Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu.
Tuyên bố được đưa ra nhằm huy động thêm nguồn tài chính để có thể chấm dứt virus chết người này sau gần 1 năm dịch bệnh này đã hoành hành. WHO cho biết cần có hàng trăm triệu USD ngay lập tức để ngăn chặn sự bùng phát ngoài tầm kiểm soát của dịch bệnh này.
Dịch Ebola ở CHDC Congo hiện là dịch bệnh gây chết người lớn thứ 2 trên thế giới, với ít nhất 1.676 người đã nhiễm virus kể từ ngày 1/8/2018 trong khi 2.512 đã đổ bệnh, theo số liệu Bộ Y tế của CHDC Congo. Trước đó, từ 2014-2016, dich Ebola ở Tây Phi đã cướp đi sinh mạng của 11.300 người.
Nhân viên y tế xử lý thi thể người tử vong vì bệnh Ebola. Ảnh: Aljazeera.
Theo WHO, bệnh do virus Ebola gây ra là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường và dụng cụ bị ô nhiễm dịch bệnh.
Đây là lần thứ 5 WHO phải công bố sự lan rộng của một căn bệnh ở cấp độ vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu (nguy cơ bệnh có thể lan ra khắp thế giới). Việc công bố như vậy nhằm mục đích có được sự ủng hộ cả về chính sách và tài chính của nhiều nước để đối phó với dịch bệnh.
Các trường hợp khẩn cấp quốc tế trước đây được ban hành sau đại dịch SARS ở châu Á năm 2004, bao gồm dịch Ebola ở Tây Phi năm 2013-2016 đã giết chết hơn 11.300 người, đại dịch cúm năm 2009, bại liệt năm 2014 và virus Zika gây ra một loạt các dị tật bẩm sinh trên khắp châu Mỹ Latinh.