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi khoản 3, 4 Điều 25 Luật GĐTP.
Nhìn chung, cách xử lý tình huống giám định những nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của nhiều cơ quan trong sửa đổi Luật GĐTP hiện nay thì ưu tiên hàng đầu vẫn là tách ra, giao trách nhiệm giám định cho từng cơ quan, qua đó bảo đảm tính chính xác, nhanh chóng của việc thực hiện giám định. Chỉ trong một số trường hợp rất hạn hữu, cá biệt với những điều kiện riêng thì sẽ tiến hành việc cùng giám định bằng cách giao cho 1 tổ chức chủ trì, các tổ chức khác phối hợp.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, thấy rằng, cách tiếp cận của dự thảo Luật là trường hợp hạn hữu thì cần nghiên cứu kỹ, quy định thật rõ những tiêu chí không tách được các nội dung giám định. Dự thảo hiện có 2 tiêu chí được hiểu là 2 trường hợp: tách riêng gây khó khăn cho việc giám định, sẽ làm kéo dài thời gian.
Theo Thứ trưởng, nếu tách sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả giám định vì có những nội dung phải giám định đồng thời mới rõ được. Nên cần xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị (chủ trì, phối hợp), điều kiện tiên quyết để tránh đùn đẩy trách nhiệm, quy định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, nội dung giám định nào do cơ quan nào tiến hành thì sau mới dễ xác định trách nhiệm.