Khốn đốn vì cây chùm ngây

Thanh Phương- Thu Giang| 30/10/2015 10:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ vì lời đồn trồng cây chùm ngây sẽ thoát nghèo nhanh chóng, không ít người dân huyện Cẩm Thủy, Yên Định, Thạch Thành... đã phá bỏ hàng chục ha mía để mong đổi đời. Trớ trêu thay, đến ngày thu hoạch lại chẳng biết bán cho ai, khiến người dân khốn đốn.

"Bánh vẽ" chùm ngây

Tại một số huyện miền núi Thanh Hóa, những cánh đồng mía chuyên canh trước kia, bỗng xuất hiện một loại cây trồng mới – cây chùm ngây. Cây chùm ngây mới chỉ xuất hiện khoảng hơn 1 năm trở lại đây, nhưng đã nhanh chóng chiếm được "cảm tình" của người dân bởi giá trị kinh tế cao cũng như công dụng hữu ích của nó mang lại thông qua những lời tiếp thị hấp dẫn của “thương lái lạ”.

Khốn đốn vì cây chùm ngây

Cánh đồng mía được thay thế bằng cây chùm ngây

Theo phản ánh của người dân xã Cẩm Phong (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) được biết: Khoảng tháng 3-2014, có một nhóm thương lái ở tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Khánh Hòa… đến địa phương giới thiệu về cây chùm ngây, hứa sẽ cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Khi người dân đồng ý trồng, các tư thương bán giống chùm ngây với giá 170 triệu đồng/ha; đồng thời cam kết với nông dân bao tiêu sản phẩm với giá là 25.000 đồng/kg lá chùm ngây tươi; 130.000 đồng/kg lá chùm ngây khô.

Hiện tại đa phần các hộ dân xã Cẩm Phong trồng chùm ngây chủ yếu là do một số thương lái tự đấu mối với người dân, rồi đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật,... để người dân chuyển từ trồng mía sang trồng loại cây này. Đến khi ở Cẩm Thủy, Thạch Thành, Yên Định trồng được hàng chục héc ta cây chùm ngây thì không thấy  thương lái đi bán cây giống nữa.

Bước sang năm 2015, cây chùm ngây bắt đầu cho thu hoạch lá tươi, người nông dân thấp thỏm, mong chờ nhưng không thấy nhóm thương lái trở lại địa phương thu mua thành quả, như cam kết ban đầu, lúc bán cây giống.

Ông Nguyễn Xuân Khánh, một hộ dân trồng chùm ngây ở xã Cẩm Phong tỏ ra khá hiểu về giá trị kinh tế của loại cây này cho biết: "Qua lời thương lái và tìm hiểu trên mạng cây chùm ngây cho thu hoạch từ lá tươi, lá khô, hạt, thân cây để làm thức ăn, thực phẩm chức năng, chè, bột dinh dưỡng…có khả năng chữa bệnh tiểu đường, mỡ máu, ung thư, bệnh còi xương, thiếu máu, một số bệnh về gan, bệnh tim mạch, chống oxy hóa…

Nhà tôi trồng 3,5 ha cây chùm ngây. Loại cây này trước hết giảm cho người dân nguồn sức kéo, trồng một lần 5 năm sau mới phải trồng lại. Thứ 2 là nguồn lợi về kinh tế, mỗi héc ta chùm ngây năm thứ nhất cho thu nhập từ 100 – 120 triệu đồng/ năm. Năm thứ 2 là 128 triệu đồng; năm thứ 3, thứ 4 cứ sau mỗi năm tăng thêm 20%, sau 5 năm sẽ thu hoạch cả lá lẫn củ".

Sở dĩ ông Khánh cũng như nhiều hộ dân khác quyết định chuyển đổi từ trồng mía sang trồng chùm ngây là vì giá trị kinh tế cao mà loại cây chùm ngây này đem lại. Bên cạnh đó, những năm gần đây cây mía cho năng suất thấp, thường xuyên bị sâu bệnh, trữ lượng đường thấp nên nguồn thu nhập từ cây mía đem lại là không đáng kể, người dân trồng mía không còn mặn mà…

Người dân khốn đốn

Ngoài xã Cẩm Phong còn có một số xã khác của huyện Cẩm Thuỷ như Cẩm Bình, Cẩm Sơn, thị trấn Cẩm Thuỷ,...cũng bắt đầu chuyển đổi từ trồng mía sang trồng loại cây này. Tại xã Cẩm Phong, hiện tại đã có khoảng gần 20 ha đất mía chuyển sang trồng chùm ngây.

Khốn đốn vì cây chùm ngây

Dân khốn đốn vì trồng cây chùm ngây

Anh Nguyễn Văn Luyện, ở thị trấn Cẩm Thủy – người đang thu mua các sản phẩm từ cây chùm ngây – cho biết: Đầu ra của loại cây này phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, hiện đã đến lúc thu hoạch lá, nhưng phía Trung Quốc thu mua rất chậm, nên ứ đọng rất nhiều, giá lá tươi họ chỉ mua từ 3.000-4.000 đồng/1kg, khiến người dân rất lo lắng.

Ngày 30/10, trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tịch xã Cẩm Phong được biết: Đây là loại cây không có trong cơ cấu cây trồng của xã. Các hộ dân tự phát trồng sau khi được các thương lái hứa hão. Việc người dân chuyển mía sang chùm ngây chính quyền xã cũng đã khuyến cáo, không nên ồ ạt chuyển sang trồng loại cây này khi chưa có chủ trương cũng như chưa đảm bảo được đầu ra.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy khẳng định: Đây là loại cây không có tên trong danh mục cây trồng nông nghiệp của huyện, của tỉnh. Người dân trồng tự phát khoảng hơn 25 ha cây chùm ngây trên đất bãi bồi ven sông Mã, đất đồi thấp, hiện cho năng suất khá cao, trong khi đầu ra của sản phẩm không ổn định, khiến bà con nông dân lo lắng. Hiện chúng tôi đang tích cực tuyên truyền người dân không được phát triển thêm diện tích cây chùm ngây bởi thị trường bấp bênh, không rõ ràng, cùng với đó huyện cũng đang ráo riết tìm kiếm thị trường để người dân bán sản phẩm đã trồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khốn đốn vì cây chùm ngây