Xả thải ra môi trường có thể bị xử lý hình sự

Bảo Nam| 15/04/2016 06:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.

 “Vô tư” xả thải

Chiều 12/4, tại thôn Mai Châu (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội), cơ quan chức năng đã bắt quả tang một vụ xả chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường.

Tại thời điểm phát hiện, chiếc xe mang biển kiểm soát 29C - 269.74 đang xả khoảng 3m3 bùn thải công nghiệp thẳng ra ao thuộc thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Theo khai nhận của lái xe, chiếc xe này của Công ty TNHH Vệ sinh môi trường số 1 (huyện Đông Anh, Hà Nội). Theo điều tra ban đầu của Cục Cảnh sát môi trường, chất thải này được lấy từ trạm xử lý chất thải của KCN Thăng Long.

Xả thải ra môi trường có thể bị xử lý hình sự

Một vụ xả trộm chất thải tại Biên Hòa, Đồng Nai bị phát hiện (Ảnh: Lao động)

Được biết, việc xả trái phép chất thải công nghiệp của Công ty TNHH Vệ sinh môi trường số 1 tại khu vực này đã diễn ra trong một thời gian dài từ cuối năm 2015 đến nay.

Đây không phải lần đầu tiên một vụ xả trộm chất thải bị phát hiện. Từ nhiều năm nay, trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp, đơn vị thi công xây dựng lén lút đổ trộm bùn thải xuống lòng vịnh, thậm chí không chỉ xả ở ven bờ mà thường sử dụng các tàu, sà lan chở bùn ra tận giữa vịnh để đổ trộm.

Ngày 21/11/2015, lực lượng kiểm tra liên ngành của TP Hạ Long đã bắt quả tang 2 tàu trọng tải lớn lén đổ bùn thải tại khu vực hòn Bái Đông thuộc vùng lõi vịnh Hạ Long, gồm tàu HP 2338 và HP 3695. Theo Đội Kiểm tra vi phạm thuộc Ban Quản lý vịnh Hạ Long, lượng bùn thải mà hai tàu đã xả xuống vịnh lên tới gần 300m3.

Trong những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, sự phát triển của các khu công nghiệp, tình trạng xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng.

Tại nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, chủ doanh nghiệp đang vô tình hoặc cố ý thực hiện các vi vi phạm pháp luật môi trường. Nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khí thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng đang khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường C49, hiện nay, hơn 70% lượng nước thải hằng ngày từ các khu, cụm công nghiệp đang xả thẳng ra nguồn tiếp nhận, không qua xử lý.

Có thể bị xử lý hình sự

Hành vi xả chất thải ra môi trường, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.

Tội Gây ô nhiễm môi trường đã được pháp luật quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, theo đó: 

Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: Có tổ chức; Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực từ 1/7/2016) quy định tại Điều 235 về tội Gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, đã nâng mức phạt tiền (từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng) và nâng mức phạt tù (từ 01 năm đến 05 năm).

Điều luật cũng quy định cụ thể về lượng chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy, nước thải, khí thải, bụi, chất thải chứa phóng xạ… bị xả thải ra môi trường. 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Đặc biệt, đối với pháp pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

Pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn  nếu phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.

Theo thống kê, từ năm 2007 đến năm 2014, lực lượng Cảnh sát môi trường cả nước đã phát hiện 53.502 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến 65 tỷ đồng, truy thu phí bảo vệ môi trường 150 tỷ đồng; chuyển khởi tố 1.554 vụ, 2.356 đối tượng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xả thải ra môi trường có thể bị xử lý hình sự