Sẽ có 48.000 bệnh nhân nhiễm HIV nhận thuốc ARV từ BHYT trong năm 2019

Thảo Nguyên| 10/03/2019 10:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc bắt đầu điều trị ARV bằng BHYT cho những bệnh nhân đầu tiên từ ngày 8/3 được đồng loạt triển khai trong cả nước là bước tiến lớn trong công tác này.

Theo tổng hợp từ các tỉnh/thành phố, tỷ lệ bệnh nhân HIV điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng từ 30% (2015) lên 90% hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT. Điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam.

Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn TS Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/ADIS về nội dung này.

PV: Xin ông cho biết lợi ích của điều trị ARV ở người nhiễm HIV/AIDS?

TS Hoàng Đình Cảnh: Điều trị ARV mang lại sức khỏe, giảm tử vong, nâng cao tuổi thọ cho người nhiễm HIV. Điều trị ARV cũng giúp giảm lây truyền HIV do khi điều trị bằng thuốc ARV số lượng virus HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống mức thấp.

Khoa học đã chứng minh khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện tức dưới 200 bản sao/ml máu sẽ không có lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm thì có đến 98% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV. Điều trị ARV sớm còn đem lại lợi ích kinh tế cho bệnh nhân và xã hội

Sẽ có 48.000 bệnh nhân nhiễm HIV nhận thuốc ARV từ BHYT trong năm 2019

TS Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/ADIS

PV: Xin ông cho biết lợi ích của sử dụng BHYT trong khám, chữa bệnh đối với người nhiễm HIV/AIDS?

TS Hoàng Đình Cảnh: Với những người không nhiễm HIV tham gia BHYT để khi đi khám, chữa bệnh sẽ được BHYT chi trả. Nếu may mắn không bị bệnh thì số tiền đó có cơ hội giúp những người khác không may bị bệnh nhất là những người phải chi phí điều trị lớn, đó là tính nhân văn hay nhân đạo của BHYT.

Đối với người nhiễm HIV tham gia BHYT thì bảo hiểm y tế càng có ý nghĩa quan trọng hơn, bởi vì người nhiễm HIV phải điều trị bằng thuốc kháng virus liên tục, suoosty dời, bên cạnh đó họ còn hay bị mắc các nhiễm trùng cơ hội hoặc mắc bệnh tật. Chi phí điều trị HIV/AIDS bao gồm thuốc ARV, các xét nghiệm CD4, tải lượng virus, các xét nghiệm chức năng gan, thận...v.v. Số tiền mua thẻ BHYT nhỏ hơn nhiều so với số tiền họ được hưởng khi điều trị HIV/AIDS.

Như vậy tham gia BHYT đem lại nhiều lợi ích cho người dân nói chung, đặc biệt có ý nghĩa giảm gánh nặng tài chính với người nhiễm HIV.

PV: Thủ tục tham gia BHYT của người nhiễm HIV có gì giống và khác so với người không nhiễm HIV, thưa ông?

TS Hoàng Đình Cảnh: Với người nhiễm HIV có đủ giấy tờ, đủ điều kiện kinh tế thì việc tham gia BHYT tương tự như người dân không nhiễm HIV. Mua BHYT theo hộ gia đình ở đại lý BHXH tuyến xã, phường.

Người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT hoặc hết hạn BHYT thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm y tế: Cơ sở điều trị HIV/AIDS hướng dẫn người nhiễm thực hiện các thủ tục đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế và lập danh sách những người đó gửi đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố mua tập trung. Như vậy, những khó khăn khi tiếp cận BHYT của người nhiễm HIV đã được giải quyết khi Thông tư 27/2018 hướng dẫn thực hiện BHYT liên quan đến HIV được ban hành.

Sẽ có 48.000 bệnh nhân nhiễm HIV nhận thuốc ARV từ BHYT trong năm 2019

Điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp

PV: Việc điều trị ARV thông qua BHYT có ý nghĩa như thế nào đối với ngành y tế nói chung và công cuộc phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam nói riêng trong bối cảnh hiện nay?

TS Hoàng Đình Cảnh: Điều trị ARV đã triển khai tại VN hơn 10 năm nay, hầu hết từ nguồn tài trợ quốc tế. Hiện nay, có trên 115 nghìn người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và con số này sẽ ngày một tăng. Trong khi đó, nguồn viện trợ đang giảm dần và sẽ kết thúc vào năm 2018. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ trương sử dụng BHYT là nguồn thay thế và chỉ đạo các địa phương phải đảm bảo 100% người nhiễm có thẻ BHYT.

Người nhiễm HIV thuộc rất nhiều các đối tượng khác nhau và sẽ tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng đã quy định trong Luật BHYT. Tuy nhiên, phần đông người nhiễm HIV thuộc nhóm người không được hỗ trợ của nhà nước mà phải tham gia BHYT theo hộ gia đình. Các địa phương cân đối kinh phí hỗ trợ cho những đối tượng thuộc hộ cận nghèo, khó khăn để đảm bảo 100% người nhiễm có thẻ BHYT.

