Giảm hàng trăm nghìn ca có thai ngoài ý muốn mỗi năm

Thảo Nguyên| 19/01/2019 21:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là một trong những kết quả nổi bật của dự án "Tăng cường tiếp cận bền vững dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng tại Việt Nam".

Dự án “Tăng cường tiếp cận bền vững dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020” được Bộ trưởng Bộ Y tế ký duyệt ngày 31/8/2015. Đây là dự án hợp tác giữa Tổng cục dân số - KHHGD với Trung tâm chăm sức khỏe sinh sản cộng đồng (VNCRH) và tổ chức Marie Stopes Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, công tác dân số đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu đề ra. Nhờ đó, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, rất nhiều phụ nữ tại các vùng nông thôn có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. 

Giảm hàng trăm nghìn ca có thai ngoài ý muốn mỗi năm

Khám sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa

Hiện nay, các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng tại tuyến xã còn rất hạn chế như: 42,3% trạm y tế không thường xuyên thực hiện dịch vụ đặt vòng; 23% người cung cấp dịch vụ tuyến xã gặp khó khăn khi đặt dụng cụ tử cung do chưa được tập huấn đầy đủ, không đủ trang thiết bị, hoặc ít thực hiện; cơ cấu sử dụng phương tiện tránh thai chưa đa dạng... 

Việc thiếu hụt các phương tiện tránh thai trong Chương trình Dân số - KHHGĐ có thể dẫn tới tăng số phụ nữ mang thai hay số sinh con ngoài ý muốn, tăng số ca phá thai hay tăng dân số.

Mục tiêu chính của chương trình hướng đến tăng cường năng lực y tế công trong lĩnh vực KHHGĐ, từ đó cải thiện năng lực của người cung cấp dịch vụ tại mạng lưới y tế tuyến cơ sở trong việc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là KHHGĐ dài hạn như đặt dụng cụ tránh thai, cấy tránh thai… nâng cao sự sẵn có và tiếp cận bền vững với các dịch vụ và sản phẩm kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng, góp phần cải thiện sức khỏe sinh sản và KHHGĐ của người dân Việt Nam tại các địa bàn tham gia chương trình.

Chương trình đặc biệt chú trọng việc đánh giá năng lực thực hành của người cung cấp dịch vụ và giám sát chất lượng dịch vụ thường xuyên tại tuyến y tế cơ sở, từ đó xác định được năng lực cung cấp dịch vụ độc lập của cán bộ y tế...

Giảm hàng trăm nghìn ca có thai ngoài ý muốn mỗi năm

Kết quả tiếp cận sử dụng dịch vụ của phụ nữ

Tính đến nay, dự án đã đào tạo hơn 3.000 cán bộ cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực KHHGĐ, một mạng lưới hơn 70 giảng viên tỉnh và 230 giám sát viên tuyến huyện tại 18 tỉnh tham gia chương trình. Ước tính tác động từ cung ứng dịch vụ và sản phẩm KHHGĐ chất lượng của chương trình hợp tác này giúp ngăn ngừa hàng trăm ngàn ca mang thai ngoài ý muốn mỗi năm.

Theo bác sĩ Đinh Thị Nhuận - Giám đốc Dự án, năm 2018 Marie Stopes Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Dân số-KHHGĐ thực hiện ngăn thừa được gần 700.000 ca mang thai ngoài ý muốn; ngăn ngừa được 165 ca tử vong mẹ và gần 192.000 ca phá thai không an toàn được ngăn ngừa…

“Chúng tôi cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác với Việt Nam để góp phần hoàn thành các mục tiêu chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ của người dân Việt Nam một cách bền vững”, Giám đốc Dự án Marie Stopes Việt Nam khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm hàng trăm nghìn ca có thai ngoài ý muốn mỗi năm