Dịch bạch hầu lan rộng: Cấp 10 triệu liều vắc xin cho 4 tỉnh Tây Nguyên

Thảo Nguyên - Hà Chi| 09/07/2020 16:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 9/7, Bộ Y tế bắt đầu chương trình tiêm vắc xin phòng bạch hầu, trước hết thực hiện ở 4 tỉnh Tây Nguyên với tất cả người từ 2 tháng tuổi.

Đảm bảo tiêm chủng

Sáng ngày 9/7, tại tỉnh Gia Lai, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc với UBND các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi - những tỉnh có bệnh nhân bạch hầu về công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, Tây Nguyên đến nay ghi nhận 68 trường hợp dương tính với bạch hầu. Trong đó Đắk Nông 25 ca, Kon Tum 24 ca, Gia Lai 16 ca và Đắk Lắk 1 ca. Ngoài ra, 3 người tử vong vì bệnh. Đây là những người sống ở vùng sâu, vùng xa và là ca xuất hiện lần đầu tại địa bàn sau 16 năm, và được phát hiện muộn.

Về độ tuổi của người mắc bạch hầu, dưới một tuổi có 3 trường hợp; từ 1-7 tuổi có 8 trường hợp; trên 7 tuổi đến 40 tuổi là 37 trường hợp, trên 40 tuổi 5 trường hợp.

Xem xét tiền sử tiêm chủng của người mắc bệnh cho thấy đa số trường hợp đều không được tiêm vắc xin có chứa thành phần phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.

Theo lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, những khu vực có bệnh đều là vùng sâu, vùng xa nên nhận thức về bảo vệ sức khỏe còn chưa cao. Người dân vẫn chưa ý thức được cách phòng, chống bệnh. Bên cạnh đó, vắc xin tiêm phòng đối với lứa tuổi trên 7 tuổi còn thiếu nên rất cần được hỗ trợ.

Dịch bạch hầu lan rộng: Cấp 10 triệu liều vắc xin cho 4 tỉnh Tây Nguyên

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc

Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá, dịch bạch hầu có xu hướng lan nhanh, lan rộng ở các tỉnh Tây Nguyên, tiếp tục có những diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Vì thế ngành y tế luôn sẵn sàng trên tinh thần vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa chống dịch bạch hầu. Ông Long nhấn mạnh, quan điểm của ngành y tế là kiểm soát nhanh nhất và ổn định đời sống của nhân dân.

"Bộ Y tế sẽ hỗ trợ toàn bộ vaccine cho các địa phương. Dự kiến hơn 10 triệu liều vắc xin sẽ được hỗ trợ cho các địa phương nay trong chiều nay. Ngoài ra Bộ sẽ cung cấp 200.000 khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ cho mỗi địa phương, nếu thiếu Bộ sẵn sàng chu cấp thêm", ông Nguyễn Thanh Long nói và lưu ý người dân không chủ quan với Covid-19.

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm vắc xine= phòng chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Đây là kế hoạch chống dịch bạch hầu có quy mô lớn từ trước đến nay tại Việt Nam. Mục tiêu chung của kế hoạch là đảm bảo ít nhất 90% người từ 2 tháng tuổi trở lên đến 40 tuổi tại 4 tỉnh này được tiêm vắc xin chứa thành phần bạch hầu đảm bảo an toàn.

Gần 50% ca bệnh bạch hầu không có triệu chứng

Phân tích sâu về 53 ca đầu tiên mắc bệnh, ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, có tới 25 ca không có biểu hiện triệu chứng (người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc).

"Việc có tới gần 50% ca bệnh không có triệu chứng, chứng tỏ bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, nguy cơ lây bệnh từ người này sang người khác qua tiếp xúc là rõ ràng”, ông Tấn nhận định.

Trong số các trường hợp mắc bệnh, chủ yếu là người trên 7 tuổi (chiếm 85%), ghi nhận có người 50-60 tuổi cũng mắc bệnh. Đa số trường hợp mắc bệnh không được tiêm vắc xin phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ có 3 trường hợp/53 người (5,6%).

Để ngăn chặn nhanh, triệt để, giảm tỷ lệ tử vong do mắc bạch hầu, ông Long đề nghị các địa phương cần thực hiện 4 phương châm phòng chống dịch là: Cách ly, khoanh vùng, dập dịch, khi phát hiện ca bệnh ở trên địa bàn nào thì lập tức điều trị dự phòng cho tất cả các đối tượng trên địa bàn đó.

Về vấn đề điều trị, Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Bạch Mai lập tổ điều trị chuyên môn, hỗ trợ điều trị cho các địa phương; giao Bệnh viện Bạch Mai tiến hành mua huyết thanh, đảm bảo cung cấp cho các địa phương này.

Kết luận cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mọi năm dịch rải rác, quy mô nhỏ, năm nay xảy ra trên diện rộng. Bằng sự vào cuộc chủ động, tích cực nhất, Bộ Y tế với quan điểm chỉ đạo chung là làm thế nào để dập tắt dịch trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo tính bền vững trong thời gian tiếp theo.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch bạch hầu lan rộng: Cấp 10 triệu liều vắc xin cho 4 tỉnh Tây Nguyên