Với chủ trương BHYT toàn dân thì việc điều trị ARV thông qua BHYT sẽ khuyến khích mọi người tham gia trong đó bao gồm cả người nhiễm HIV vì BHYT không chỉ phục vụ khám điều trị HIV/AIDS hay cấp thuốc ARV mà còn để khám và chữa các bệnh khác.

Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời nếu không tham gia BHYT người nhiễm HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hàng năm. Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam.

PV: Các giải pháp tăng độ bao phủ người nhiễm HIV có thẻ BHYT?

TS Hoàng Đình Cảnh: Theo tổng hợp từ các tỉnh/TP, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng từ 30% (2015) lên 90% hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% BN đang điều trị ARV có thẻ BHYT. Có được kết hết sức quả ngoạn mục trên là nhờ có sự chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương và hàng loạt các giải pháp sau:

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT vào cuối năm 2016. Theo đó, quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho 100% người nhiễm HIV. Đây là văn bản quan trọng tác động đến việc tăng nhanh tỷ lệ người nhiễm có thẻ BHYT.

Bộ Y tế đã hướng dẫn, phổ biến và hỗ trợ các địa phương vận động nguồn ngân sách địa phương và các nguồn chương trình, dự án cho hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Đồng thời, các cơ sở điều trị đã rất tích cực tư vấn, truyền thông và hỗ trợ người nhiễm HIV tự nguyện tham gia BHYT.

Cơ chế tham gia BHYT cho người nhiễm HIV không có giấy từ tùy thân đã được giải quyết trong Thông tư 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế thông qua hình thức phát hành thẻ BHYT có ảnh.

Sẽ có 48.000 bệnh nhân nhiễm HIV nhận thuốc ARV từ BHYT trong năm 2019

Những bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên chính thức nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT từ ngày 8/3

PV: Thời điểm chính thức người nhiễm HIV nhận thuốc ARV qua BHYT sẽ bắt đầu từ khi nào, thưa ông?

TS Hoàng Đình Cảnh: Sau một thời gian nỗ lực, khẩn trương chuẩn bị cho sự chuyển đổi nguồn thuốc, đến giờ phút này, chúng ta có thể khẳng định những viên thuốc ARV đầu tiên từ nguồn BHYT sẽ đến tay người nhiễm trong những ngày đầu tháng 3 năm 2019 này.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã hướng dẫn 63 tỉnh thành phố đồng loạt tổ chức sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên điều trị thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế” vào ngày 8/3/2019, nhằm truyền thông. quảng bá mốc chuyển đổi nguồn thuốc ARC từ BHYT; Nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của BHYT trong việc điều trị HIV/AIDS; Đồng thời, vận động sự ủng hộ của các ban ngành trong việc đảm bảo cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT được liên tục.

Bộ Y tế chọn 4 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và TP Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện cấp quốc gia “Những bệnh nhân đầu tiên nhận điều trị ARV từ nguồn bảo hiểm y tế”. Năm 2019, năm đầu tiên sẽ triển khai khám chữa bệnh BHYT ở 188 cơ sở, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT

PV: Xin ông cho biết, hiện việc thực hiện chi trả thuốc ARV qua BHYT cho người nhiễm HIV còn gặp những khó khăn gì và những giải pháp trong thời gian tới?

TS Hoàng Đình Cảnh: Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT phải đồng chi trả chi phí KCB tùy theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Do đó, người nhiễm HIV có thẻ BHYT có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định. Tuy  nhiên, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV. Bởi hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp.

Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân. Bên cạnh đó trong bối cảnh còn nhiều nguồn thuốc hỗ trợ miễn phí và để tiếp cận công bằng giữa các nhóm bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2188 ngày 15/11/2016 quy định các địa phương đảm bảo các nguồn ngân sách cho hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn số 380/AIDS-VP ngày 30/5/2018 hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng  kế hoạch đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020.

Hiện nay đã có 35/63 tỉnh thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV). 18/63  tỉnh thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.

PV: Ông có lời khuyên nào dành cho người nhiễm HIV?

TS Hoàng Đình Cảnh: Lợi ích của bảo hiểm y tế là quá rõ ràng với mỗi người và là xu hướng tất yếu trong tiến trình tiến tới BHYT toàn dân. BHYT càng cần thiết với người nhiễm HIV/AIDS.

Nếu có phải đóng tiền mua BHYT thì với người nhiễm HIV cũng chỉ là đóng góp một phần nhỏ cho chi phí khám và điều trị bệnh cho chính bản thân mình. Vì ngoài chi phí khám, điều trị HIV/AIDS bằng BHYT, các chi phí khám chữa bệnh khác như người không nhiễm HIV cũng được bảo hiểm y tế chi trả. Do vậy người nhiễm HIV nếu chưa có BHYT cần tham gia BHYT ngay từ bây giờ.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ có 48.000 bệnh nhân nhiễm HIV nhận thuốc ARV từ BHYT trong năm 2019