"Đột nhập" trang trại của tỷ phú rắn

Kim Cương| 25/10/2015 06:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thú nuôi rắn đã ngấm vào máu thịt của tôi từ bé, nuôi và chăm rắn cũng giống như chăm con mọn, phải cẩn thận tỉ mỉ từng chút thì chúng mới phát triển tốt. Ăn, ở, sống chung với rắn, bị rắn cắn là chuyện thường ngày”.

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Quyết (SN 1964, trú tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), người được coi là “tỷ phú rắn” bởi ông có hẳn một trang trại nuôi rắn rộng vài trăm mét vuông. 

Trang trại của ông được quy hoạch thành nhiều khu, có 3 khu chính, 1 khu nuôi rắn hổ mang, hổ chúa, một khu nuôi rắn trâu và một khu nuôi rắn sơ sinh.  Mỗi khu đều được xây dựng thành các ô nhỏ, bằng gạch, cửa có lưới chắn bằng thép để đề phòng rắn sổng chuồng.

Ông Quyết cùng với trang trại rắn của mình

Nói về cơ duyên đến với nghề, ông tâm sự: “Nghề nuôi rắn là nghề truyền thống lâu đời của gia đình chúng tôi. Ở xã Vĩnh Sơn này, hầu như gia đình nào cũng nuôi rắn. Nghề nuôi rắn bắt nguồn từ nhiều đời trước truyền lại, tôi là người tiếp nối nghiệp và có trách nhiệm phát triển”.

Theo chân ông vào thăm trang trại rắn hổ mang chúa, tôi không khỏi rùng mình vì những tiếng khẹt, tiếng phì phò của đàn rắn. Ông chỉ cho tôi 1 con rắn được nuôi nhốt lâu năm nhất có chiều dài hơn 3m, nặng khoảng 20kg, các con còn lại trung bình có chiều dài hơn 1m, nặng gần 10kg. 

Thức ăn chủ yếu của rắn là chuột và thịt cóc, lúc rắn còn nhỏ thì phải mớm dần cho chúng ăn, đảm bảo cho chúng đủ dinh dưỡng để phát triển. Đặc thù của loài rắn là chỉ ăn 6 tháng, cách 3 ngày cho ăn 1 lần, còn lại 6 tháng mùa đông thì rắn không ăn mà chỉ ngủ vì đã tích trữ đủ năng lượng.

Rắn hổ chúa nuôi lâu năm có khối lượng lên đến hàng chục kg

Nói về khó khăn trong nghề nuôi rắn, ông cho hay, loài rắn rất mẫn cảm với thời tiết vì thế khi thời tiết thay đổi như trời trở lạnh, chúng tôi phải căng bạt che cho chúng, lót ổ rơm và tăng cường sưởi điện để chúng đỡ rét. Mùa hè thì phải thường xuyên làm sạch chuồng trại, tạo sự thoáng  mát khô ráo cho chúng.

Đặc biệt là khâu theo dõi tình hình sức khỏe của rắn rất gian nan, phải theo dõi thường xuyên và hàng ngày, phát hiện thấy con nào cảm cúm, đi phân trắng, hoặc bỏ ăn là phải điều trị, cách ly ngay, nếu không bệnh sẽ lây cho cả đàn. Nuôi rắn, chăm bẵm rắn và chuyện bị rắn cắn xảy ra như cơm bữa, chính vì thế trong nhà ông luôn có thuốc đặc trị rắn cắn rất hiệu nghiệm.

Suốt hơn 30 năm nuôi rắn, ông không nhớ nổi mình đã bị rắn cắn bao nhiêu lần, đã bao nhiêu lần chết đi sống lại vì nọc rắn nhưng không vì thế mà ông từ bỏ nghề, từ bỏ niềm đam mê với rắn.

Rắn có chiều dài lên đến 3m và còn tiếp tục dài thêm

Nói về khoản thu nhập từ rắn, ông cho biết, mỗi năm trừ chi phí đi, thu nhập từ việc nuôi rắn có thể lên đến 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng, năm bội thu thì lên đến bốn, năm trăm triệu đồng. Thị trường chủ yếu mà ông xuất đi là khắp cả nước và bán cho các thương lái Trung Quốc.

Ông cho biết, người Trung Quốc rất ưa trứng rắn, vì thế trứng rắn là nguồn thu nhập đáng kể, mỗi quả trứng có thể lên đến 400.000 đồng/quả và thấp nhất là 200.000 đồng/quả. Rắn thịt thì tùy loại và chuyên bán theo con, mỗi con có giá hàng chục thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Da rắn cũng là một dược liệu quý

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường rắn có nhiều biến động nên việc xuất rắn hết sức khó khăn, lại bị thương lái Trung Quốc ép giá nên thu nhập nhiều khi cũng hết sức bấp bênh.

Nói về công dụng của “xà dược” ông hồ hởi: “Rắn có rất nhiều công dụng mà khoa học chưa khai thác hết. Mật rắn có công dụng trừ ho, trừ hen phế quản, trị bệnh tiểu đường rất công dụng. Xương rắn làm cao có thể chữa chứng thần kinh tọa, đau khớp, đau vai, đau gáy. Da rắn có thể dùng để điều chế mỹ phẩm dưỡng da vì có nhiều thành phần Colazen. Nọc rắn có thể làm cao xoa bóp, trị đau nhức các cơ. Rượu rắn, mỗi ngày uống một chén có thể phòng bệnh ung thư, giúp giãn gân cốt…”.

Những dược liệu được điều chế từ rắn

“Tuy nhiên hiện nay, thị trường rắn ở Việt Nam đang không được chú ý, chưa được đầu tư nghiên cứu khiến đầu ra gặp nhiều khó khăn, toàn xuất theo nguyên liệu thô, nếu trong nước chế được nguyên liệu tinh thì chắc chắn thị trường rắn Việt sẽ rất phát triển”, ông Quyết cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Đột nhập" trang trại của tỷ phú rắn