Trong năm 2018, ngành Y tế sẽ tập trung 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe y tế toàn dân theo các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Đó là nội dung được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018 của Bộ Y tế ngày 19/1.
Bộ trưởng khẳng định: “Năm 2018 là năm bản lề, quyết định trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đề ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2018”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị
Theo đó, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ về xây dựng luật, pháp lệnh theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.
Thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ: Triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã; mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân; đẩy mạnh quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc dài hạn tại trạm y tế xã.
Hoàn thành các Đề án, văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng trong Chương trình công tác của Chính phủ năm 2018; các Thông tư trong Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 của Bộ Y tế. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách thủ tục hành chính; tiết kiệm, chống lãng phí.
Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế: Các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, trung tâm y tế huyện đa chức năng và quản lý trạm y tế; Bộ Y tế xây dựng đề án hình thành CDC Trung ương và vùng; cơ quan kiểm soát dược phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế (FDA) Trung ương và vùng trên cơ sở sáp nhập các đơn vị cùng thực hiện nhiệm vụ trên.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh: Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, thực hiện nghĩa vụ luân phiên; ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục trong khám, chữa bệnh; ban hành các quy trình chuyên môn; đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức...
Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Bảo đảm vắc xin và duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên 95%. Đẩy mạnh phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, bệnh tật học đường. Thực hiện nghiêm các quy định về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và các đối tượng theo luật định. Tăng cường quản lý môi trưởng y tế; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở mức dưới 0,3%, giảm số người nhiễm mới HIV.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; mở rộng sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; bảo đảm hậu cần đầy đủ và có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng, triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong bà mẹ và trẻ em.
Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ y tế, xây dựng các văn bản pháp luật về đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế. Tăng cường giám sát đào tạo nhân lực y tế, tập trung vào công tác đào tạo liên thông, liên kết, đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, công tác tuyển sinh, bảo đảm chất lượng đào tạo. Tiếp tục xây dựng chương trình, chuẩn năng lực cơ bản các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe. Triển khai thí điểm đào tạo chuyên khoa cấp I cho bác sĩ ngay sau khi tốt nghiệp.
Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hình thành mô hình quản lý bệnh viện như doanh nghiệp công ích. Tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân, hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng chính sách trong khám, chữa bệnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Đảm bảo cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng thuốc, vắc xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt việc đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc cấp quốc gia, thí điểm đấu thầu tập trung trang thiết bị, vật tư, hóa chất. Tăng cường các biện pháp phát hiện và thu hồi thuốc kém chất lượng, phòng chống thuốc giả, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vắc xin, sinh phẩm, thiết bị y tế. Tăng cường phát triển công nghiệp dược, thiết bị trong nước. Tiếp tục triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, Đề án "Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020". Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng để quản lý việc bán thuốc của các nhà thuốc trên toàn quốc".