Thời tiết thay đổi, người già, trẻ em nhập viện tăng đột biến

Huy Hùng| 02/02/2015 13:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều bệnh viện tại Hà Nội liên tục tiếp nhận cấp cứu các trường hợp đột quỵ, tim mạch, huyết áp ở người già và hô hấp ở trẻ em trong những ngày gần đây.

Không khí lạnh tăng cường mang theo mưa rét, đặc biệt là vào sáng sớm, buổi tối và ban đêm, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người già và trẻ em.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội hiện đang phải cấp cứu, điều trị cho 57 trường hợp người cao tuổi bị mắc các bệnh tăng huyết áp, suy tim, co thắt mạch vành, viêm phổi nặng, suy hô hấp, tai biến mạch máu não… 

Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, trong mấy ngày thời tiết lạnh đột ngột, số trẻ tiêu hóa nhập viện liên tục tăng lên. Trẻ nhập viện chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó, nhiều trường hợp trong tình trạng viêm phổi nặng do lạnh và ho kéo dài. 

Nguyên nhân là do kiểu thời tiết thay đổi đột ngột, từ ấm nóng những ngày trước đó nay chuyển rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống ngưỡng thấp. Tại thời điểm này, đang có 110 bệnh nhi điều trị nội trú nhưng khoa Nhi chỉ có 60 giường bệnh, số khám ngoại trú cũng tăng mạnh với hơn 200 bệnh nhân tới khám mỗi ngày.

Đặc biệt, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở máy. Hiện khoa có 10 máy thở thì đã phải sử dụng 9, chỉ còn một máy các bác sĩ để dự phòng cấp cứu. Trẻ nằm viện đa phần là dưới một tuổi, sức đề kháng kém chưa thích nghi được với sự thay đổi của thời tiết thất thường.

Thời tiết thay đổi, người già, trẻ em nhập viện tăng đột biến

Nhiều người già, trẻ em đổ bệnh do thờitiết thay đổi thất thường(ảnh minh hoạ)

Để phòng bệnh ở người cao tuổi trong mùa lạnh, cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa. Hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm; cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối sinh lý.

Những trường hợp dùng răng giả cần vệ sinh răng giả thật sạch sẽ không để bám dính nhiều cặn, thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi sinh vật cho đường hô hấp. Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào nhất là những người cao tuổi đã bị các bệnh mãn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang.

Thể dục khoa học, buổi sáng nên xoa tay, xoa chân cho ấm rồi mới bước xuống giường, có thể vẫn tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà chứ không nên ra khỏi nhà khi thời tiết còn lạnh, nhất là lúc đang có gió mùa.

Theo dõi các chỉ số tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường… ngăn ngừa huyết khối. Tăng cường rau quả chứa nhiều vitamin C thiên nhiên như cam, chanh, bưởi, cà chua, quýt, su hào, xà lách, giá đậu... nhằm làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Có thể uống một ly sữa ấm trước lúc lên giường để khỏi hạ đường huyết trong đêm gây rối loạn giấc ngủ...

Với trẻ nhỏ học mầm non, cha mẹ nên mặc ấm cho trẻ bằng nhiều lớp áo, để trưa có thể cởi bỏ bớt áo, tránh để trẻ nhiễm lạnh do đổ mồ hôi.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý làm thông thoáng nhà cửa; tránh để trẻ tiếp xúc với khói, bụi… Chú ý tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin để tăng sức đề kháng; trẻ dưới 6 tháng cần được bú mẹ hoàn toàn...

Dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương, thời gian tới, miền Bắc tiếp tục có những đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống rất thấp vào đêm và sáng sớm. Do vậy, việc giữ sức khỏe của người dân là rất cần thiết, nhất là với người già và trẻ em, trong đó, yếu tố quan trọng là đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời tiết thay đổi, người già, trẻ em nhập viện tăng đột biến