Nhiều phụ nữ có thai mang gen bệnh tan máu bẩm sinh

LÊ PHƯƠNG| 05/10/2014 10:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi lấy mẫu máu xét nghiệm tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, kết quả nhiều phụ nữ đang mang thai có mang gen bệnh tan máu bẩm sinh.

Bà Nguyễn Thị Phúc, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Cao Phong, cho biết, Trung tâm vừa phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện huyết học Trung ương lấy mẫu máu xét nghiệm và phát hiện nhiều phụ nữ đang mang thai có mang gen bệnh tan máu bẩm sinh.

Nhiều phụ nữ có thai mang gen bệnh tan máu bẩm sinh

Bà Nguyễn Thị Phúc trao đổi với phóng viên

Theo đó, trong đợt 1 năm 2014, qua lấy mẫu máu 254 phụ nữ đang mang thai trên địa bàn huyện Cao Phong phát hiện 32 người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, chiếm tỷ lệ 12,59%, trong đợt 2 lấy mẫu máu 124 người phát hiện 22 người mang gen bệnh, chiếm tỷ lệ 17,7%. Cũng trong năm 2014, qua lấy mẫu máu 656 em học sinh của 8 trường phổ thông trên địa bàn phát hiện tới 128 em mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, chiếm tỷ lệ 19,51%.

Trước đó, trong năm 2013 qua lấy mẫu máu xét nghiệm của 550 phụ nữ mang thai phát hiện 111 người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, chiếm tỷ lệ 20,18%. “Bệnh xuất hiện ở hầu hết các xã, tập trung nhiều nhất ở các xã Cao Phong, Tân Phong, Nam Phong…, nhiều trẻ em đã chết vì căn bệnh quái ác này”, bà Phúc nói.

Nhiều phụ nữ có thai mang gen bệnh tan máu bẩm sinh

Bị bệnh tan máu bẩm sinh khiến bụng một cháu bé ở Cao Phong căng phồng lên do lá lách đang bị to ra

Bà Phúc cho biết thêm, tan máu bẩm sinh là bệnh lý di truyền do sự thiếu hụt tổng hợp một chuỗi globin trong huyết sắc tố của hồng cầu. Bệnh gây ra hậu quả chính là thiếu máu mạn tính và ứ đọng sắt trong cơ thể, bệnh rất nguy hiểm và hiện chưa có thuốc điều trị, đây không phải là bệnh lây nhiễm, các biểu hiện của bệnh là thiếu máu, vàng da, lách to, biến dạng xương, bụng to, chiều cao cân nặng kém phát triển.

“Trong trường hợp cả bố và mẹ đều mang gen bệnh thì chỉ có khoảng 25% khả năng sinh con bình thường không mang gen bệnh. Vì vậy, công tác xét nghiệm máu để phát hiện gen bệnh và tư vấn trước hôn nhân cho những người mang gen bệnh là cực kỳ quan trọng. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với Viện huyết học Trung ương tổ chức lấy mẫu máu xét nghiệm hàng năm, đồng thời thành lập các nhóm Công tác viên dân số tại các xã để tuyên truyền về căn bệnh và tư vấn trước hôn nhân cho người dân”, bà Phúc chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều phụ nữ có thai mang gen bệnh tan máu bẩm sinh